Sau một ngày xét xử, chiều 11/1, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, đã tuyên án vụ Phạm Lê Hoàng Uyển (42 tuổi, ngụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập) và Võ Hoàng Hà (40 tuổi, ngụ ở thành phố Cần Thơ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hóa chất khử trùng châu Á) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Tại phiên tòa, hai bị cáo Uyển và Hà được Hội đồng xét xử chuyển từ tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội "Môi giới hối lộ.”

Hội đồng xét xử nhận định, tại tòa lời khai của bị cáo Uyển và Hà phù hợp với cáo trạng. Bị cáo Uyển có nhận lời nhờ người gỡ các bài báo chứa thông tin liên quan đến Công ty cổ phần Bất động sản Cao Thắng và Công ty cổ phần Quốc tế Ước mơ Việt theo sự nhờ vả của Tổng giám đốc Võ Thanh Long.

Trong tin nhắn trao đổi giữa bị cáo Uyển và Nguyễn Lê Yến Thy, Trưởng ban Kinh tế, Cơ quan đại diện phía Nam của Báo Người Tiêu dùng, đã chứng minh được là Uyển nhờ Thy gỡ các bài báo cho ông Long; số tiền ông Long đưa cho Uyển để phục vụ cho việc gỡ các bài báo là 600 triệu đồng.

Trong số này, bị cáo Uyển được hưởng chênh lệch và kê thêm 100 triệu đồng. Ngoài ra, giữa Uyển và Long cũng thỏa thuận thêm 30 triệu đồng là tiền chi phí đi lại.

Ngày 6/8/2017, Long hẹn Uyển xuống Cần Thơ để nhận 280 triệu đồng, trong đó 250 triệu đồng tiền gỡ bài, số còn lại là chi phí đi lại. 15 giờ cùng ngày, Uyển nhắn tin cho Thy với nội dung: "Giờ tôi đi xuống, khi nào nhận được tiền thì tôi gọi điện thoại cho bà. Bà báo luôn cho người ta xử lý trong đêm nay nhé. Trường hợp khuya quá tôi về không kịp thì sáng sớm sẽ nộp tiền vào tài khoản của bà…”

Theo Hội đồng xét xử, lời khai của các bị cáo khớp với dữ liệu điện tử được thu thập hợp pháp và lời khai của Long trong quá trình điều tra. 

Từ đó cho thấy Uyển không đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản. Về mặt chủ quan, bị cáo Uyển không có ý định chiếm đoạt tài sản số tiền 280 triệu đồng của ông Long. 

Bản thân bị cáo không biết chắc Yến Thy có gỡ được các bài báo hay không, nhưng vẫn tin tưởng, mong muốn Thy thực hiện được để nhận số tiền chênh lệch 100 triệu đồng.


Hai bị cáo Phạm Lê Hoàng Uyển và Võ Hoàng Hà tại tòa. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)


"Do đó, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo Uyển về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa đủ cơ sở. Xét toàn bộ tình tiết vụ án, xác định bị cáo Uyển đã có hành vi sử dụng tiền để đưa cho Yến Thy nhằm phục vụ cho việc gỡ 3 bài báo đăng trên Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh theo sự nhờ vả của Long với số tiền 600 triệu đồng… Hành vi của bị cáo Uyển cấu thành tội "Môi giới hối lộ," Hội đồng xét xử nhận định.

Về số tiền 100 triệu đồng mà bị cáo Uyển tự kê thêm để hưởng chênh lệch và 30 triệu đồng tiền chi phí đi lại, Hội đồng xét xử cho rằng không phải tiền dùng vào việc hối lộ. 

Ngoài ra, việc phạm tội được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, Uyển chưa được hưởng lợi từ số tiền này nên chưa đủ cơ sở để xem xét xử lý bị cáo.

Đối với Võ Hoàng Hà, bị cáo này đã tư vấn cho Uyển để hợp thức hóa số tiền dùng vào việc môi giới hối lộ. Hà cũng giúp Uyển soạn thảo hợp đồng, chính vì vậy bị cáo này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự tội "Môi giới hối lộ" với vai trò đồng phạm, giúp sức.

Tòa nhận định hành vi của các bị cáo đã tiếp tay cho tội phạm đưa và nhận hối lộ. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức nói chung; trực tiếp làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân nói chung và cơ quan báo chí nói riêng, nên cần phải xử lý nghiêm, răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Trong vụ án này, các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên hành vi này chỉ tức thời, không có bàn bạc phân công vai trò, trách nhiệm nên không thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức. 

Uyển là người trực tiếp trao đổi với Long, làm trung gian giữa các bên nên chịu trách nhiệm chính. 

Bị cáo Hà có tư vấn về hợp thức hóa số tiền nên phải chịu trách nhiệm đồng phạm giúp sức. Hành vi phạm tội đã kịp thời được ngăn chặn nên hậu quả chưa xảy ra.

Tại tòa, các bị cáo thành khẩn về hành vi, ăn năn hối lỗi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt nên xem xét giảm nhẹ hình phạt dưới mức thấp nhất khung hình phạt.

Đối với ông Võ Thanh Long, Hội đồng xét xử cho rằng ông này đã thỏa thuận đưa cho Uyển 700 triệu đồng để tìm người gỡ bài báo. 

Uyển nhắn tin cho Thy tìm cách gỡ và Long đồng ý. Vì vậy, trong vụ án này cội nguồn của hành vi phạm tội xuất phát từ phương thức lựa chọn không đúng đắn của Long. 

Ông Long bản thân là doanh nhân, có sự am hiểu pháp luật nhất định, nhưng lại không lựa chọn cách đúng đắn để chứng minh cho sự thật về doanh nghiệp của mình mà chủ động liên hệ với bị cáo Uyển nhờ người gỡ bài. 

Dù sau khi thỏa thuận được giá tiền gỡ các bài báo thì ông Long trình báo công an, nhưng hành vi đưa hối lộ của ông này đã có dấu hiệu nên tòa kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, nếu đủ căn cứ phải xử lý theo quy định.

Thy hứa hẹn với Uyển tìm cách gỡ bài báo cho Long, có dấu hiệu phạm tội, nhưng chưa có căn cứ xác định gỡ bài được hay không. Hiện Thy không còn ở Việt Nam nên cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Lê Hoàng Uyển 4 năm tù, bị cáo Võ Hoàng Hà 2 năm tù cùng về tội "Môi giới hối lộ”./.

 

              TheoVietnamplus

Các tin khác


Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án cựu Chủ tịch Vimedimex và đồng phạm

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 22/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh, Hà Nội.

Khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Huyện Lạc Thủy: Chủ động trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Những năm qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được huyện Lạc Thủy chủ động triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Công an huyện Cao Phong: Nắm chắc địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự

Những năm qua, với vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Công an huyện Cao Phong luôn chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Công an huyện Kim Bôi xử lý nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Đêm 13/4, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - Công an huyện Kim Bôi trong quá trình tuần tra kiểm soát phát hiện một nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm cầm theo hung khí nguy hiểm (dao phóng lợn) đi theo tuyến đường 12B từ xã Tú Sơn đến thị trấn Bo (Kim Bôi) gây hoang mang cho người đi đường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Nâng cao chất lượng kiểm sát án dân sự

Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh quan tâm đổi mới công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình (HNGĐ). Đồng thời, nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa, bảo đảm đúng pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục