Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ trong tuần này được coi là bước ngoặt cho quan hệ song phương, với những hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, thương mại đầu tư và chia sẻ công nghệ cao.


Ngày 22/6/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang ở thăm Mỹ đã ra tuyên bố chung gồm 58 điểm, trong đó đề cập đến quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã đạt được những thỏa thuận lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đầu tư và không gian vũ trụ. Ảnh: AFP/TTXVN

Washington và New Delhi đã xích lại gần nhau trong hơn 2 thập kỷ gần đây khi các đời tổng thống Mỹ thể hiện sự ủng hộ của lưỡng đảng trong mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ. Tổng thống Joe Biden đã mở rộng hợp tác khi coi Ấn Độ là đối tác quan trọng trong tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng đã vượt qua "sự do dự của lịch sử" - như ông Modi nêu trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ năm 2016 và hướng về phương Tây trong bối cảnh hiện tại.

Thủ tướng Modi đã đến Mỹ 5 lần kể từ khi trở thành lãnh đạo Ấn Độ hồi năm 2014, song đây là chuyến đi đầu tiên của ông với đầy đủ quy chế ngoại giao của một chuyến thăm cấp nhà nước. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước thứ 3 mà Tổng thống Biden tiếp đón trong nhiệm kỳ và là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Ấn Độ đến Mỹ kể từ chuyến thăm của cựu Thủ tướng Manmohan Singh năm 2009.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi ngày 22/6, Tổng thống Biden nhấn mạnh quan hệ song phương là mối quan hệ đối tác có ý nghĩa quan trọng, đang trở nên "mạnh mẽ hơn, gần gũi và năng động hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử". Ông Biden cũng kỳ vọng với chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, quan hệ hai nước sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Trong khi đó, Thủ tướng Modi cũng khẳng định: "Hôm nay là một ngày có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử quan hệ Ấn Độ-Mỹ. Các cuộc thảo luận ngày hôm nay và những quyết định quan trọng mà chúng ta đưa ra đã thêm một chương mới vào quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước”.

Nâng tầm quan hệ đối tác toàn cầu

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden đã ra tuyên bố chung gồm 58 điểm, trong đó đề cập đến quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Theo tuyên bố chung, Quan hệ Đối tác Chiến lược và Toàn diện Toàn cầu Mỹ-Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới về sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, được làm phong phú thêm bởi mối quan hệ gần gũi và tình hữu nghị nồng ấm đã gắn kết chặt chẽ hai quốc gia. Hai nước sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ đa dạng và mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc chung về dân chủ, tự do và pháp quyền. Hợp tác song phương được định hình để phục vụ lợi ích toàn cầu thông qua các nhóm đa phương và khu vực – đặc biệt là Nhóm Bộ Tứ (QUAD) – để đóng góp cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và kiên cường. Hai bên cũng đã đạt được đồng thuận trong hàng loạt vấn đề đáng chú ý, nhất là những thỏa thuận trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đầu tư và không gian vũ trụ. 

Về công nghiệp quốc phòng, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Biên bản ghi nhớ mang tính bước ngoặt giữa General Electric và Hindustan Aeronautics Limited để sản xuất động cơ phản lực GE F-414 ở Ấn Độ, mở đường cho những thỏa thuận chuyển giao công nghệ động cơ phản lực của Mỹ trong tương lai và ràng buộc ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước trong nhiều năm tới. Tàu hải quân của Mỹ trong khu vực sẽ có thể cập cảng ở nhà máy đóng tàu Ấn Độ để sửa chữa theo thỏa thuận hàng hải, và Ấn Độ sẽ mua máy bay không người lái có trang bị vũ khí MQ-9B SeaGuardian do Mỹ sản xuất. 

Về công nghệ, hai nhà lãnh đạo khẳng định công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ. Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi hoan nghênh việc hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, về Quan hệ đối tác đổi mới và đặc biệt là thông báo của Tập đoàn Micron Technology với kế hoạch đầu tư 825 triệu USD để xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ. 

Hai bên cũng thiết lập lộ trình để khám phá các giới hạn mới trên lĩnh vực hợp tác không gian. Ấn Độ đã đồng ý tham gia Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu về khám phá không gian, và hợp tác với NASA để thúc đẩy sứ mệnh chung tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2024.


Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, Washington, DC ngày 22/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Về chuyển đổi năng lượng sạch, Mỹ và Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn chung và đầy tham vọng nhằm nhanh chóng triển khai năng lượng sạch trên quy mô lớn, xây dựng sự thịnh vượng kinh tế và giúp đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Hai nước đã khởi xướng Kế hoạch hành động về công nghệ năng lượng tái tạo mới và mới nổi giữa Mỹ và Ấn Độ, thúc đẩy hợp tác phát triển hydro xanh, khai thác năng lượng gió ngoài khơi và trên bờ, cũng như các công nghệ mới nổi khác. 

Về phát triển toàn cầu, là 2 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Ấn Độ là những đối tác không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng, trật tự kinh tế tự do, công bằng và dựa trên luật lệ trên toàn thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực y tế, dược phẩm, giáo dục, giao lưu nhân dân và có kế hoạch mở thêm các cơ quan lãnh sự. Mỹ cũng sẽ nới lỏng các quy định về cấp và gia hạn thị thực cho những người lao động Ấn Độ có trình độ và tay nghề. 

Về các vấn đề quốc tế, Mỹ và Ấn Độ khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải được tôn trọng. Hai bên nhấn mạnh trật tự toàn cầu hiện đại được xây dựng trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc xung đột tại Ukraine, nhấn mạnh những tác động ngày càng tăng và nghiêm trọng của cuộc chiến đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm lương thực, nhiên liệu, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng. 

Bước ngoặt trong quan hệ song phương

Chuyến thăm của ông Modi được mô tả là "một bước đi quan trọng” trong chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia. Mỹ hiện đang tìm cách mở rộng hơn nữa phạm vi của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và tăng cường sự hội nhập của Ấn Độ vào một cấu trúc an ninh chung. Đổi lại Ấn Độ đang tận dụng cơ hội để thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhằm đạt được các lợi ích tối đa.

Đánh giá về chuyến công du của Thủ tướng Modi, Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cho rằng chuyến thăm cho đến nay "thực sự mang tính đột phá" và New Delhi tin tưởng chuyến đi sẽ giúp đưa mối quan hệ với Washington lên "tầm cao hơn". Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Ely Ratner nhìn nhận chuyến thăm của Thủ tướng Modi "như một bàn đạp thực sự cho mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ" và quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước là trọng tâm để đạt được tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thu hút nhiều chú ý trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức. Chuyến thăm có thể không chỉ truyền năng lượng mới vào quan hệ hai nước mà còn tác động đến trật tự toàn cầu.

Theo TTXVN

Các tin khác


Mexico tiếp tục hứng chịu nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ tới 45 độ C

Mexico vẫn đang trong những ngày nắng nóng kỷ lục trong nhiều năm qua với nhiệt độ lên tới 45 độ C tại một số bang như Campeche, Coahuila, Nuevo Leon, San Luis Potosi, Sonora, Tabasco, Tamaulipas và Veracruz.

Khoảng 40 người bị thương, mất tích trong vụ nổ khí gas ở Paris, Pháp

Chiều 21/6, một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển con phố Rue Saint-Jacques, khiến ít nhất 37 người bị thương, 2 người mất tích và gây ra nhiều thiệt hại tại quận 5 thủ đô Paris của nước Pháp.

WHO cảnh báo sự gia tăng lây lan các bệnh liên quan đến virus do El Nino

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 21/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đang chuẩn bị cho tình trạng gia tăng sự lây lan các bệnh liên quan đến virus như sốt xuất huyết, Zika và chikungunya do hiện tượng thời tiết El Nino.

Châu Á chật vật trong nắng nóng

Nhiều nước châu Á đang vật lộn với thời tiết nắng nóng khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đang là vấn đề được các nước quan tâm bởi nền nhiệt độ tăng cao bất thường gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người dân, làm đình trệ hoạt động sản xuất và tác động không nhỏ tới kinh tế-xã hội.

Vụ vỡ đập Kakhovka: Ukraine ước tính thiệt hại khoảng 1,2 tỷ euro

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 20/6, Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets cho biết vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ euro (hơn 1,3 tỷ USD), đồng thời cảnh báo lũ lụt có thể khiến nhiều bom mìn gài tại khu vực này đổ xuống bờ biển của các nước châu Âu khác.

Cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ cho Sudan 1,5 tỷ USD

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/6, cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD cho Sudan - nơi xung đột giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cũng như châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục