Chỉ vài ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã gây chú ý với tuyên bố cứng rắn về chính sách thương mại, đặc biệt nhằm vào Ấn Độ.
Ông Donald Trump (trái) trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp ở New Delhi ngày 25/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Trump cảnh báo sẽ áp dụng nguyên tắc "có đi có lại", áp đặt thuế tương đương với mức mà Ấn Độ áp lên hàng hóa Mỹ. Phát biểu trước báo giới ngày 17/12 (giờ địa phương), ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ lâu nay đã duy trì chính sách thương mại mở cửa, trong khi nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, áp thuế nhập khẩu rất cao. "Nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ như vậy. Họ tính thuế với chúng ta 100-200%, thì chúng ta sẽ làm điều tương tự", ông tuyên bố.
Ông Trump coi Ấn Độ là một trong những quốc gia áp thuế cao nhất thế giới, trích dẫn ví dụ về mức thuế lên tới 150% đối với xe máy Harley Davidson, một vấn đề ông từng nêu trong nhiệm kỳ trước.
Theo ông, mức thuế cao này đã tạo ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ.
Ngoài Ấn Độ, các nước như Trung Quốc và Brazil cũng bị ông Trump chỉ trích vì các chính sách thương mại không công bằng.
Trong khi đó, ông Howard Lutnick, người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, ủng hộ hoàn toàn chính sách thương mại "có đi có lại". Ông Lutnick giải thích rằng nếu một quốc gia áp thuế với Mỹ, thì Mỹ sẽ áp thuế tương đương, đảm bảo các giao dịch thương mại diễn ra công bằng.
Ông Lutnick nhấn mạnh: "Bạn nên mong đợi được đối xử theo cách bạn đối xử với chúng tôi", khẳng định thông điệp cứng rắn của chính quyền Tổng thống đắc cử Trump về việc bảo vệ lợi ích thương mại Mỹ.
Tuyên bố của ông Trump đã khiến Ấn Độ lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra. Chính phủ Ấn Độ và các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đang theo dõi sát sao tình hình để đánh giá tác động của các biện pháp mà Mỹ có thể thực hiện.
Theo dữ liệu thống kê, trong năm tài khóa 2022-2023, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt 133 tỷ USD, trong đó thương mại dịch vụ chiếm khoảng 58 tỷ USD. Ấn Độ hiện là thị trường lớn thứ 10 của Mỹ, chiếm 2,3% thị phần, trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất của Ấn Độ, đóng góp gần 20% thị phần.
Theo phòng thương mại và công nghiệp PHD của Ấn Độ, thương mại song phương dự kiến có thể tăng lên 300 tỷ USD vào các năm 2026-2027.
Với việc "có đi có lại" trở thành nguyên tắc trung tâm trong chính sách thương mại của chính quyền ông Trump, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ có nguy cơ đối mặt với nhiều sóng gió trong thời gian tới.
Theo Baotintuc.vn
Tình hình chính trị tại Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng khi ông Han Dong Hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền, tuyên bố từ chức trong bối cảnh Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối mặt với thủ tục luận tội tại Tòa án Hiến pháp.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc khủng hoảng không thể đảo ngược.
Chính phủ Israel vừa thông qua kế hoạch tăng gấp đôi dân số người Do Thái định cư tại Cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ chiếm đóng bất hợp pháp từ Syria.
Antimon là kim loại thiết yếu trong sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, nhưng Mỹ hiện không sản xuất được. Trung Quốc đã cắt giảm nguồn cung cấp antimon, làm tăng sự phụ thuộc vào các quốc gia khác như Slovakia và Canada.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, các quốc gia Arập ngày 14/12 cam kết ủng hộ tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, đồng thời cho biết sẽ làm việc với Liên hợp quốc (LHQ) để tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn Syria được trở về an toàn, đồng thời cung cấp cho họ hỗ trợ nhân đạo sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngày 8/12.
Đài NBC dẫn nguồn tin cho biết, Tổng thống đắc cử của Mỹ đang thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Ukraine đúng vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.