Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuy không còn mới nhưng đang có diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, cơ quan công an phát hiện hơn 13 nghìn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo, sử dụng giao thức VoIP cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber...
Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, chúng xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị.
Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự liên kết giữa trong nước và nước ngoài, hoạt động phạm tội xuyên quốc gia. Kết quả phối hợp xác minh thu thập thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ thông qua hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm nói chung và tương trợ tư pháp hình sự nói riêng còn hạn chế, kéo dài...
Cùng với đó, hành lang pháp lý quy định về tiền "ảo”, tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền "ảo”, tiền kỹ thuật số chưa được ban hành. Các quy định về dịch vụ internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng...
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên internet tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người bị hại.
Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được xác định là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn.
Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng; phối hợp kịp thời trong công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện nhằm răn đe, giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân biết; xây dựng cơ chế phối hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, viễn thông, ngân hàng trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm trên không gian mạng.