Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 27/12 (giờ địa phương), hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu và Thủ tướng Narendra Modi sau sự ra đi của cựu Thủ tướng Manmohan Singh vào tối 26/12, hưởng thọ 92 tuổi.
Ông Manmohan Singh, lúc đương nhiệm Thủ tướng Ấn Độ, phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: ANI/TTXVN
Trong một tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả cựu Thủ tướng Manmohan Singh là một chính khách xuất sắc, người có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế và lợi ích toàn cầu của Ấn Độ. Ông Putin cũng nhấn mạnh vai trò của cựu Thủ tướng Singh trong việc tăng cường quan hệ Ấn Độ - Nga bằng cách nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền.
Theo Tổng thống Putin, "(Cựu Thủ tướng) Manmohan Singh là một chính khách xuất sắc. Với tư cách là Thủ tướng và khi đảm nhiệm các vị trí cấp cao khác, ông đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Ấn Độ và khẳng định lợi ích của nước này trên trường thế giới. Ông cũng có đóng góp cá nhân lớn trong việc tăng cường các mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta bằng cách nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền”.
Trong điện chia buồn gửi lần lượt tới Thủ tướng Modi và Ngoại trưởng S. Jaishankar của Ấn Độ, Thủ tướng Shigeru Ishiba và Ngoại trưởng Takeshi Iwaya của Nhật Bản đã bày tỏ lòng biết ơn cựu Thủ tướng Singh vì "những nỗ lực của ông nhằm xây dựng nền tảng" cho sự phát triển quan hệ song phương giữa Nhật Bản - Ấn Độ ngày nay.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết: "Ấn Độ đã mất đi một vĩ nhân và nước Pháp mất đi một người bạn đích thực, đó là Tiến sĩ Manmohan Singh. Ông ấy đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước mình. Chúng tôi xin chia buồn với gia quyến và người dân Ấn Độ”.
Tổng thống Nepal Ramchandra Paudel trong bài viết trên X đã gọi cựu Thủ tướng Singh là "nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng" của Ấn Độ và bày tỏ lời chia buồn tới chính phủ, người dân Ấn Độ cũng như các thành viên gia đình tang quyến.
Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli bày tỏ vô cùng đau buồn trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Singh và gọi ông là "nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa". Ông cho rằng Tiến sĩ Manmohan Singh là nhà lãnh đạo có tầm nhìn, trí tuệ, sự khiêm tốn, và sự cống hiến của ông đã định hình nên Ấn Độ và truyền cảm hứng cho khu vực. Nepal sẽ mãi mãi ghi nhớ sự ủng hộ của ông đối với nền dân chủ và tình hữu nghị lâu dài.
Trên X, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake viết: "Tôi xin thay mặt người dân Sri Lanka gửi lời chia buồn chân thành tới Cộng hòa Ấn Độ, gia đình Tiến sĩ Manmohan Singh và vô số người ngưỡng mộ ông trên toàn thế giới. Là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, ảnh hưởng của Tiến sĩ Singh đã vượt qua biên giới quốc gia”.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng gửi lời chia buồn trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Singh. Thủ tướng Ibrahim mô tả cựu Thủ tướng Singh là một người bạn yêu quý và là một nhân vật quan trọng trong công cuộc cải cách kinh tế Ấn Độ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Singh. Theo ông Blinken, ông Singh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế ở Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn, trong đó có Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn Độ.
Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Eric Garcetti, cũng vinh danh di sản của Singh, nói rằng: "Hãy ghi nhớ những đóng góp quên mình của người bạn thân yêu đồng thời là cựu thủ tướng của chúng ta, Tiến sĩ Manmohan Singh, người đã mở ra một chương lịch sử trong quan hệ Mỹ - Ấn. Sự cống hiến của ông cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của Ấn Độ tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng tôi. Biết ơn sự lãnh đạo và tầm nhìn của ông”.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố để quốc tang cựu Thủ tướng Singh trong 7 ngày. Lễ tang chính thức được tổ chức vào ngày 28/12.
Cựu Thủ tướng Manmohan Singh sinh ngày 26/9/1932. Ngoài vai trò là một nhà kinh tế, ông còn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ từ năm 1982-1985. Ông là Thủ tướng thứ 13 của Ấn Độ, với 2 nhiệm kỳ từ năm 2004-2014.
Theo TTXVN
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 25/12 dẫn các nguồn tin thạo tin cho biết các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza do Ai Cập và Qatar tổ chức đang rơi vào bế tắc, làm tiêu tan hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn trong tầm tay nhằm chấm dứt cuộc chiến dai dẳng tại dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Hãng tin Nga TASS dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế, ông Yury Ushakov cho biết, ngoài các nước trong danh sách đối tác của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), hiện có hơn 20 quốc gia tiếp tục bày tỏ quan tâm đến hoạt động của BRICS và nhóm "những viên gạch vàng" này khẳng định luôn chào đón các quốc gia "cùng chí hướng".
Các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế đang tích cực hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria nhằm tránh kịch bản hỗn loạn như đã xảy ra tại Libya hay Iraq.
Trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với một số thách thức lớn, như xung đột địa chính trị tiếp diễn, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao, thiên tai và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Để đối phó với thách thức, nhiều quốc gia đã chủ động thực hiện điều chỉnh chính sách, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và bảo vệ nền kinh tế trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trên toàn cầu.
Tảng băng khổng lồ A-23A đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương và đang trôi dạt về phía đông bắc, dự kiến sẽ tan vỡ hoàn toàn.
Trong thập niên tới, dự báo kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 25.000 tỷ USD mỗi năm do môi trường bị hủy hoại.