Hoạt động thương mại toàn cầu đang đối mặt với những bất ổn lớn do những tuyên bố trái chiều từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc về các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trên tạp chí Time, Tổng thống Trump cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm và hai bên đang đàm phán để đạt thỏa thuận thuế quan. Tuy nhiên, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đăng tải, hai nước không có bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào về thuế quan. Đây là tín hiệu mới nhất trong một loạt tín hiệu mâu thuẫn về tiến độ đang được triển khai để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại - nhân tố đe dọa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể. Dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bày tỏ sự lạc quan về tiến triển nhanh chóng, song những quan chức khác như ông Paschal Donohoe, Bộ trưởng Tài chính Ireland, lại nhấn mạnh đến sự cấp bách phải giảm thiểu rủi ro [do thuế quan gây ra], cũng như thu hẹp tình trạng bất ổn.
Dù có những tín hiệu giảm căng thẳng khi Trung Quốc miễn thuế đối với một số mặt hàng của Mỹ, cũng như việc Mỹ muốn xoa dịu tình hình, song vẫn chưa có cam kết chính thức nào về việc giảm thuế quan. Các chuyên gia cảnh báo rằng chiến lược thuế quan của ông Trump có thể gây ra những tác động lâu dài, bao gồm xu hướng gia tăng chi phí sinh hoạt và những rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến thương mại, các cuộc họp mùa Xuân của IMF và WB cũng đưa ra những lo ngại về tương lai của các tổ chức tài chính quốc tế này. Ông Trump đã có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào các tổ chức trên và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu lo ngại về một trật tự kinh tế lấy Mỹ làm trung tâm đã tồn tại trong 80 năm qua có nguy cơ sụp đổ.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Một trong những mối lo lớn nhất là việc Mỹ có thể rút lui khỏi các tổ chức tài chính quốc tế - một kịch bản sẽ tạo ra một khoảng trống tài chính lớn trong hệ thống quốc tế. Nhưng các nhà hoạch chính sách toàn cầu đã tìm thấy tia hy vọng trong lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về việc định hình lại IMF và WB theo các ưu tiên của Tổng thống Trump. Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ngụ ý rằng Mỹ sẽ không rút khỏi các tổ chức tài chính mà cường quốc này đã dày công gây dựng tại hội nghị Bretton Woods năm 1944.
Nhưng một số câu hỏi lớn vẫn chưa có câu trả lời, đó là liệu vẫn có thể tin tưởng vào đồng USD như "nơi trú ẩn an toàn" của thế giới và vào hai tổ chức cho vay đã hỗ trợ hệ thống kinh tế quốc tế kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc hay không? Các nhà hoạch định chính sách quốc tế, bao gồm ông Andrzej Domanski, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan, nhấn mạnh rằng Mỹ đóng vai trò thiết yếu đối với các tổ chức đa phương này.
Theo các chuyên gia, những biến động mạnh mẽ trên thị trường trong vài tuần qua, với trái phiếu, cổ phiếu và đồng USD bị bán tháo, có thể đã buộc Chính phủ Mỹ phải điều chỉnh chiến lược của mình. Chuyên gia kinh tế Nathan Sheets từ Citi cảnh báo rằng sự phản ứng mạnh mẽ của thị trường đối với những tuyên bố của Tổng thống Trump về việc sa thải ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, đã nhắc nhở chính quyền Mỹ về những hậu quả nghiêm trọng nếu "vượt qua ranh giới".
Theo TTXVN
Cầu Huajiang Grand Canyon dài 625 mét bắc qua sông Beipan thuộc tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc dự kiến trở thành cây cầu cao nhất thế giới khi chính thức khánh thành vào nửa cuối năm nay.
Kiểm soát thương mại chiến lược là công cụ kép vừa bảo vệ chuỗi cung ứng quốc gia, vừa giúp chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh từ cạnh tranh địa chính trị và công nghệ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Nga "dưới bất kỳ hình thức nào" sau khi thiết lập được lệnh ngừng bắn.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết buộc phải đình chỉ cứu trợ cho 650.000 phụ nữ và trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Ethiopia do thiếu ngân quỹ.
Trước nguy cơ giá quần áo tăng do thuế nhập khẩu, người tiêu dùng Mỹ đang đổ xô đến các cửa hàng đồ cũ nhằm tiết kiệm và hướng đến xu hướng tiêu dùng bền vững.
Sông băng - nguồn cung cấp nước ngọt tự nhiên cho hàng tỷ người - đang biến mất với tốc độ đáng báo động do biến đổi khí hậu toàn cầu.