Ngày 22/3, tại thành phố Yakutsk (Cộng hòa Yakutia, Nga), Hội nghị khoa học-thực tiễn về biến đổi khí hậu và sự tan băng vĩnh cửu chính thức khai mạc. Sự kiện do Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực phối hợp chính quyền Yakutia, Đại học liên bang Đông Bắc (Nga) tổ chức.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chia sẻ ý kiến tại phiên toàn thể. (Ảnh: THANH THỂ)
Hơn 500 nhà khoa học, đại diện các tổ chức nghiên cứu, giáo dục của Nga, cũng như các chuyên gia đến từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản tham gia hội nghị trực tiếp và từ xa.
Tại phiên toàn thể với chủ đề "Băng vĩnh cửu và những thách thức từ biến đổi khí hậu toàn cầu" diễn ra chiều 22/3, qua video gửi đến Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, hiện tượng tan băng vĩnh cửu làm gia tăng rủi ro đối với cơ sở hạ tầng. Nga nỗ lực duy trì tính ổn định, tăng tính bền vững của môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng Bắc Cực thuộc Nga.
Ghi nhận mối quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế đối với khu vực Bắc Cực, nhà ngoại giao Nga khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế vì lợi ích phát triển vùng cực, cân bằng giữa các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường. Đó cũng là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực 2 năm của Nga, theo lịch kết thúc vào tháng 5 năm nay.
Đối với Cộng hòa Yakutia thuộc Nga, nghiên cứu về biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất lớn. Ông Aisen Nikolaev, người đứng đầu Cộng hòa Yakutia giải thích, các công trình khoa học giúp tìm ra giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân. Cộng hòa Yakutia đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ về vấn đề tan băng vĩnh cửu.
Cũng tại phiên toàn thể, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị. Các vấn đề về biến đổi khí hậu ở Bắc Cực không chỉ tác động vùng cực, mà còn ảnh hưởng các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên Trái đất.
Chủ tịch Ủy ban quan chức cấp cao của Hội đồng Bắc Cực Nikolai Korchunov kỳ vọng, Hội nghị sẽ giúp các nhà khoa học có thêm hướng tiếp cận về những thay đổi trong đất đóng băng vĩnh cửu. Nghiên cứu về băng vĩnh cửu là cần thiết để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực, như lũ lụt, biến dạng cơ sở hạ tầng và các mối nguy hiểm khác.
Ông Alexei Chekunkov, Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực đánh giá cao triển vọng của Bắc Cực; nhấn mạnh, sự khai phá khu vực này có thể thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm an ninh năng lượng.
Cũng theo Bộ trưởng Alexei Chekunkov, khí hậu Bắc Cực đang thay đổi là thách thức mới, song cũng mở ra cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng, hậu cần và sản xuất của các vùng lãnh thổ Bắc Cực. Tiềm năng này phải được khai thác trên cơ sở tiếp cận cân bằng, có tính đến tất cả các yếu tố về môi trường.
Ông Alexei Chekunkov nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đóng góp vào việc thực hiện các sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác khoa học quốc tế về khí hậu và môi trường vùng Viễn Bắc.
Được tổ chức từ ngày 22-24/3 dưới sự chủ trì của Nga, nước hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bắc Cực, Hội nghị khoa học-thực tiễn về biến đổi khí hậu và sự tan băng vĩnh cửu đặt mục tiêu tìm kiếm các giải pháp chung nhằm thích ứng nền kinh tế với biến đổi khí hậu. Các phiên họp cũng tập trung thảo luận về những thách thức từ biến đổi khí hậu và sự tương tác giữa giới khoa học và doanh nghiệp.
Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn được thành lập năm 1996 với mục đích thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các khu vực quanh vùng cực. Các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực gồm Canada, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển.
Tháng 3/2022, để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, các nước Canada, Phần Lan, Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ thông báo tạm dừng tham gia Hội đồng Bắc Cực.
Tháng 6/2022, bảy quốc gia nêu trên ra tuyên bố chung thông báo về việc khôi phục một phần hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn, dự định tiếp tục công việc trong Hội đồng Bắc Cực liên quan các dự án không có Nga tham gia.
Vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, trong bối cảnh các hoạt động toàn diện của Hội đồng Bắc Cực vẫn bị đình chỉ, hội nghị ở Yakutia nhằm xác nhận rằng, chủ đề biến đổi khí hậu vẫn sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Nga ở Bắc Cực.
TheoNhandan
Ngày 21/3, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ngay lập tức lên đường tới Ukraine để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, thay vì về nước theo kế hoạch ban đầu.
Cùng nhau nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 5/2022 song dường như cơ hội được kết nạp vào liên minh quân sự này lại đang rộng mở với Phần Lan trong khi cánh cửa vẫn khép chặt với Thụy Điển.
Cựu Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng Goldman Sachs Lloyd Blankfein ngày 19/3 nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ sẽ thúc đẩy quá trình thắt chặt tín dụng nói chung và làm chậm nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày tại Nga với hy vọng mang lại một bước đột phá về xung đột Ukraine trong bối cảnh quốc gia châu Á tìm cách khẳng định mình là một nhà kiến tạo hòa bình trên trường quốc tế.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết tăng cường trao đổi và hợp tác với các đảng phái và các tổ chức chính trị ở các quốc gia khác. Đây là tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu tại Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới diễn ra ngày 15/3 tại thủ đô Bắc Kinh.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đối mặt thách thức lớn về bảo đảm nguồn cung năng lượng, nhiều nước đang chuyển hướng sang phục hồi điện hạt nhân. Mặc dù vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nước thành viên EU, song giải pháp này được cho là sẽ góp phần hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng.