Song song với xử lý vi phạm, các tổ chuyên đề Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến người dân. Ảnh chụp tại huyện Đà Bắc.
Thực hiện Kế hoạch số 513, Công an tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ gồm 2 cán bộ Phòng CSGT phối hợp với Công an các huyện, thành phố thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo phương châm làm hoán đổi địa bàn (tức là CSGT của huyện này sang kiểm soát, xử lý vi phạm của huyện khác) để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát.
Thiếu tá Trương Đức Hậu, công tác tại Trạm CSGT Tân Lạc, nhiều lần được tham gia làm tổ trưởng các tổ chuyên đề cho biết: Số trường hợp vi phạm giảm dần qua từng buổi tuần tra, kiểm soát. Ví dụ, trên địa bàn huyện Đà Bắc, ngày làm việc đầu tiên, tổ chuyên đề đã phát hiện, lập biên bản 9 trường hợp; các ngày làm việc tiếp theo giảm xuống còn 6 và 4 trường hợp…
Thống kê trong toàn tỉnh, 2 ngày đầu thực hiện Kế hoạch số 513, các tổ chuyên đề đã phát hiện, lập biên bản trên 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng. Sau 7 ngày, lũy kế số trường hợp vi phạm là 384 người, tước 280 giấy phép lái xe, tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng. Sau 10 ngày, số trường hợp vi phạm chưa đến 500. Và 1 tháng thực hiện, lực lượng CSGT lập biên bản 1.341 trường hợp. Số người vi phạm giảm qua từng ngày đã chứng minh nhận thức của người dân phần nào được nâng lên.
Có được kết quả đó, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm không có vùng cấm… một yếu tố quan trọng khác là hiệu quả từ công tác tuyên truyền. Ngay khi đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT kéo dài 3 tháng (từ ngày 20/6 - 20/9) kết thúc, chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn được triển khai. Tại đợt cao điểm, lực lượng CSGT đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, trong đó phải kể đến việc trực tiếp đến các nhà hàng phối hợp nhắc nhở khách hàng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Cách làm này của cơ quan chức năng được xem như giải pháp xử lý từ đầu nguồn, cuối bến; ngăn chặn sai phạm từ gốc, phát hiện và xử lý nghiêm minh để nâng cao hiệu quả răn đe.
Thực tế, dù vẫn có những trường hợp người vi phạm né tránh, chống đối việc kiểm tra, xử lý, nhưng cơ bản người dân đều đồng thuận và đánh giá cao. Anh Nguyễn Trung Hiếu, tổ 4, Phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), chia sẻ: Chủ trương kiên quyết xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn thật sự đúng đắn, hợp lòng dân... Tôi mong lực lượng CSGT tiếp tục duy trì thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để không còn những vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra.
Theo Thiếu tá Từ Minh Cường, Phó Đội trưởng Đội xử lý - tuyên truyền - điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng CSGT), để giữ vững thành quả từ đợt cao điểm và chuyên đề xử lý người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn, ngày 19/10/2022, Công an tỉnh đã có Văn bản số 2877 gửi Trưởng phòng CSGT và Trưởng Công an các huyện, thành phố, yêu cầu: Tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch số 513 đến hết ngày 31/12/2022; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy trình công tác, Điều lệnh CAND, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của CBCS, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy khi để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm… Qua đó đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, không khoan nhượng với bất kỳ trường hợp nào của lực lượng chức năng.
Minh Vũ
(HBĐT) - Ngày 26/10, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Quang Long (SN 1973), trú tại xã Đồng Tân (Mai Châu). Trước đó, bị cáo đã bị TAND huyện Mai Châu xét xử và tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về hành vi "mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm b, khoản 2, Điều 251, Bộ luật Hình sự.