(HBĐT) - Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ án em giết anh, chồng giết vợ, con giết bố... Từ các vụ án đau lòng này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tội phạm giết người (TPGN) do các nguyên nhân xã hội...  




Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ giết người xảy ra tại xã Cao Dương (Lương Sơn). 

Bi kịch dưới những nếp nhà

Phiên toà xét xử bị cáo Bùi Duy Thường (SN 1987), trú tại xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn (Kim Bôi) về tội "giết người” xảy ra đã lâu nhưng tôi vẫn còn ám ảnh với câu chuyện đau lòng này. Nạn nhân của Thường là ông Bùi Văn M (bố đẻ). Bi kịch của gia đình Thường bắt đầu từ việc ông M mỗi khi say rượu thường đánh đập, chửi bới vợ con. Dù nhiều lần được chính quyền và người thân khuyên bảo nhưng vẫn "chứng nào tật ấy”, thậm chí nhiều lần trong lúc say rượu ông M còn cầm dao đuổi chém vợ con.

Một lần khi cả gia đình đang ngồi ăn cơm thì ông M đi uống rượu về. Như thường lệ ông lại chửi bới với những lời lẽ thô tục. Quá phẫn uất khi phải nghe những lời chửi bới không ngớt, Thường cầm điếu cày vụt vào gáy ông M làm ông ngã xuống nền nhà, dù được đưa đi cấp cứu nhưng do cú đánh vào chỗ hiểm nên ông M đã tử vong. Ngay sau đó, Bùi Duy Thường đến cơ quan Công an đầu thú, khai báo hành vi phạm tội và bản án 9 năm tù là bài học đắt giá cho một phút nông nổi của đứa con mang tội bất hiếu.

Với nhiều người thì đây là một bài học đắt giá, nhưng với một số người nó cũng chỉ là câu chuyện thoáng qua như "ném đá ao bèo". Khi mâu thuẫn nổ ra, trong cơn tức giận nhiều người vẫn lạnh lùng xuống tay sát hại cả người thân, ruột thịt. Như trường hợp bà Bùi Thị H. (SN 1964) trú tại xã Hùng Sơn (Kim Bôi) bị chồng là Bùi Văn Bình (SN 1969) dùng dao đâm vào bụng gây tử vong trên đường đi cấp cứu; hoặc như trong lúc xảy ra mâu thuẫn, Quách Đình Ánh (SN 1975), trú tại xóm Đồi 2, xã Kim Bôi (Kim Bôi) dùng dao nhọn đâm vợ tử vong; Bùi Văn Phiên (SN 1984), trú tại xóm Trọng Phú, xã Phong Phú (Tân Lạc) do mâu thuẫn trong cuộc sống đã dùng dao chém cả gia đình nhà vợ, làm 1 người chết, 3 người bị thương; Bùi Văn Dụng (SN 1971), trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn (đối tượng tù tha ngày 16/4/2021 về tội giết người xảy ra tại tỉnh Sơn La) dùng thanh gỗ đánh chết mẹ đẻ là bà Bùi Thị R (SN 1947); Nguyễn Văn Nhất (SN 1992) trú tại xã Độc Lập, TP Hòa Bình dùng súng bắn anh trai gây tổn hại 55% sức khỏe, bị truy tố về tội "giết người”... Mới đây, ngày 29/6/2023, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa Bùi Văn Tan (SN 1988), trú tại xã Chí Đạo (Lạc Sơn) ra xét xử về tội "giết người”, nguyên nhân do sau khi uống bia về, bực tức vì bị nhắc nhở, Bùi Văn Tan dùng dao chém nhiều nhát vào người bố đẻ...
 
Thống kê trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ án giết người. Song theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, TPGN, tội phạm cố ý gây thương tích là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn. Nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người, cố ý gây thương tích chủ yếu do xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tài sản; ghen tuông tình ái; mâu thuẫn trong gia đình; bột phát khi sử dụng rượu, bia; do quẫn bách về kinh tế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường làm phát sinh những tiêu cực trong xã hội. Nhiều người thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, đạo đức, không có sự định hướng, giáo dục đúng đắn từ gia đình cũng là nguyên nhân khiến các đối tượng có hành vi giết người, cố ý gây thương tích bằng nhiều thủ đoạn, trong đó có cả thủ đoạn tàn khốc...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân - gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Mâu thuẫn kéo dài không được giải quyết kịp thời, triệt để dẫn tới việc nhiều kẻ máu lạnh cầm hung khí sát hại người thân để lại nỗi đau dai dẳng vẫn còn xảy ra.

Giải quyết tốt các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình hình TPGN, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ phạm tội có hành vi dã man, thái độ đối tượng sau khi gây án hết sức lạnh lùng. Đáng nói, tình trạng người thân thích, ruột thịt trong gia đình đâm chém, giết hại nhau xảy ra nhiều.

Theo thống kê, từ năm 2022 đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ giết người làm 6 người chết, 14 người bị thương; 126 vụ cố ý gây thương tích làm chết 1 người, bị thương 153 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 46 vụ cố ý gây thương tích, chiếm 22% tổng số vụ tội phạm về trật tự xã hội xảy ra trong kỳ. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã điều tra, khám phá 16/17 vụ giết người, đạt 94,1%; 126/126 vụ cố ý gây thương tích, đạt 100%. Đáng chú ý, các vụ cố ý gây thương tích đều xảy ra sau những mâu thuẫn trong cuộc sống, quá trình thực hiện hành vi phạm tội các đối tượng đều dùng hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, búa có thể gây tử vong cho người khác. Điển hình như ngày 27/1/2023, tại xóm Tiểu Khu, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình), do mâu thuẫn gia đình, Nguyễn Mạnh Đức (SN 2000) dùng búa đánh vào đầu gây chấn thương sọ não cho bố đẻ. Ngày 22/2/2023, anh Hoàng Văn C. (SN 1983), trú tại xã Cao Sơn (Lương Sơn) bị con đẻ là Hoàng Văn Chinh (SN 2005) dùng dao chém vào sau cổ gây thương tích nặng. Ngày 26/2/2023, tại thị trấn Bo (Kim Bôi), do mâu thuẫn cá nhân, Bùi Đức Lợi (SN 1996), trú tại xã Xuân Thuỷ (Kim Bôi) bị Bùi Xuân Lượng (SN 2005), Bùi Đình Khánh Hưng (SN 2002) và Bùi Thế Anh (SN 2005), cùng trú tại khu Lục Cả, thị trấn Bo dùng dao đâm gây thương tích...

Xuất phát từ thực tế đó, để đấu tranh, phòng ngừa TPGN có hiệu quả, ngày 15/2/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 174/UBND-NVK về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa TPGN trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, TPGN nói riêng, nhất là TPGN do nguyên nhân xã hội trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, người dân, nhất là thanh thiếu niên ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Duy trì, phát huy, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát triển, nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, chú trọng địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội; giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội là nguyên nhân, điều kiện phát sinh TPGN như: giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong Nhân dân, không để phức tạp, kéo dài, phát sinh, hình thành "điểm nóng” về an ninh trật tự... Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm các tổ hòa giải, tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân. Phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm tội.

Lực lượng Công an chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu triển khai quyết liệt các giải pháp, phương án góp phần kéo giảm tội phạm; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động "đâm thuê, chém mướn”, "bảo kê”, đòi nợ thuê, liên quan đến "tín dụng đen”...


Mạnh Hùng



Nắm chắc tình hình, địa bàn, kịp thời giải quyết triệt để mâu thuẫn 

                                                  Thượng tá Phạm Minh Thắng Phó Trưởng Công an huyện Tân Lạc

         
Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội gây xôn xao dư luận. Qua nắm bắt tình hình, hầu hết các vụ việc có nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn, xích mích nảy sinh trong cuộc sống kéo dài không được giải quyết triệt để. 

Từ thực tế đó, Công an huyện đã tập trung triển khai nhiều biện pháp; thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung theo lĩnh vực. Trong đó, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe. Cùng với đó, phân công, bố trí lực lượng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đặc biệt quan tâm nắm chắc tình hình, địa bàn, kịp thời giải quyết triệt để những mâu thuẫn trong nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật từ sớm, từ xa.


Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền pháp luật

                                                   Bùi Văn Nguyên  Chủ tịch Hội Nông dân xã Quý Hòa (Lạc Sơn)

     
     Với vị trí, chức năng của mình, ngoài việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp đã phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên nông dân nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung.

          Là tổ chức Hội có số lượng hội viên lớn, hội viên chủ yếu sinh sống ở địa bàn nông thôn, quá trình sinh sống cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xích mích. Do vậy, Hội Nông dân luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác nắm tình hình, xử lý các vấn đề liên quan đến mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở. Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, Hội Nông dân các cấp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhờ đó góp phần phòng ngừa hiệu quả tội phạm trong cán bộ, hội viên cũng như trong quần chúng nhân dân tại cơ sở.


Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân 

                                                   Luật sư Vũ Duy Tôn Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh

          Qua thực tế công tác và qua công tác xét xử tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe nói riêng, chúng tôi nhận thấy nhiều trường hợp có nhận thức pháp luật còn hạn chế.

          Nguyên nhân do điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật chưa đồng đều. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) chưa có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận, chưa phát huy hết hiệu quả của công tác TTPBPL... Từ đó dẫn đến việc một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên chưa hiểu hoặc chưa ý thức hết được nguyên nhân, điều kiện, hậu quả của tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; công tác phòng ngừa từ cơ sở còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân ngay khi mới phát sinh, làm cho mâu thuẫn, bức xúc kéo dài. Do vậy, cần phải có sự đổi mới, đa dạng trong hoạt động TTPBPL phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân, như tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa giả định về tình huống phạm tội giết người, cố ý gây thương tích... nhằm nâng cao hiệu quả công tác TTPBPL, có tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Các tin khác


Nỗ lực đảm bảo an toàn cho “mạch máu” thông tin, truyền thông

(HBĐT) - Cùng với nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý, điều hành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và an toàn thông tin (ANM&ATTT) nhằm bảo toàn những thành quả đã đạt được và triển khai các mục tiêu đề ra trong tiến trình phát triển theo hướng chuyển đổi số (CĐS) bền vững, xây dựng chính quyền điện tử.

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên ở huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn huyện Lạc Sơn đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), qua đó góp phần xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.

Phi công dương tính với chất cấm đối diện mức kỷ luật sa thải

Hãng hàng không Vietnam Airlines thông tin chính thức cho biết, phi công P.H.D. dương tính với chất cấm sẽ đối diện với mức kỷ luật cao nhất là sa thải.

Lĩnh 13 năm tù về hành vi làm giả giấy tờ xe đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(HBĐT) - Ngày 12/7, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Xuân Lực (SN 1987), trú tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Ngăn chặn tình trạng thanh niên gây rối trật tự ở Hà Nam

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Nam xuất hiện một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập mang theo hung khí, đi xe mô-tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Xử lý vi phạm giao thông “không có vùng cấm”

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sáu tháng đầu năm diễn ra ngày 11/7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, trên phạm vi cả nước, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục