Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) với Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde trong lễ ký đơn xin gia nhập.
Trong một tuyên bố ngày 20/3, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển không hề lên một kế hoạch dự phòng nào khác cho việc gia nhập NATO.
"Rất đáng tiếc nếu phải đề cập đến một kế hoạch B, vì điều đó chỉ làm suy yếu toàn bộ mong muốn trở thành một thành viên NATO mà thôi, Ngoại trưởng Billstrom cho biết.
Cho đến nay, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển đã được 28 trong số 30 thành viên của khối chấp thuận, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu, Ankara lên tiếng phản đối mạnh mẽ Thụy Điển và Phần Lan trước "sự khoan hồng" của hai nước này đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đàm phán, Ankara đã có phần hạ giọng với Helsinki.
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Quốc hội nước này sẽ bắt đầu phê chuẩn việc xin gia nhập NATO của Phần Lan. Trong khi đó, Hungary cũng tuyên bố sẽ chấp thuận đơncủa Phần Lan vào ngày 27/3, còn việcgia nhập của Thụy Điển sẽ được thảo luận sau.
Các cuộc đàm phán gia nhập NATO của Thụy Điển vốn đã gặp trở ngại lại càng trở nên phức tạp hơn sau một loạt hành động khiêu khích từ đầu năm 2023, bao gồm việc hình nộm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan bị treo ở Stockholm, kinh Qur'an bị đốt, một tòa soạn báo Thụy Điển tổ chức một cuộc thi biếm họa nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Billstrom thừa nhận so với Phần Lan, Thụy Điển vẫn còn một chặng đường dài để vào NATO. Tuy nhiên, nhà chức trách khẳng định Thụy Điển sẽ được gia nhập khối quân sự trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh tổ chức ở Vilnius, Litva vào tháng 7 tới.
Tháng 5/2022, Helsinki và Stockholm cùng nhau nộp đơn gia nhập NATO, từ bỏ nguyên tắc không liên kết với các khối liên minh và lấy lý do cho rằng họ làm như vậy vì những thay đổi trong tình hình an ninh của châu Âu do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Kể từ đó đến nay, lãnh đạo của cả hai quốc gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước láng giềng Bắc Âu sánh bước cùng nhau. Tuy nhiên, điều đó dường như rất khó xảy ra.
Trước việc Thụy Điển bị phản đối, người dân và các đảng phái chính trị của Phần Lan,thậm chí cả giới lãnh đạo cao nhất của quốc gia này ngày càng ủng hộ việc hành động một mình.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto xác nhận Helsinki có thể gia nhập NATO trước Thụy Điển. Ông Niinisto nhấn mạnh việc trì hoãn và nói "không” với sự mở lòng của Thổ Nhĩ Kỳ là không thực tế, sẽ đặt Phần Lan vào một tình thế rất khó khăn.
Trong một tuyên bố hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Mikko Savola cũng cho rằng nước này sẽ gia nhập NATO mà không chờ Thụy Điển trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận đơn của nước láng giềng Bắc Âu.
"Thụy Điển là đối tác thân cận nhất của chúng tôi. Hầu như tuần nào lực lượng phòng thủ của chúng tôi cũng luyện tập cùng nhau. Đó là một mối quan hệ hợp tác sâu sắc và chúng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau. Nhưng quyết định nằm trong tay Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ trưởng Savola nhấn mạnh.