Ngày 20/1/2022 đánh dấu tròn một năm Tổng thống Mỹ Joe Biden ngồi "ghế nóng” tại Nhà trắng. Chặng đường đầu tiên ghi dấu ấn nỗ lực của vị tổng thống Mỹ thứ 46 trong việc thực hiện cam kết với cử tri, cũng như trên hành trình "đưa nước Mỹ trở lại”.


Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 

Song, phía trước còn nhiều thách thức, khi đại dịch chưa chấm dứt, kinh tế phục hồi mong manh...

Nhậm chức vào thời điểm cuộc chiến chống Covid-19 bước vào năm thứ 2, tác động nghiêm trọng của đại dịch rõ rệt hơn, Tổng thống Biden nhanh chóng phác thảo và thực hiện các kế hoạch lớn chưa từng có. Đầu tiên là gói cứu trợ ứng phó Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, tiếp đến là chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có gói 1.200 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là những thành tựu điểm nhấn đầu tiên trong chương trình nghị sự đầy tham vọng của Tổng thống Biden. Gói cứu trợ đã cung cấp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả tới các gia đình, người lao động Mỹ vốn phải vật lộn chống chọi đại dịch. Luật Phát triển cơ sở hạ tầng được ban hành, hứa hẹn tạo bước tiến dài để xây dựng lại nền kinh tế Mỹ bền vững hơn, qua việc đầu tư vào hệ thống đường sắt, đường bộ, cầu cảng và các tuyến đường ống dẫn khí đốt.

Nỗ lực ứng phó Covid-19 ghi nhận thắng lợi nổi bật của Tổng thống Biden khi cam kết tiêm 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền được hoàn thành trước thời hạn. Hơn 415 tỷ USD đã được chi cho phòng, chống Covid-19, trong đó ưu tiên đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm và tốc độ tiêm chủng quốc gia. Một bộ phận người dân Mỹ còn hoài nghi hiệu quả của vắc-xin, nhưng chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực, đến giữa năm 2021 đưa tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt, hiện đạt mức 63% dân số được tiêm đủ liều cơ bản. Song, sự xuất hiện của các biến thể Delta, rồi Omicron phần nào làm mờ nhạt thành tựu chống dịch, đe dọa đảo ngược tuyên bố "đã kiểm soát đại dịch” của Tổng thống Biden.

Kết quả phủ rộng vắc-xin và hỗ trợ ứng phó Covid-19 góp phần tạo đà cho kinh tế phục hồi. Tin tốt là tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã xuống mức thấp kỷ lục, còn 4,2% vào tháng 12/2021. Con số 6,4 triệu việc làm mới trong một năm qua không cao, song vẫn hơn bất kỳ mức Tổng thống Mỹ nào có được trong năm đầu nắm quyền. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát tăng vọt những tháng cuối năm gây nhiều lo lắng. Tháng 12/2021, lạm phát đã lên mức 7%, cao nhất kể từ năm 1980.

Một loạt vấn đề xã hội khác cũng được Tổng thống Biden quan tâm thúc đẩy, như xử lý dòng người di cư tự do đổ về biên giới phía nam nước Mỹ, kiểm soát súng đạn, giảm nhẹ tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại... Đặc biệt, việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật chống tội ác thù hận trong đại dịch Covid-19 được xem là thắng lợi lớn về đối nội của Tổng thống Biden, phần nào giúp giảm bớt áp lực từ cơn phẫn nộ của xã hội. Tuy nhiên, sau một năm với nhiều nỗ lực hàn gắn, xoa dịu những vấn đề bất đồng, mục tiêu về một nước Mỹ đoàn kết vẫn chưa thể hoàn tất, bất đồng giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa thậm chí nới rộng trong nhiều vấn đề.

Nếu chính sách xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn được xem là điểm nhấn trong lĩnh vực đối nội, thì thành công về đối ngoại chính là "sự trở lại của nước Mỹ”. Ba kết quả nổi bật của chính quyền Tổng thống Biden là: Khôi phục vai trò dẫn dắt của Mỹ trong các nỗ lực quốc tế, nhất là chống biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn vắc-xin cho thế giới; Hàn gắn quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, giải quyết tranh chấp thương mại và thúc đẩy quan tâm chung; Thiết lập cơ chế đối tác an ninh ba bên gọi tắt là AUKUS và nâng tầm "bộ tứ” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi lực lượng Mỹ hoàn tất rời Afghanistan, quyết định chấm dứt cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử "xứ cờ hoa” vẫn còn gây tranh cãi. Những người tiền nhiệm đều cam kết, song Tổng thống Biden là người duy nhất thực hiện lời hứa đưa binh sĩ Mỹ về nhà. Tuy nhiên, kịch bản không lường trước là sự trở lại nắm quyền của lực lượng Taliban và quốc gia Nam Á rơi vào vòng xoáy khủng hoảng đã làm giảm ý nghĩa hành động dứt khoát của ông Biden. Trong khi đó, những khúc mắc trong quan hệ giữa Mỹ với Nga, hay trong vấn đề hạt nhân Iran, cũng chưa được giải quyết, tiếp tục đặt ra thách thức lớn cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden...

Không phủ nhận những thành tựu của Tổng thống Biden trong chặng đầu nhiệm kỳ vừa qua, khi kinh tế duy trì đà phục hồi, các mối quan hệ đồng minh của Mỹ được khôi phục và tinh thần đa phương trở lại chương trình nghị sự đối ngoại của "xứ cờ hoa”. Tuy nhiên, thách thức với Tổng thống Biden trên chặng đường tiếp theo là không ít, quan trọng nhất là duy trì lòng tin của người dân vào các định hướng, kế hoạch mà ông theo đuổi.

TheoNhanDan

Các tin khác


Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục