Những năm gần đây, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới vào Việt Nam vẫn diễn ra cho dù lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép vàng, vụ việc sau số lượng lớn hơn vụ việc trước, cho thấy tình hình buôn lậu vàng vẫn còn nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bộ đội Biên phòng An Giang triệt phá chuyên án buôn lậu vàng qua biên giới. (Ảnh: Bộ đội Biên phòng)
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an xác lập, tổ chức đấu tranh chuyên án làm rõ dấu hiệu của đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam do Nguyễn Thị Hóa ở Quảng Trị cầm đầu và hành vi trốn thuế xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý do Lê Xuân Tùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Kết quả đấu tranh chuyên án xác định từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa (trú tại số 19, Lê Quý Đôn, khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và Nguyễn Thị Gái đã tổ chức đường dây buôn lậu hơn 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam thu lời bất chính. Công ty cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về các hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, bước đầu xác định là 6,145 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Buôn lậu” và "Trốn thuế” xảy ra tại Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Công ty cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 18 đối tượng về tội "Buôn lậu”, quy định tại khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự.
Cũng tại cửa khẩu Lao Bảo, năm 2022, Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” đối với đối tượng Võ Thị Ngọc (trú tại 234 Ông Ích Khiêm, TP Đà Nẵng).
Qua phân tích hình ảnh soi chiếu phía trần ca-bin chiếc xe vận tải làm thủ tục tái nhập cảnh, lực lượng chức năng phát hiện bên trong có 2 gói hàng chứa 24 miếng kim loại mầu trắng; 56 vòng kim loại mầu hồng nhạt, 65 vòng kim loại mầu trắng; 1 thanh kim loại mầu vàng, 51 sợi kim loại mầu vàng và 100 tờ tiền giấy ngoại tệ. Theo kết quả giám định, số hàng hóa nêu trên là 1.736,14 gam vàng; 2.180,41 gam bạc và 100 tờ tiền mệnh giá 100 USD, tổng trị giá hơn 2,9 tỷ đồng. Và cũng trong năm 2022, cơ quan công an cũng đã bắt giữ, triệt phá đường dây buôn lậu vàng với số lượng lớn qua biên giới Việt Nam-Campuchia. Kết quả phá án đã làm rõ, đường dây này đã nhập lậu 198 kg vàng…
Qua một số vụ việc cho thấy, hành vi vận chuyển vàng nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam để bán lại nhằm hưởng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là rất lớn. Do đó, mỗi khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao sẽ là điều kiện để các đối tượng thực hiện gom ngoại tệ để nhập lậu vàng. Không chỉ thực hiện hành vi qua các tỉnh biên giới, nhiều vụ việc vận chuyển vàng qua đường hàng không cũng được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Khi các đối tượng thực hiện hành vi trót lọt, vàng lậu sẽ được chuyển thành vàng nguyên liệu, trang sức và bán ra thị trường mà không phải chịu thêm các khoản thuế, phí nào…
Năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với việc kiểm soát nhập khẩu vàng để tránh tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang. Trong khi đó, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho nên phải mua hàng ở trên thị trường hoặc phải mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang, và vàng SJC có giá cao cho nên vàng lậu có cơ hội để thâm nhập.
Ở khía cạnh khác, việc vàng lậu trốn thuế không chỉ gây thất thoát ngân sách mà còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ khi các đối tượng bán vàng buôn lậu để lấy tiền Việt Nam, sau đó dùng tiền Việt Nam để đổi sang ngoại tệ, tiếp tục mang ra nước ngoài mua vàng buôn lậu. Nếu tình trạng thường xuyên xảy ra khiến nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn sẽ làm giá ngoại tệ tăng cao. Do đó, cần phải xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu vàng, lợi dụng chênh lệch giá để kinh doanh vàng miếng trái phép, nhất là vào thời điểm hiện nay khi mà giá vàng trong nước vẫn đang chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới.
Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua tuyến đường bộ có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt vụ buôn lậu hơn 3 tấn vàng qua biên giới Lao Bảo thì công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu càng được siết chặt hơn. Biên phòng Quảng Trị đã thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ nghiệp vụ, trong đó xác định vàng, ngoại tệ là các mặt hàng trọng điểm.
Vì vậy, trước hết Biên phòng Quảng Trị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới; trao đổi với nước bạn Lào cùng phối hợp kiểm soát biên giới thực hiện tập trung chống buôn lậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức chấp hành pháp luật vùng biên giới, không tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng ở biên giới kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng là đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện hiện đại hơn giúp lực lượng chức năng nâng cao năng lực và có thêm điều kiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu; tiếp tục khai thác, thu thập thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu ngày càng hiệu quả hơn...
Nếu giá trị của số vàng, số kim loại quý và số ngoại tệ được vận chuyển trái phép qua biên giới có giá trị lớn, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt tiền hoặc phạt tù. Nếu vận chuyển trái phép vàng, kim khí quý,... nhằm mục đích mua bán, tìm kiếm lợi nhuận qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại thì có thể xử lý theo Ðiều 188 Bộ luật Hình sự về tội buôn lậu. Trường hợp, giá trị ngoại tệ, vàng,... vận chuyển trái pháp luật không lớn, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Ðiều 13 Nghị định 128/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Luật sư TRƯƠNG THANH TUẤN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Theo báo Nhân Dân