Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên truyền, phát tờ rơi, sổ tay pháp luật…nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp
Để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, từ ngày 20/6 - 20/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT.
Huyện Lương Sơn là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp, mỏ khai thác đá nên tình hình TTATGT có những diễn biến phức tạp. Trong đợt cao điểm, Công an huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, phối hợp cùng lực lượng CSGT Công an tỉnh tập trung xử lý những lỗi như: Xe cơi nới thành thùng, chở quá tải; người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ…
Dù xe không chở hàng hóa, nhưng khi chiếc ô tô tải trọng lớn nhãn hiệu Howo biển kiểm soát 29H - 797.77 do lái xe Đào Đức Minh, trú tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức (Hà Nội) điều khiển vừa đi vào tuyến đường giao thông liên xã thuộc địa phận thôn Quán Trắng, xã Liên Sơn bị lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Lương Sơn phát hiện, xử lý lập biên bản do vi phạm quy định về việc cơi nới thành thùng xe tăng gấp 2 lần so với giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật phương tiện. Theo Thiếu tá Bùi Việt Long, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện, trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp vi phạm bị lực lượng CSGT-TT Công an huyện phát hiện, xử lý; yêu cầu chủ phương tiện cắt bỏ phần thành thùng xe được cơi nới về nguyên trạng theo thiết kế của nhà sản xuất và theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận, ngay những ngày đầu triển khai đợt cao điểm, lực lượng CSGT đã có mặt tại các điểm nóng về xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng. Cùng với tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện tự nguyện cắt cơi, đưa thành thùng xe trở về nguyên trạng theo thiết kế của nhà sản xuất, tất cả các phương tiện có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá tải đều được lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Ngoài ra, thực hiện 3 tháng cao điểm, lực lượng CSGT còn triển khai các tổ công tác ở những tuyến đường trọng điểm để kiểm tra, xử lý trường hợp chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, lạng lách, đánh võng…
Song song với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm về TTATGT, lực lượng CSGT toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Cách làm rất mới của lực lượng CSGT toàn tỉnh là đến trực tiếp các nhà hàng tuyên truyền, lan tỏa thông điệp "đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Trong 3 tháng đã tuyên truyền pháp luật giao thông cho 145 doanh nghiệp; 5 nhà máy; 74 chủ bến, bãi; 16 xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô; trên 1.200 người điều khiển phương tiện và 25 trường học với trên 20.000 học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh.
Nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ
Việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ của lực lượng chức năng nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của người dân và chính quyền địa phương.
Ông Hà Mạnh Thìn, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cho biết: Do công việc, hàng ngày tôi phải di chuyển qua dốc Cun. Từ khi triển khai đợt cao điểm, điều tôi thấy rõ nhất là lượng phương tiện có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá tải không còn, thay vào đó là những xe có thùng thấp, phủ bạt cẩn thận và chạy đúng tốc độ. Tôi hy vọng việc xử lý xe quá khổ, quá tải và các hành vi vi phạm tiếp tục được triển khai quyết liệt để đảm bảo TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ ngày 20/6 - 20/9, toàn tỉnh đã bố trí trên 1.000 tổ tuần tra, kiểm soát, với khoảng 4.500 lượt cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ. Cũng trong 3 tháng cao điểm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện 609 trường hợp chở hàng quá tải trọng, tổng số tiền phạt xấp xỉ 3 tỷ đồng, cưỡng chế hạ tải 253 trường hợp; lập biên bản 117 trường hợp cơi nới thành thùng xe, tuyên truyền 83 trường hợp tự giác cắt cơi nới, cưỡng chế cắt cơi 16 trường hợp; xử lý 478 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 2,5 tỷ đồng, tạm giữ 478 phương tiện, tước 328 giấy phép lái xe…
Từ việc triển khai quyết liệt các giải pháp, trong 3 tháng qua, TNGT giảm 2 tiêu chí: Số vụ, số người chết so với 3 tháng trước.
Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh khẳng định: Sau 3 tháng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện được nâng lên. Chúng tôi xác định không chỉ trong 3 tháng cao điểm, mà thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm TTATGT; tăng cường xử phạt nguội; phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; sử dụng có hiệu quả, phát huy hết khả năng của các loại trang, thiết bị chuyên dùng; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quản lý cán bộ, chiến sỹ…
Nhằm tiếp tục duy trì hiệu quả 3 tháng cao điểm, Công an tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác, gồm lực lượng CSGT tỉnh và CSGT các huyện, thành phố, thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT theo hình thức hoán đổi địa bàn (CSGT của huyện này sang kiểm soát, xử lý vi phạm của huyện khác) nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Qua 3 ngày thực hiện đã lập biên bản trên 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đây là cách làm hay của Công an tỉnh, được Bộ Công an ghi nhận và nhân rộng.
Minh Vũ
(HBĐT) - Từ chỗ là địa bàn phức tạp về ANTT, sau khi triển khai mô hình "Tiếng kẻng bình yên”, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) đã tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại về ANTT, từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, năm 2021 được Bộ Công an đưa ra khỏi danh sách địa bàn phức tạp về ANTT của tỉnh.