Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại Berlin, Đức.
Theo hãng tin Reuters, trước đây, Đức đã có các văn bản chính sách đề cập đến vấn đề an ninh nhưng vào tháng 11/2021, liên minh ba bên của Thủ tướng Olaf Scholz đã thống nhất rằng họ muốn có một tài liệu chiến lược toàn diện hơn.
Ý tưởng đó càng trở nên cấp thiết sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra. Sự việc đã phơi bày tình trạng nghèo nàn của quân đội Đức, sự phụ thuộc quá mức của Đức vào năng lượng của Nga cũng như Berlin không đảm bảo việc bảo vệ đầy đủ đối với cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống dẫn khí đốt.
Các nhà phân tích cho biết trong hàng chục năm sống trong hòa bình và thinh vượng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Đức đã quá chủ quan trước các mối đe dọa mới bao gồm các quốc gia ngày càng quyết đoán như Nga và Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu mang tính bước ngoặt vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thủ tướng Scholz đánh giá cuộc chiến Ukraine báo trước một thời đại chuyển mình, đòi hỏi Đức phải ưu tiên an ninh hơn và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
Nhà lãnh đạo cho biết từ giờ, Đức sẽ đầu tư hơn 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng, tăng từ mức khoảng 1,5% hiện nay, sau nhiều năm phản ứng trước lời kêu gọi của các đồng minh NATO. Đây được cho là một cam kết dự kiến có trong Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của Đức.
Nils Schmid, phát ngôn viên chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội, cho hay: "Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và xu hướng ảnh hưởng ở các khu vực khác trên thế giới đòi hỏi chúng ta phải thể hiện lập trường của mình một cách mạnh mẽ hơn”.
Mikko Huotari, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, bày tỏ mong đợi có "những tuyên bố quan trọng hơn về thách thức mà Trung Quốc đặt ra trên trường quốc tế” trong chiến lược. Tuy nhiên, tài liệu này khó có thể đi sâu vào chính sách của Đức đối với Trung Quốc, vì chính phủ dự kiến công bố một chiến lược riêng về Trung Quốc vào cuối năm nay.
Chiến lược An ninh Quốc gia là kết quả của nhiều tháng thu thập ý kiến của cả chuyên gia và người dân ở cấp quận, bang và quốc gia trong một quy trình do Bộ Ngoại giao thực hiện.
Mặc dù ban đầu liên minh đã đồng ý ký kết văn bản này trong năm đầu tiên nắm quyền, nhưng quá trình đã bị trì hoãn do nhiều tranh chấp giữa các bên và các bộ.