Mười ngày sau cái đêm lực lượng đặc nhiệm SEALs của Mỹ bất ngờ tấn công tòa nhà ở Abbottabad (Pakistan) và tiêu diệt kẻ bị truy đuổi gắt gao nhất thế giới trong suốt 15 năm qua - Osama Bin Laden, tranh cãi về người kế nhiệm vị trí của trùm khủng bố mạng lưới Al-Qaeda bắt đầu nổi lên.

 

Trong khi các chuyên gia khủng bố của Mỹ còn đang "loay hoay" tìm hiểu do có quá nhiều "ứng viên" thì thông tin, con trai út của Osama Bin Laden, được mệnh danh là "Thái tử khủng bố" trốn thoát khỏi Pakistan đã khiến người ta lo ngại, kẻ mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan từ khi còn nhỏ này sẽ là mối đe dọa lớn cho an ninh toàn cầu.

Nhận định của Mỹ

Hôm 10/5, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda lại tiếp tục kêu gọi người Hồi giáo trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Osama Bin Laden. Tuyên bố này sau đó được đăng trên trang mạng của trung tâm truyền thông Al-Fajr, nơi thường đăng tải thông điệp của Al-Qaeda. Trang web này cũng tố cao Mỹ đã giả mạo đoạn video quay cảnh trùm khủng bố ngồi xem tin tức truyền hình về mình trong tòa nhà ở Abbottabad.

Trong khi đó, một số tờ báo hàng đầu nước Mỹ đã đáp lại đe dọa của Al-Qaeda bằng những bài viết nhận định, phân tích, đánh giá tình hình hiện nay của mạng lưới này sau cái chết bất ngờ của thủ lĩnh. Nhiều chuyên gia chống khủng bố của Mỹ cho rằng, việc tìm người thay thế vị trí của Osama Bin Laden, kẻ đã cầm đầu mạng lưới này trong suốt hơn 2 thập kỷ qua không phải là công việc đơn giản. Việc lựa chọn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó có vấn đề Al-Qaeda xác định mục tiêu hoạt động mới của mình.

"Thái tử khủng bố" Hamza từng xuất hiện với các chiến binh Al-Qaeda trong đoạn băng do đài Al-Jazeera quay từ năm 2001.

Hơn nữa, với "tổn thất lớn" này, rất có thể, Al-Qaeda cần ít nhất 3-6 tháng để cơ cấu lại tổ chức và đối phó với những chiến dịch tấn công mới từ Mỹ và các nước phương Tây. Đại tá Reid Sawyer, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố ở West Point, New York (Mỹ) nói, câu hỏi đầu tiên mà Al-Qaeda đưa ra khi lựa chọn sẽ là "liệu nhân vật đó có đủ sức lãnh đạo hay không".

Hoặc thậm chí, như hai chuyên gia của tập đoàn tình báo SITE là Rita Katz và Josh Devon, Al-Qaeda có thể sẽ không công bố ngay tên của người kế nhiệm mà tiếp tục mở rộng các hoạt động ngầm, chiêu mộ tân binh chuẩn bị cho kế hoạch trả thù. Trong trường hợp như vậy, phó tướng của Osama Bin Laden là Ayman al-Zawahri có thể là kẻ sẽ tạm giữ quyền lãnh đạo. Tên này được cho là đang lẩn trốn đâu đó ở Pakistan và đã thành lập ra nhóm Islamic Jihad ở Ai Cập, tổ chức đứng đằng sau việc lật đổ chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak.

Nhưng do Ayman al-Zawahri quá tham vọng và có thời gian định tách khỏi Al-Qaeda để hoạt động riêng cho nên nhiều thủ lĩnh khác trong mạng lưới này không ủng hộ hắn như đối với Abu Yahia al-Libi (người gốc Libya), từng là thủ lĩnh của Al-Qaeda tại Afghanistan.

Tên này trốn thoát khỏi căn cứ không quân Bagram của Mỹ tại Afghanistan năm 2005 và thường xuyên xuất hiện trong các đoạn băng kêu gọi thánh chiến và đe dọa khủng bố của Al-Qaeda.

Một nhân vật khác mà theo tình báo Mỹ cũng cần được nhắc đến là Saif al-Adel (người Ai Cập), kẻ chủ mưu trong vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Tanzania và Kenya hồi tháng 8/1998 làm ít nhất 224 người thiệt mạng. Ứng viên thứ 4 được nhắc đến là Anwar al-Awlaki, một thủ lĩnh mới nổi của Al-Qaeda, đang kiểm soát các hoạt động của nhóm này ở Yemen. Còn trong trường hợp tàn quân Taliban phục hồi và phát triển nhanh, thủ lĩnh Taliban là Mullah Mohammed Omar cũng có thể sẽ là lựa chọn thứ 5 của Al-Qaeda.

Tiết lộ từ tình báo Pakistan

Trái ngược với những lập luận của Mỹ, giới chức tình báo Pakistan lại cho rằng, với hoạt động trải dài trên khắp thế giới từ Nam Á tới bán đảo Arab, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ…, Al-Qaeda khó có thể tìm ra được một nhân vật có uy tín rộng khắp tới các chi nhánh đến vậy. Trong khi đó, cái tên Bin Laden đã gắn với Al-Qaeda nhiều năm qua tạo thành một "thương hiệu" mà mạng lưới này không muốn mất. Vì thế, rất có thể, một trong số những con trai của trùm khủng bố sẽ là kẻ kế nhiệm vị trí của Osama Bin Laden.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden và phó tướng Ayman al-Zawahri trong đoạn băng ghi hình năm 2004.

Cũng phải nói thêm rằng, ngay từ khi trùm khủng bố còn sống, các thành viên của Al-Qaeda từng được nghe đến danh hiệu "thái tử khủng bố" mà Osama Bin Laden dành cho cậu con trai út Hamza Bin Laden.

Từ năm lên 10 tuổi, tức là sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, Hamza đã thường xuyên xuất hiện trong các đoạn băng video của Al-Qaeda. Đài Truyền hình Al-Jazeera còn ghi lại được cảnh Hamza ngồi giữa một nhóm chiến binh Al-Qaeda, đang luyện tập võ nghệ và giảng giải về Hồi giáo cực đoan. Năm 2004, Hamza cũng đã xuất hiện trong đoạn băng video đe dọa tấn công khủng bố Mỹ và phương Tây của Al-Qaeda.

Vào đêm 1/5 khi Osama Bin Laden bị hạ sát, Hamza có mặt trong ngôi nhà ở Abbottabad. Song, không biết bằng cách nào, cậu thanh niên 20 tuổi này đã trốn thoát. Ban đầu, giới chức Mỹ tuyên bố rằng, Hamza đã bị tiêu diệt trong vụ tấn công. Nhưng khi kiểm tra lại thông tin, cả Mỹ và Pakistan đều khẳng định, người con của trùm khủng bố bị giết đêm đó là Khalid Bin Laden, 22 tuổi, Hamza đã trốn thoát.

Một nguồn tin tình báo Pakistan cho hay, Hamza được một nhóm thân tín của trùm khủng bố đưa ra khỏi Pakistan bằng những đường hầm bí mật được xây dựng bên trong tòa nhà. Nhiều khả năng, chỉ có trùm khủng bố, Hamza và nhóm người nói trên biết về đường hầm này.

Osama Bin Laden có ít nhất 5 bà vợ cùng 23 đứa con nhưng Hamza luôn được cưng chiều nhất. Mẹ Hamza Bin Laden được cho là Khairiah Sabar, người đã kết hôn cùng trùm khủng bố này vào năm 1985. Một thông tin cũng đáng chú ý nữa là, Hamza chính là kẻ đã lên kế hoạch và tổ chức thành lập 4 biệt đội cảm tử để tấn công, ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto năm 2007.

Phản ứng của gia đình Bin Laden

Và trong khi câu hỏi về sự biến mất của Hamza vẫn chưa có lời đáp thì người con thứ 4 của trùm khủng bố là Omar Bin Laden đã thay mặt các anh em của mình, lên tiếng phản đối việc đặc nhiệm SEALs của Mỹ bắn chết Osama Bin Laden ngay cả khi y không có vũ khí.

Tờ Guardian của Anh cho hay, thông điệp của các con Bin Laden đã được gửi đến trụ sở tòa soạn The New York Times (Mỹ) và được đăng tải trên một số trang web Hồi giáo. Theo đó, họ cáo buộc, việc Mỹ bắn chết trùm khủng bố, thả xác xuống biển là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Thậm chí, họ còn yêu cầu phải đưa Mỹ ra xét xử trước tòa án quốc tế về hành động này. Tuyên bố cũng cho biết do không có xác và không có ảnh làm bằng chứng nên gia đình chưa tin Osama Bin Laden đã chết. Ký tên dưới bức thông điệp này là chữ ký của Omar Bin Laden. Đây được coi là phản ứng đầu tiên của gia đình Bin Laden kể từ khi trùm khủng bố này bị tiêu diệt.

Cũng theo tin từ tờ Guardian, chi tiết về việc Osama Bin Laden đã tuyển chọn cô vợ trẻ nhất là Amal Ahmed Abdulfattah vừa được hé lộ. Vào thời điểm tháng 9/1999, thủ lĩnh Hồi giáo ở Yemen Rashad Mohammad Saeed Ismael khi đó mới 20 tuổi đã bất ngờ nhận được một cú điện thoại từ thủ lĩnh Al-Qaeda nhờ tìm người thích hợp làm vợ thứ 5 của mình.

Yêu cầu của trùm khủng bố là người con gái này phải sùng đạo, biết nghe lời, từ 16 đến 18 tuổi và xuất thân trong một gia đình nền nếp, có đủ sức chịu đựng những hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Kết thúc cuộc nói chuyện lạ lùng đó, Rashad Mohammad Saeed Ismael nghĩ ngay đến Amal Ahmed Abdulfattah, con gái một học viên truyền giáo của hắn.

Lúc đó, Amal Ahmed Abdulfattah mới 17 tuổi còn Osama Bin Laden bước sang tuổi 44. Ngay lập tức, Rashad Mohammad Saeed Ismael trở về thị trấn quê hương Ibb ở phía Tây Nam Yemen để gặp Amal Ahmed Abdulfattah. Hắn đã kể về Osama Bin Laden cho cô gái và cô này gật đầu chấp nhận làm vợ. "Sính lễ" mà nhà trai mang đến làm quà cho gia đình Amal là 5.000 USD. Sau đó, đích thân Rashad Mohammad Saeed Ismael đưa Amal tới Afghanistan để gặp chồng.

Cùng đi với hai người còn có anh trai của Amal. Cả ba rời Yemen, tới Pakistan, trú ngụ ở Karachi, chuyển tới Quetta và ở đó vài ngày để Osama Bin Laden cử cận vệ đến đón cô vợ mới về Afghanistan. Đám cưới được tổ chức vào đầu năm 2001 tại Kandahar

 

                                                                 Theo CAND

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục