Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) trong một chuyến công du châu Phi.
Từ ngày 29/5 đến 2/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã công du châu Phi, thăm Kenya, Burundi, Mozambique và chặng dừng chân cuối là Nam Phi, nơi ông Lavrov tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của nhóm BRICS, với sự tham gia của đại diện từ Congo, Ai Cập, Gabon, Guinea-Bissau và Comoros.
Đây là chuyến thăm thứ 3 của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tới lục địa châu Phi trong năm nay. Vào tháng 1 vừa qua, ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea, và vào tháng 2, ông đã đến thăm Mali, Mauritania và Sudan. Trong chuyến công du mới nhất của ông Lavrov, ngày 31/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki tại Điện Kremlin.
Theo nhận định của nhà phân tích Milosz Bartosiewicz, chuyên gia về Nga trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) mới đây, việc Nga tăng cường hoạt động ngoại giao chưa từng có đối với châu Phi chứng tỏ Điện Kremlin ngày càng quan tâm đến việc hợp tác với các quốc gia ở lục địa này.
Chuyên gia Bartosiewicz cho rằng, điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế trước sự cô lập từ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Sự hợp tác giữa Nga và châu Phi cũng là "không đối xứng và có chọn lọc”. Moskva có sựưu tiên trong các khía cạnh chính trị, quân sự và năng lượng của mình. Phía Nga đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác với các quốc gia châu Phi trên diễn đàn Liên hợp quốc, xuất khẩu vũ khí cũng như đầu tư vào năng lượng hạt nhân do tập đoàn nhà nước Rosatom thực hiện.
Cả hai chuyến thăm của ông Lavrov và cuộc gặp của Tổng thống Putin với người đồng cấp Eritrea chủ yếu có khía cạnh chính trị và xây dựng hình ảnh, đồng thời là một phần của quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 (sẽ được tổ chức tại St. Petersburg vào tháng 7 tới).
Các tuyên bố về phát triển hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật, học thuật, văn hóa và nhân đạo rõ ràng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Hoạt động ngoại giao sôi nổi của Nga với châu Phi bao gồm các mối liên hệ không chỉ với các quốc gia quan trọng theo quan điểm của Điện Kremlin, mà còn với các quốc gia bình thường khác, chẳng hạn như Burundi, và trước đó là Eswatini và Mauritania. Điều này cho thấy ý định gia tăng ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh tích cực về Moskva trên phạm vi toàn châu lục, cũng như sẵn sàng tận dụng sự hợp tác của bất kỳ quốc gia nào.
Chuyến công du châu Phi cũng là cơ hội để Nga phản biện Mỹ, EU và các đồng minh của họ (Australia, Nhật Bản, Anh). Cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt chống Nga được cho là hậu quả của trật tự quốc tế đơn cực do phương Tây hậu thuẫn, trật tự này cũng phân biệt đối xử với các nước đang phát triển. Đồng thời, Moskva đang tìm cách định vị mình là một đối tác hấp dẫn và là người ủng hộ trật tự thế giới đa cực phù hợp hơn với lợi ích của "Nam bán cầu”.
Ngoài ra, sự tham dự của ông Lavrov trong hội nghị của những người đứng đầu ngành ngoại giao của các nước BRICS là rất quan trọng trong bối cảnh thảo luận về khả năng mở rộng của nhóm, bao gồm cả các nước châu Phi. Cuộc họp cũng là cơ hội để tăng cường mối quan hệ giữa Nga và Nam Phi. Việc duy trì các mối quan hệ song phương là rất quan trọng đối với Điện Kremlin trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Nam Phi bí mật chuyển giao vũ khí cho Moskva (mặc dù nước này đã tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine), và cũng liên quan đến hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo BRICS do Nam Phi đăng cai tổ chức vào tháng 8 năm nay.