Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak.
Tuyên bố này được Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, đưa ra vào cuối ngày 12/12 (giờ địa phương) trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hìnhSuspilne.
Ông Yermak nhấn mạnh: "Chưa phải là hôm nay. Chúng tôi không có đủ vũ khí, không có vị thế và cũng chưa nhận được các đảm bảo an ninh rõ ràng. Điều này là cần thiết để đảm bảo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không quay trở lại trong hai hoặc ba năm nữa”.
Tuyên bố của Yermak được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Volodymyr Zelensky cân nhắc khả năng đàm phán với Nga nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết Ukraine chỉ sẵn sàng đàm phán khi đảm bảo được lợi ích chiến lược và an ninh quốc gia.
Trong các phát biểu công khai gần đây, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine cần được mời gia nhập NATO với những đảm bảo an ninh cụ thể, ngay cả khi quy chế của Liên minh chỉ áp dụng trên các khu vực do Kiev kiểm soát. Ông cũng khẳng định rằng các cuộc đàm phán với Nga có thể diễn ra ngay cả khi Moskva vẫn quản lý các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Tại Paris tuần trước, ông Zelensky đã gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người cam kết muốn chấm dứt chiến tranh "một cách nhanh chóng” nhưng không tiết lộ chi tiết kế hoạch.
Trong khi đó, Moskva tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn. Ngày 10/12, Điện Kremlin tuyên bố rằng cuộc chiến sẽ kéo dài cho đến khi các mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin được hoàn thành, dù thông qua chiến tranh hay đàm phán.
Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết: "Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc khi tất cả các mục tiêu do tổng thống và tổng tư lệnh đề ra đều đạt được”. Ông Peskov cũng nhấn mạnh hiện tại không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra vì Kiev từ chối mọi đề xuất từ Moskva.
Moskva yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và chấp nhận chủ quyền của Nga tại bốn khu vực mà nước này tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Tuy nhiên, Kiev bác bỏ các điều khoản này, coi đó là hành động đầu hàng.
Bất chấp lập trường đối đầu, Tổng thống Zelensky gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp ngoại giao để chấm dứt chiến tranh. Ông gợi ý khả năng triển khai lực lượng quốc tế tại Ukraine cho đến khi nước này có thể gia nhập NATO, coi đây là một bước đi chiến lược nhằm đảm bảo an ninh lâu dài.
Với việc cả hai bên giữ vững lập trường, xung đột tại Ukraine đang rơi vào tình trạng bế tắc, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ leo thang trong thời gian tới. Trong khi Kiev kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để tăng cường sức mạnh quân sự và ngoại giao, Moskva vẫn kiên quyết đẩy mạnh chiến dịch quân sự để đạt được mục tiêu trên chiến trường.
Khi các cuộc đàm phán hòa bình chưa có tín hiệu khởi động, tình hình Ukraine-Nga tiếp tục là bài toán đầy thách thức đối với cộng đồng quốc tế.