Theo công bố mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta vẫn đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương và hầu hết các tuyến lưu chuyển hàng hóa.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra hàng hóa tại một kho hàng trên địa bàn. (Ảnh TRẦN VINH)
Tội phạm buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn, liều lĩnh hơn, gây ra những hậu quả, tác hại to lớn, làm suy yếu các ngành sản xuất; giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,...
Việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện vẫn còn một số hạn chế cần sớm nhận diện, từ đó tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, quá trình thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, người dân và doanh nghiệp.
Xuất hiện nhiều thủ đoạn mới
Thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu hòng qua mắt lực lượng chức năng như: không khai báo, khai hải quan không đúng thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc lô hàng; hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn,...
Hàng hóa vi phạm thường được cất giấu tinh vi, lẫn trong hàng hóa không vi phạm hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh,...
Ðáng chú ý, các đối tượng buôn lậu còn thuê người dân ở khu vực biên giới vận chuyển trái phép hàng hóa; sẵn sàng sử dụng thiết bị hiện đại, được trang bị vũ khí nóng, quyết liệt chống trả lực lượng chức năng để bảo toàn hàng lậu hoặc thoát thân khi bị phát hiện, bắt giữ. Bên cạnh đó, xuất hiện những vấn đề "nóng” về vận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài như dùng hợp đồng ngoại thương, thông qua các ngân hàng thương mại bằng việc lợi dụng hồ sơ hải quan giả về nội dung, số lượng ngoại tệ.
Hiện một số đường dây lớn được phát hiện, bóc tách nhưng lại "mọc” thêm những đường dây khác với thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn, tiềm ẩn nguy cơ "chảy máu ngoại tệ”. Ðiều này gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt kết quả tích cực với nhiều vụ việc, đối tượng, ổ nhóm buôn lậu nổi cộm bị triệt phá.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý gần 140.000 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so năm 2021). Trong đó, có 12 nghìn vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 17,75% so với năm 2021); hơn 124.000 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; gần 3.700 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng,… thu nộp ngân sách hơn 12.820 tỷ đồng; khởi tố hình sự 642 vụ và 720 đối tượng.
Riêng trong quý I năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý hơn 28.000 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng. Trong đó có 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); gần 25.600 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022).
Những con số nêu trên đã cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn lậu. Song, bên cạnh những mặt tích cực, công tác phòng, chống buôn lậu ở nước ta cũng gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu. Quá trình xử lý chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn.
Theo quy định, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 triệu đến 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3-4 lần giá trị thật của hàng hóa. Với mức lợi nhuận quá lớn, các đường dây buôn lậu như "vòi bạch tuộc” mọc lên liên tục, thiên biến vạn hóa, đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn. Ðây là một trong những nguyên nhân, điều kiện khiến cho các đối tượng bất chấp quy định pháp luật để hoạt động buôn lậu.
Kiên quyết không tiếp tay, bao che
Theo chia sẻ của Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh, tại thị trường nội địa, lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, mua sắm online qua mạng xã hội, các đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng,… để kinh doanh nhằm trục lợi. Hiện nay, với nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân bằng hình thức online, chuyển phát nhanh,... ngày càng tăng vì tính tiện ích, chắc chắn các đối tượng sẽ lợi dụng để đẩy mạnh các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã rất nỗ lực trong việc làm "sạch” thị trường, đặc biệt đối với loại hình dịch vụ thương mại điện tử nhằm triển khai có hiệu quả Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðiều này thể hiện sự kiên quyết, mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng.
Tuy nhiên, do đây là loại hình thương mại có tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, mang tính chất toàn cầu khiến cho việc theo dõi, xử lý vi phạm gặp không ít khó khăn. Mặt khác, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Tại Hội nghị giao ban công tác quý I năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã nhấn mạnh, cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Ðây là nhiệm vụ rất khó khăn do những người thực hiện hành vi vi phạm thu được lợi ích rất lớn, đồng thời người tiêu dùng thường có xu hướng tìm đến mặt hàng giá rẻ trong lúc khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu trước thực tế hiện nay, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải nỗ lực cố gắng, quyết tâm nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không được tiếp tay, bao che những hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất.
Ðồng thời, các lực lượng, đơn vị liên quan phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu những lĩnh vực mới có đủ năng lực để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, nhất là với lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, xác lập các chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, mặt hàng, tụ điểm, đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, cần tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cơ quan bảo vệ pháp luật; không buông lỏng địa bàn tạo thành lỗ hổng, gây khó khăn trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu.
Cùng với những giải pháp cụ thể của cơ quan chức năng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, tự kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng vi phạm. Ðó chính là giải pháp căn cơ, cốt lõi nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn mới, nhằm góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế-xã hội,...
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Ngày 13/5/1953, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 74/NĐ-CA quy định tổ chức Công an các cấp, trong đó có quy định về tổ chức và nhiệm vụ lực lượng trinh sát bảo vệ kinh tế từ Bộ đến Công an các địa phương, với nhiệm vụ "Bảo vệ kinh tế, chống âm mưu phá hoại của địch”. Từ đó, ngày 13/5 hằng năm được lãnh đạo Bộ Công an quyết định là ngày truyền thống của lực lượng An ninh kinh tế (ANKT).
(HBĐT) - Sau nhiều lần bị từ chối, không chấp nhận quay lại mối quan hệ yêu đương, Xa Quốc H. (SN 1985), trú tại xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã gửi ảnh, clip "nóng” của người tình cho bạn bè, người thân nhằm mục đích níu giữ. Tuy nhiên, với hành vi này, Xa Quốc H. đã phải nhận hình phạt thích đáng. Đây không chỉ là bài học đắt giá đối với Xa Quốc H. mà còn là lời cảnh tỉnh cho những đối tượng có tư tưởng coi thường nhân phẩm, danh dự người khác, coi thường pháp luật...
(HBĐT) - Chiều 10/5, Công an TP Hòa Bình tổ chức trao trả toàn bộ tài sản cho bị hại là khách du lịch nước ngoài bị kẻ gian trộm cắp tại sân golf.
(HBĐT) - Địa bàn rộng, giao thông còn nhiều khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Đây được xem là những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn huyện Lạc Sơn thời gian qua. Do đó, Chi cục THADS huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, nỗ lực vượt khó để nâng cao hiệu quả công tác.
(HBĐT) - Theo số liệu của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, gây thiệt hại 3,619 tỷ đồng; quý I/2023 xảy ra 3 vụ cháy. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại nhà dân, do bất cẩn trong việc quản lý nguồn lửa và sự cố hệ thống điện. Thực tế các vụ cháy, nổ trên toàn quốc và tại Hòa Bình cho thấy đều diễn biến rất nhanh. "Nước xa không cứu được lửa gần”, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mau lẹ đến đâu khi đến nơi, hỏa hoạn cũng đã gây thiệt hại. Vì vậy, công tác phòng ngừa và xử lý sự cố cháy, nổ ban đầu ngay từ cơ sở rất quan trọng.
Chiều 10/5, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử 12 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận giao 92.000 m2 đất công sai quy định cho Công ty Tân Việt Phát, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai thừa nhận hành vi vi phạm. Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Lương Văn Hải nói không có lỗi như cáo buộc, do đó không phải bồi thường.