Các đối tượng trong hội nhóm "AE Nhà báo Yên Thủy” bị Công an huyện Yên Thủy triệu tập lên làm việc liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng chức năng thu giữ 4 xe mô tô đã thay đổi bộ phận giảm thanh và đèn chiếu sáng, 2 gậy sắt, 2 thanh kiếm, 1 roi điện. Quá trình làm việc tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đều là thành viên của hội nhóm "AE Nhà báo Yên Thủy” đã sử dụng mạng xã hội (MXH) Messenger để nhắn tin thách thức, khiêu khích và hẹn nhau với một nhóm khác để giải quyết mâu thuẫn. Đáng nói, các đối tượng trên lập nhóm "AE Nhà báo Yên Thủy” còn nhằm mục đích tuyển chọn thành viên, lôi kéo, bàn bạc, thông báo các chốt giao thông nhằm mục đích thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng trên địa bàn.
Đại úy Bùi Đức Chiều, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Yên Thủy cho biết: Quá trình điều tra làm rõ các đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 - 18 tuổi, hiện là học sinh các trường trên địa bàn huyện. Các đối tượng này đã triệt để sử dụng MXH, lập các nhóm để bàn bạc, nhắn tin chuẩn bị vũ khí để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để tham gia, kết nạp vào hội nhóm "AE Nhà báo Yên Thủy” các đối tượng phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định như: phải "độ” bộ phận giảm thanh xe phục vụ mục đích nẹt bô, phóng nhanh, vượt ẩu... Việc này gây ra những khó khăn nhất định cho công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn từ phía gia đình và các cơ quan chức năng. Các hành vi nguy hiểm trên nếu không có sự vào cuộc ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại tội phạm nguy hiểm cho xã hội.
Công an huyện Yên Thủy đã ra quyết định xử phạt hành chính nhóm thanh niên nêu trên về nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: "tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người gây mất trật tự công cộng”; "mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ phương tiện khác có tính sát thương”; "điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định khi tham gia giao thông”. Như vậy, chỉ vì những tin nhắn khiêu khích, rủ rê trên MXH ảo nhưng chỉ đến khi bị cơ quan chức năng bắt, xử lý thì những thanh niên mới nhận ra cái giá phải trả đằng sau tư duy và hành vi manh động của mình trên MXH là hình phạt, hậu quả thật.
Quản lý, giáo dục con cái - gia đình là yếu tố cốt lõi
Xung quanh vấn đề này, Đại úy Bùi Văn Kỳ, tổ trưởng tổ tuyên truyền của Công an huyện Yên Thủy cho biết: Thời gian qua, Công an huyện cùng các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn đã tích cực phối hợp các nhà trường tổ chức tuyên truyền pháp luật với 18 lượt nội dung an ninh mạng, 35 lượt nội dung phòng, chống bạo lực học đường, 43 lượt nội dung Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Quá trình tuyên truyền, tổ công tác nắm bắt thông tin có nhiều trường hợp thanh thiếu niên, học sinh tham gia hoạt động trên các nền tảng MXH có hành vi vi phạm pháp luật. Như mới đây, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện phát hiện 2 tài khoản facebook của Bùi Văn Đức và Quách Văn Đức, cùng trú tại xóm Khạ, xã Đa Phúc đăng tải bài viết, bình luận với nội dung xúc phạm lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Yên Thủy. Quá trình làm việc tại cơ quan Công an, 2 trường hợp đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình và tự nguyện gỡ bỏ bài viết, công khai xin lỗi lực lượng Cảnh sát giao thông trên trang facebook cá nhân. Hành vi trên đã vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP. Căn cứ hành vi vi phạm của 2 đối tượng, Công an huyện Yên Thủy đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Hoặc trước đó, trên địa bàn huyện có nhiều đối tượng lợi dụng, sử dụng MXH zalo, facebook để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Xuất phát từ thực tế trên, việc quản lý, giáo dục con cái có ý thức thượng tôn pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia hoạt động trên MXH có vai trò quan trọng. Theo Đại úy Bùi Văn Kỳ, bên cạnh công tác phòng ngừa xã hội thì chính gia đình, người thân của các em là những người chịu trách nhiệm trực tiếp tới nhận thức của con trẻ. Những bậc phụ huynh phải làm gương cho con trẻ. Bởi lẽ, gia đình buông lỏng quản lý, con cái sinh hư. Trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, việc trang bị cho bản thân kỹ năng và sức đề kháng trước các nội dung xấu, độc trên không gian mạng là vô cùng cần thiết. Phụ huynh cần chú trọng hơn nữa trong việc quản lý con cái tiếp xúc, sử dụng các thiết bị điện tử và MXH, giáo dục con em tránh xa thói hư, tật xấu và các hành vi vi phạm pháp luật.
Bùi Thị Thi
(Công an huyện Yên Thủy)