Thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân: Nỗ lực chặng “nước rút”
Thứ ba, 16/5/2023 | 9:05:26 Sáng
(HBĐT) - Sau khi hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân có mặt, sinh sống tại địa bàn trong dịp nghỉ lễ vừa qua, Trung tá Nguyễn Thanh Nga, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Lương Sơn lại cùng đồng đội đi khắp nơi trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận để tìm và thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho người dân của huyện đi làm ăn xa, nhằm mục tiêu hoàn thành cấp CCCD cho toàn bộ công dân trên địa bàn tỉnh xong trước ngày 30/5/2023...
Tổ công tác Công an huyện Lương Sơn thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho anh Bùi Văn Đoan là lao động tự do tại Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) tại khu nhà trọ vào lúc 22h30’ ngày 4/5/2023.
"Miệt mài cùng con số với đường vân”
Dù đã về đêm nhưng không khí giữa chốn đô thành vẫn oi nồng, ngột ngạt. Đôi mắt Trung tá Nguyễn Thanh Nga và Đại úy Hà Thị Hòa luôn hướng về phía hẻm sâu hun hút, phía trong là khu trọ của lao động nghèo ở khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội) để chờ đợi một ánh đèn được bật. 22h10 phút rồi 22h25 phút, sau tiếng lạch cạch mở khóa, ánh đèn căn phòng trọ cuối dãy bật sáng. Để thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân Bùi Văn Đoan (SN 1993), trú tại xã Liên Sơn (Lương Sơn) hiện đang làm lao động tự do tại Bát Tràng, các chị đã phải mất nhiều tiếng đồng hồ vất vả chờ đợi.
Trung tá Nguyễn Thanh Nga chia sẻ: Để "tìm” được một công dân đi làm ăn xa ở các địa phương khác đối với chúng tôi là hành trình vô cùng gian nan. Có những trường hợp dù đã đầy đủ các trường thông tin, có số điện thoại, địa chỉ nơi làm việc, nhưng để tìm được công dân thì là cả quá trình. Như trường hợp các công dân có đăng ký thường trú (ĐKTT) tại Lương Sơn đang làm việc tại Phú Thọ, tổ công tác của Công an huyện đã vượt qua chặng đường hàng trăm km cùng phương tiện kỹ thuật đi "tìm” công dân. Ngoài trường hợp trên, tổ công tác cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm công dân là người địa phương đang ở các địa phương khác để thu thập hồ sơ cấp CCCD. Trong đó, có trường hợp công dân ĐKTT tại địa phương nhưng sinh sống ở nơi khác hàng chục năm. Ví như công dân Đỗ Viết Giáp (SN 1950) ĐKTT tại xã Thanh Cao, là thương binh nặng đang sống và điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ từ năm 1973; hay bà Nguyễn Thị Đức (SN 1930) có ĐKTT tại xã Thanh Cao nhưng ở với con trai tại hẻm 1/60/32 phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân (Hà Nội) từ nhiều năm nay...
Khó khăn là vậy, nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho chặng "nước rút”, Công an huyện Lương Sơn đã hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân có mặt, sinh sống trên địa bàn. Kể cả số người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần và phấn đấu hoàn thành công việc cho các công dân có ĐKTT ở địa phương nhưng đang ở nơi khác có địa chỉ rõ ràng xong trước ngày 30/5/2023. Theo Trung tá Trương Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Công an huyện Lương Sơn, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh về việc gấp rút hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD, nhất là với công dân địa phương đi làm ăn xa rõ địa chỉ, Công an huyện đã thành lập 2 tổ công tác lưu động để thực hiện nhiệm vụ ở Hà Nội và các tỉnh. Nhờ đó, tính đến 15h ngày 15/5/2023, huyện còn 4 công dân đi làm ăn xa rõ địa chỉ chưa được thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Các trường hợp này đang ở tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh.
Nỗ lực chặng "nước rút”
Theo Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh, không chỉ huyện Lương Sơn mà các địa phương khác cũng đang tập trung cho giai đoạn "nước rút" để về đích sớm trong thực hiện chỉ tiêu cấp CCCD trên địa bàn tỉnh xong trước ngày 30/5/2023 theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Thống kê, tính đến ngày 15/5/2023, toàn tỉnh còn 38 trường hợp già yếu tại địa phương; 38 công dân có ĐKTT tại tỉnh đi làm ăn xa rõ địa chỉ đang được các tổ công tác đến tận nhà để thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Dự kiến chậm nhất đến hết tuần này sẽ hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu nhận hồ sơ, cấp CCCD cho công dân theo yêu cầu, Công an các địa phương đang tập trung cán bộ, trang thiết bị và tận dụng tối đa thời gian, khắc phục mọi khó khăn phục vụ công tác cấp CCCD cho số người hiện đang có mặt tại địa phương. Đối với các trường hợp đi làm ăn xa rõ địa chỉ thì chủ động liên hệ với công dân, xác định địa chỉ để bố trí các tổ công tác lưu động đến tận nơi để thu nhận hồ sơ. Đối với đối tượng đang chấp hành án thì phải rà soát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an để thu thập và cập nhật thông tin đối tượng trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Còn các trường hợp công dân đi nước ngoài, không rõ đi đâu, làm gì thì lực lượng Công an tiếp tục rà soát, lập danh sách, xác minh thông tin từng trường hợp; tạo biến động thông tin dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD xong trước ngày 30/5/2023.
(HBĐT) - Lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) tiền thân là phòng Quản lý ngoại kiều và phòng Công an biên phòng được thành lập từ năm 1953 theo Nghị định số 74, ngày 13/5/1953 của Bộ Công an. Lực lượng có nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp công tác nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh. Từ đó, ngày 13/5/1953 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng QLXNC Công an nhân dân Việt Nam.
(HBĐT) - Ngày 13/5/1953, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 74/NĐ-CA quy định tổ chức Công an các cấp, trong đó có quy định về tổ chức và nhiệm vụ lực lượng trinh sát bảo vệ kinh tế từ Bộ đến Công an các địa phương, với nhiệm vụ "Bảo vệ kinh tế, chống âm mưu phá hoại của địch”. Từ đó, ngày 13/5 hằng năm được lãnh đạo Bộ Công an quyết định là ngày truyền thống của lực lượng An ninh kinh tế (ANKT).
(HBĐT) - Sau nhiều lần bị từ chối, không chấp nhận quay lại mối quan hệ yêu đương, Xa Quốc H. (SN 1985), trú tại xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã gửi ảnh, clip "nóng” của người tình cho bạn bè, người thân nhằm mục đích níu giữ. Tuy nhiên, với hành vi này, Xa Quốc H. đã phải nhận hình phạt thích đáng. Đây không chỉ là bài học đắt giá đối với Xa Quốc H. mà còn là lời cảnh tỉnh cho những đối tượng có tư tưởng coi thường nhân phẩm, danh dự người khác, coi thường pháp luật...
(HBĐT) - Địa bàn rộng, giao thông còn nhiều khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Đây được xem là những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn huyện Lạc Sơn thời gian qua. Do đó, Chi cục THADS huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, nỗ lực vượt khó để nâng cao hiệu quả công tác.
(HBĐT) - Theo số liệu của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy, gây thiệt hại 3,619 tỷ đồng; quý I/2023 xảy ra 3 vụ cháy. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại nhà dân, do bất cẩn trong việc quản lý nguồn lửa và sự cố hệ thống điện. Thực tế các vụ cháy, nổ trên toàn quốc và tại Hòa Bình cho thấy đều diễn biến rất nhanh. "Nước xa không cứu được lửa gần”, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mau lẹ đến đâu khi đến nơi, hỏa hoạn cũng đã gây thiệt hại. Vì vậy, công tác phòng ngừa và xử lý sự cố cháy, nổ ban đầu ngay từ cơ sở rất quan trọng.