(HBĐT) - Trên quốc lộ (QL) 21, đoạn từ ngã ba thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đi tỉnh Hà Nam được đầu tư và đưa vào khai thác nhiều năm, đến nay ngày càng bất cập, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT), ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa và sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến thường xuyên qua lại đoạn tuyến này cho biết: Đoạn tuyến được bố trí dải phân cách cho thấy sự bất cập bởi mặt đường mỗi bên rất hẹp, trong khi các phương tiện tải trọng lớn thường xuyên đi qua rất nguy hiểm cho người đi cùng chiều, thực tế đã xảy ra những vụ va quệt, TNGT. Đặc biệt, hết đoạn đường đôi của thị trấn Chi Nê đến đoạn dốc tiếp giáp với tỉnh Hà Nam đường dốc, góc cua lớn, đường nhỏ nguy cơ rất cao gây TNGT.
Chính quyền huyện Lạc Thủy và ngành chức năng cho rằng, trên QL 21 tồn tại một số điểm tiềm ẩn TNGT, đặc biệt là khu vực tại km94 - km95 (dốc Bòng Bong, huyện Lạc Thuỷ). Đây là khu vực địa hình khó khăn, đèo dốc quanh co, độ dốc dọc lớn (8 - 10%), đường cong bán kính nhỏ, khúc cua tay áo. Hiện trạng giao thông khu vực này làm giảm khả năng lưu thông của các phương tiện, nhất là xe tải, xe rơ mooc, xe container... Thực tế trong thời gian qua, khu vực này đã xảy ra một số vụ TNGT làm thiệt hại về tài sản, một số phương tiện bị hư hỏng. Mặt khác, UBND tỉnh đã quy hoạch đầu tư xây dựng một số khu, cụm công nghiệp tại huyện Lạc Thuỷ và một số địa phương lân cận với diện tích hơn 1.000 ha nằm bên phải QL 21 và đường Hồ Chí Minh, rất khó khăn trong vận chuyển hàng hoá; dự án đường Tam Chúc - Bái Đính đã hoàn thiện và đấu nối với QL 21 nên lưu lượng phương tiện qua đoạn này rất đông, hầu hết các nhà đầu tư, khách du lịch đều đề nghị tỉnh Hoà Bình đầu tư, cải tạo tuyến QL 21, đoạn từ km94 - km95 nhằm phục vụ vận tải hàng hoá thông qua QL 21 đi ra cảng biển Hải Phòng và các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, trên QL 21, đoạn km 88 - km 90+550, thuộc thị trấn Chi Nê, đây là khu vực đô thị, đường 2 chiều có dải phân cách cứng, mặt đường hẹp, mỗi bên 4 m, xe cơ giới đi lại rất khó khăn, đặc biệt là xe container, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn. Trước thực tế trên, UBND huyện Lạc Thủy, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ GTVT có giải pháp xử lý triệt để tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) đoạn tuyến QL 21 từ thị trấn Chi Nê đi tỉnh Hà Nam.
Thống kê của Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn hiện có 6 vị trí điểm đen, trong đó QL 6 có 1 vị trí, QL 12B có 2 vị trí, QL 21 có 2 vị trí cần phải ưu tiên giải quyết để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người tham gia giao thông. Theo Sở GTVT, các điểm đen này cần được cải tạo như mở rộng mặt đường, lắp đèn tín hiệu giao thông, bổ sung hệ thống ATGT, đèn chiếu sáng… Việc cải tạo, xử lý 6 điểm đen cần 135 tỷ đồng.
Ngày 14/2/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm đã ký công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị cần sớm có giải pháp xử lý triệt để xóa những điểm đen trên địa bàn để bảo đảm tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, cũng như tính mạng người dân sinh sống tại khu vực, góp phần kết nối thuận lợi giữa tỉnh Hòa Bình với các tỉnh đồng bằng sông Hồng để phát huy thế mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình và khu vực.
Trước mắt kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cho cải tạo điểm đen km94 - km95 QL 21, với các giải pháp xử lý như: triển khai các hạng mục cải tạo khúc cua tay áo và giảm độ dốc dọc của đường cần cải tạo bình đồ tuyến theo hướng mở đường cong. Giải pháp này sẽ tăng được bán kính cong từ 25m lên 60m, đồng thời cải thiện được dốc dọc tuyến (dốc dọc trung bình còn khoảng 6,5%). Về chi phí, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 7 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2024. UBND tỉnh cam kết bố trí đủ vốn để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cải tạo xử lý điểm tiềm ẩn TNGT này.
Lê Chung