Thời điểm trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội giết người, Bùi Văn H., trú tại xã Sào Báy (Kim Bôi) bị mắc bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều loại ma túy.
Bỗng chốc trở thành... sát nhân máu lạnh
Cho đến bây giờ, khi kể lại, nhiều người dân xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn còn nguyên cảm giác hãi hùng khi thấy Bùi Văn M. (SN 1982) dùng gậy đánh chết rồi kéo xác chị dâu là Bùi Thị S. (SN 1983) ra ngoài đường. Theo người thân trong gia đình, M. mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng nhiều năm, mỗi khi lên cơn đều có hành vi gây nguy hiểm cho người khác. Trước đó, tại xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) cũng xảy ra vụ án đau lòng khi ông Bùi Văn K. (SN 1956) bị chính con trai là Bùi Văn X. (SN 1989) cầm dao chém nhiều nhát làm ông K. tử vong vì tưởng ông là... cọp dữ. Mới đây, ngày 19/9/2022, TAND tỉnh đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn H. (SN 1990), trú tại xã Sào Báy (Kim Bôi) về tội "giết người”. Nạn nhân của Bùi Văn H. chính là chị gái ruột. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, thời điểm trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Bùi Văn H. bị mắc bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều loại ma túy, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...
Để người tâm thần không trở thành... hung thần
Từ năm 2012 - 2022, toàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ án do người tâm thần gây ra với các loại tội như: giết người, hiếp dâm, hủy hoại tài sản... Đáng nói, trong đó có 2 vụ con giết mẹ đẻ, 2 vụ chồng giết vợ, 1 vụ con giết bố đẻ, 1 vụ em giết chị, 1 vụ bố giết con, 1 vụ em chồng giết chị dâu. Bác sỹ Vũ Trung Thành, Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh tâm thần do hoạt động não bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, hành vi, tình cảm. Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, trên 1.000 bệnh nhân động kinh, 34 bệnh nhân trầm cảm đang được điều trị bằng thuốc uống hàng ngày. Số bệnh nhân điều trị ổn định đạt 91 - 93%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc không đều, bỏ điều trị, rối loạn hành vi mãn tính. Đặc biệt, đối tượng mắc các bệnh về tâm thần do sử dụng chất kích thích như rượu hoặc ma túy gây ra tình trạng loạn thần, ảo giác có xu hướng gia tăng. Đây là nhóm đối tượng dễ mất kiểm soát hành vi dẫn đến những vụ án đau lòng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần phạm tội là do gia đình, xã hội không quản lý, theo dõi, thiếu chăm sóc, điều trị thường xuyên. Mặt khác, số lượng người tâm thần chưa được đưa vào danh sách quản lý, cấp thuốc điều trị đang sinh sống tại cộng đồng còn nhiều, xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần; có gia đình từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh...
Thời gian qua, Công an huyện Cao Phong đã triển khai thí điểm mô hình "Quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần gây mất ANTT trên địa bàn huyện”. Thượng tá Trần Đăng Khoa, Trưởng Công an huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 158 người mắc bệnh tâm thần, gồm 96 người tâm thần, 55 người động kinh, 7 người trầm cảm. Sau khi triển khai, mô hình quản lý, giúp đỡ, phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần gây mất ANTT mang lại hiệu quả thiết thực. Các trường hợp mắc bệnh được quản lý chặt chẽ tại cơ sở, được theo dõi, thăm khám bệnh đầy đủ theo quy định. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ngày càng nâng cao, tích cực hợp tác quản lý người tâm thần tại cộng đồng. Cùng với triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần phạm tội, gây mất ANTT, Công an huyện tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tạo việc làm, hỗ trợ nguồn vốn giúp người mắc bệnh tâm thần ổn định cuộc sống, tham gia vào các hoạt động tại cộng đồng. Nhờ vậy, đến nay, các trường hợp mắc bệnh tâm thần có biểu hiện tiến bộ, không xảy ra vụ việc gây mất ANTT hay người tâm thần vi phạm pháp luật tại cộng đồng.
Theo đồng chí Đinh Thế Hệ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh: Để giải quyết vấn đề người tâm thần trong cộng đồng gây án, đòi hỏi vai trò quan trọng của gia đình cùng lực lượng y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Khi trên địa bàn hoặc gia đình báo có người tâm thần, trạm y tế, chính quyền cơ sở cần tổ chức các đợt kiểm tra đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu trong diện điều trị ngoại trú. Trường hợp bệnh nhân quá nặng cần chuyển cơ sở y tế cao hơn để có biện pháp xử lý.
Theo bác sỹ Lâm Ngọc Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: Nếu bệnh nhân tâm thần được gia đình giám sát chặt chẽ, cho uống thuốc đều đặn sẽ giảm thiểu nguy cơ gây nguy hại cho gia đình, cộng đồng. Rối loạn tâm thần dù nặng hay nhẹ đều làm giảm chất lượng cuộc sống, dễ gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, các cơ quan chức năng, hệ thống y tế địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người dân hiểu về các loại bệnh tâm thần, cách phòng tránh, điều trị, chăm sóc. "Vai trò của người nhà hết sức quan trọng vì gần gũi nhất với người bệnh. Gia đình chấp hành tốt chỉ định của thầy thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc đều, sau một thời gian điều trị hầu hết bệnh nhân có tiến triển tốt...” - bác sỹ Lâm Ngọc Tĩnh nhấn mạnh.
Mạnh Hùng