Người dân Phoenix đến các trung tâm làm mát tại thành phố để tránh nhiệt độ cao.
Nhiệt độ cơ thể từ 41,6 độ C trở lên có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn. Trong khoảng từ 5 đến 10 phút, các tế bào não sẽ chết ở mức nhiệt độ cao này.
Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Valleywise Health ở Phoenix, bang Arizona chia sẻ với kênh CNN (Mỹ) rằng tác động của nắng nóng không ngừng đang gây áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Giám đốc truyền thông của Trung tâm Y tế Valleywise Health là Michael Murphy nói rằng trong một số trường hợp nghiêm trọng, họ phải đưa bệnh nhân vào túi đựng xác chứa đá lạnh để giúp bệnh nhân hạ nhiệt.
Bác sĩ phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế Valleywise Health – ông Frank LoVecchio phân tích mặt đường dưới nắng nóng có thể đạt mức nhiệt rất cao. Ông cho biết bệnh nhân có thể ngã xuống vỉa hè do mất nước, say nắng hoặc gặp tình trạng bệnh lý khác.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ, hơn 1.500 nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận tại nước này trong tháng 7. NOAA cho biết hơn 35 kỷ lục nhiệt độ cao theo ngày đã bị phá vỡ chỉ trong hôm 16/7, với Las Vegas ghi nhận kỷ lục mới ở mức 46,6 độ C.
Dựa trên dữ liệu của NOAA, Phoenix cùng Tucson tại bang Arizona; El Paso, Corpus Christi và Brownsville thuộc bang Texas; Tampa và Fort Myers tại bang Florida đều ghi nhận tháng 7 nóng nhất tại địa phương. El Paso thậm chí còn đạt mức 37,7 độ C ngày thứ 32 liên tiếp và "chưa có dấu hiệu chấm dứt”.
NOAA khuyến cáo người dân: "Hãy coi trọng vấn đề nắng nóng và tránh kéo dài thời gian ở ngoài trời. Nhiệt độ cùng các chỉ số nhiệt sẽ đạt đến mức có thể gây rủi ro cho sức khỏe và mang khả năng gây tử vong cho bất kỳ ai không được cung cấp nước hiệu quả và đầy đủ”.
Đã có cảnh báo về nhiệt độ cao nguy hiểm ở Tây Nam nước Mỹ, trải dài từ Texas đến Arizona, trong 38 ngày liên tiếp kể từ hôm 10/6. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo nắng nóng dự kiến sẽ tiếp tục trên toàn khu vực cho đến ít nhất là ngày 28/7.