Ngày 26/7, các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.


Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: Reuters)

Trên mạng xã hội Twitter, CH Séc, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, viết: "Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi! Các bộ trưởng đã đạt được một thỏa thuận chính trị về cắt giảm nhu cầu khí đốt trước thềm mùa đông sắp tới".

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Séc Jozef Sikela, người chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels, tuyên bố kế hoạch của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cho thấy các nước EU cần phải đồng ý giảm sử dụng khí đốt của Nga trong mùa đông này.

Theo ông, việc Gazprom cắt giảm nguồn cung là "bằng chứng bổ sung cho thấy chúng tôi phải nắm thế chủ động và phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga càng sớm càng tốt".

Trong khi đó, Đức, cường quốc kinh tế của EU, phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga cũng như nguồn cung từ tập đoàn năng lượng Gazprom trong nhiều năm, cũng đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế. Trao đổi ý kiến với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga là "một sai lầm chiến lược" và chính phủ đang nỗ lực khắc phục điều này. Ông nhấn mạnh đây "không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung-Đông Âu" và các nước "phải cùng nhau giải quyết vấn đề này".

Trước đó, các nước thành viên EU đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc trao quyền cho Brussels áp đặt việc cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trong trường hợp khẩn cấp. Họ muốn chính 27 quốc gia thành viên - chứ không phải cơ quan điều hành EU có trụ sở tại Brussels - quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các mục tiêu ràng buộc.

Mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của mỗi quốc gia thông qua một loạt các trường hợp miễn trừ, có tính đến mức dự trữ khí đốt của mỗi nước cũng như liệu họ có đường ống dẫn khí đốt hay không.

Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU. Hồi tháng 6, Moskva đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40%, với lý do 1 tuabin được sửa chữa ở Canada chưa được đưa trở lại Nga.

Tập đoàn Gazprom ngày 25/7 thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống này. Cụ thể, kể từ sáng 27/7, công suất qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí/ngày và lý do là tập đoàn phải sửa chữa 1 tuabin khác.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt sau khi Gazprom tuyên bố giảm nguồn cung. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch London ICE ngày 26/7, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức hơn 2.000 USD/1.000m3 lần đầu tiên kể từ tháng 3. Các giao dịch trong kỳ hạn tháng 8 mở cửa ở mức 1.891,4 USD/1.000m3 so với mức đóng cửa ngày 25/7 là 1.852 USD. Hiện giá giao kỳ hạn tháng 8 trên TTF ở mức 2010 USD/1.000m3. Kể từ đầu phiên giao dịch ngày 26/7, giá đã tăng 7%.

Theo TTXVN

Các tin khác


Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 24/7 khẳng định, đà tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại và thừa nhận có nguy cơ suy thoái, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng tình trạng suy thoái chưa chắc sẽ xảy ra.

Nga thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước Arab

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/7 đã trình bày bài phát biểu trước Hội đồng Liên đoàn Arab (AL) tại Cairo (Ai Cập), xác nhận rằng Moskva và các quốc gia Arab đang lên kế hoạch tổ chức diễn đàn hợp tác Nga - Arab lần thứ 6 một cách sớm nhất có thể.

Hàng nghìn ha rừng bị thiêu rụi chỉ trong một ngày tại bang California, Mỹ

Theo tin AFP, đã có hàng nghìn ha rừng bị thiêu rụi tại bang California (Mỹ) trong ngày 23/7 do một đám cháy rừng bùng phát ở bang này một ngày trước đó, trong khi hàng triệu người Mỹ phải hứng chịu cái nóng như thiêu đốt và nhiệt độ lên mức kỷ lục dự kiến sẽ còn tăng.

Mỹ và châu Âu ứng phó thời tiết nắng nóng kỷ lục

Mỹ và châu Âu đang chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục. Hơn 50% số bang tại Mỹ đã nhận cảnh báo về nền nhiệt cao, với nhiệt độ cao nhất dao động ở mức hơn 46 độ C ở hai bang Texas và Oklahoma. Ít nhất bốn bang gồm Arkansas, Illinois, Kansas và Missouri đã chứng kiến mức nhiệt tăng hơn tối thiểu 10 độ C so mức trung bình lịch sử cho thời điểm này trong năm.

WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 23/7 (tối 23/7 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nơi trên thế giới.

Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp

Số liệu thống kê vừa được cơ quan y tế Nhật Bản công bố cho thấy, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp, với hơn 190 nghìn ca mắc trong ngày 22/7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục