Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng các cuộc đàm phán trước đây với Mỹ chỉ càng khẳng định thái độ thù địch "không thay đổi" của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thăm nhà máy đóng tàu Nampho ở tỉnh Nam Pyonganv vào tháng 2/2024. Ảnh: KCNA/TTXVN
Ngày 22/11, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng các cuộc đàm phán trước đây với Mỹ chỉ càng khẳng định thái độ thù địch "không thay đổi" của Washington đối với Bình Nhưỡng. Ông cũng nhấn mạnh việc phát triển vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ông Kim Jong-un phát biểu hôm 21/11 tại một triển lãm quốc phòng, nơi trưng bày những hệ thống vũ khí mạnh nhất của Triều Tiên, bao gồm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng hướng tới lãnh thổ Mỹ. Trước đó trong cuộc gặp với các sĩ quan quân đội tuần trước, ông đã cam kết mở rộng chương trình hạt nhân quân sự không giới hạn.
Chủ tịch Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa bình luận trực tiếp về việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2018 và 2019, trước khi các nỗ lực ngoại giao đổ vỡ do bất đồng về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu và các bước đi của Triều Tiên trong việc thu hẹp chương trình hạt nhân.
Trong bài phát biểu tại triển lãm, ông Kim Jong-un đề cập đến các hội nghị thượng đỉnh thất bại mà không nêu tên ông Trump.
Ông nói: "Chúng tôi đã tiến xa nhất có thể trong đàm phán với Mỹ, và điều chúng tôi xác nhận được không phải là ý chí chung sống của một siêu cường, mà là lập trường triệt để dựa trên vũ lực và chính sách xâm lược, thù địch không thay đổi (của Mỹ)" đối với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cáo buộc Mỹ gia tăng áp lực quân sự lên Triều Tiên bằng cách tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh trong khu vực và tăng cường triển khai các phương tiện tấn công chiến lược, có vẻ ám chỉ đến các vũ khí quan trọng của Mỹ như máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm và tàu sân bay. Ông kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực nâng cao năng lực của quân đội được trang bị vũ khí hạt nhân, nói rằng bảo đảm an ninh duy nhất của đất nước là xây dựng "sức mạnh phòng thủ mạnh nhất có thể áp đảo kẻ thù".
Chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng mở rộng của Triều Tiên bao gồm nhiều loại vũ khí có khả năng hướng tới Hàn Quốc và Nhật Bản cùng các tên lửa tầm xa đã chứng minh khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm mục đích cuối cùng là gây áp lực buộc Washington phải chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và đàm phán các nhượng bộ về kinh tế, an ninh.
Trong những tháng gần đây, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông Kim Jong-un là Nga, khi ông cố gắng tăng cường vị thế quốc tế, chấp nhận ý tưởng về một "Chiến tranh Lạnh mới".
Trong khi đó, Washington và các đồng minh cáo buộc Triều Tiên hỗ trợ cho Nga một lượng lớn thiết bị quân sự, bao gồm các hệ thống pháo binh và tên lửa, để giúp duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Theo các chuyên gia, đổi lại, ông Kim Jong-un có thể nhận được viện trợ kinh tế cần thiết và có thể là chuyển giao công nghệ của Nga, điều này có thể tăng cường mối đe dọa từ quân đội được trang bị vũ khí hạt nhân của ông.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngay cả khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, việc nhanh chóng nối lại hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng có thể khó xảy ra. Liên minh ngày càng sâu sắc của Triều Tiên với Nga và việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng ngày càng yếu đi đang tạo ra thêm thách thức trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Những phát biểu mới nhất này của nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đã làm tan biến triển vọng đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, sau sự kiện ông tái đắc cử vào đầu tháng 11 làm dấy lên suy đoán về khả năng quay trở lại ngoại giao thượng đỉnh giữa hai bên.
Theo Baotintuc.vn
Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ giống như nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump về các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ - Trung.
Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, trong đó yêu cầu Quốc hội nước này phê chuẩn khoản chi gần 100 tỷ USD dành cho công tác viện trợ thảm họa khẩn cấp sau các cơn bão Helene và Milton cùng các thảm họa thiên nhiên khác tại nước này.
Kênh CNA (Singapore) ngày 18/11 đã có bài nhận định rằng nhân tài trẻ tiềm năng là "bệ phóng" giúp Việt Nam thu hút các ông lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Mặc dù có những lo ngại về tương lai, nhưng các chuyên gia chính sách đối ngoại dự đoán rằng một số "lan can bảo vệ" đủ vững chắc để ngăn mối quan hệ Mỹ - Trung trượt dài vào khủng hoảng.
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử bà Tulsi Gabbard làm Giám đốc Tình báo Quốc gia đang khiến không ít người lo ngại vì bà từng có một số quan điểm "ủng hộ” Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Các chuyên gia cho biết Ukraine có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng vài năm, nhưng cái giá về chính trị sẽ quá cao.