Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thứ ba, 15/8/2023 | 9:24:46 Sáng
(HBĐT) - Các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn giả danh cán bộ công an để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS). Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhẹ dạ, cả tin "sập bẫy”. Thực trạng này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm.
Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho tiểu thương tại chợ Tân Thịnh (TP Hòa Bình).
Mất tiền vì nhẹ dạ, cả tin
Ngày 17/7/2023, bà Nguyễn Thị C. ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0813755748 của một người lạ tự xưng là cán bộ Công an TP Hòa Bình. Qua điện thoại, người này thông tin bà C. liên quan đến một tổ chức rửa tiền và buôn bán ma túy. Sau đó, bà C. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 058748703. Người gọi giới thiệu tên là Thanh Tùng hiện đang công tác tại Bộ Công an và hướng dẫn bà C. chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của bà vào số tài khoản của một người tên là Nguyễn Thị Liên mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam để phục vụ công tác điều tra. Lo sợ trước những thông tin mà người gọi điện đưa ra, bà C. đã chuyển toàn bộ số tiền 340 triệu đồng trong tài khoản của mình vào số tài khoản của đối tượng. Ngay sau khi chuyển tiền, bà C. gọi vào các số điện thoại đã gọi đến cho mình nhưng không thể liên lạc được. Lúc này bà C. mới biết mình đã "sập bẫy” của những kẻ LĐCĐTS.
Cũng giống như bà C., ngày 26/7/2023, ông Bùi Văn B. ở xóm Khộp Đèn, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) cũng bị một đối tượng không quen biết gọi điện tự xưng là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an đưa ra thông tin không có thật, đe dọa con trai ông hiện đang liên quan đến một vụ án ma túy có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Muốn cứu con trai không phải nhận mức án cao nhất, ông phải chuyển cho đối tượng này 300 triệu đồng. Do lo sợ con trai bị xử lý hình sự nên ông B. đã giấu mọi người đi vay 300 triệu đồng rồi mang đến Phòng giao dịch Bưu điện huyện Lạc Sơn để gửi vào số tài khoản mà đối tượng đã cho. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục giao dịch chuyển tiền, nhận thấy các dấu hiệu bất minh, nhân viên Phòng giao dịch Bưu điện huyện Lạc Sơn đã đình chỉ giao dịch, vận động ông B. đến cơ quan chức năng trình báo.
Giám đốc Bưu điện huyện Lạc Sơn Nguyễn Minh Tuyết cho biết: Trước ông Bùi Văn B., trong quá trình thực hiện giao dịch chuyển tiền, nhân viên của đơn vị cũng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 1 vụ chuyển tiền có dấu hiệu bất minh, nghi là bị LĐCĐTS. Sau khi xác định ông Ngần Văn H. ở phố Độc Lập, thị trấn Vụ Bản đến Phòng giao dịch Bưu điện huyện để chuyển 300 triệu đồng đến một tài khoản có dấu hiệu bất minh, nhân viên đã kịp thời hướng dẫn trình báo cơ quan chức năng xác minh, giải quyết.
Quá trình làm việc tại Công an huyện Lạc Sơn, ông Ngần Văn H. trình bày: Ngày 24/7/2023, ông nhận được cuộc gọi từ một người lạ tự xưng là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an đe dọa con trai ông đang vướng vào một vụ án hình sự. Để không phải ngồi tù, đối tượng yêu cầu ông phải chuyển 300 triệu đồng vào số tài khoản chúng đưa ra. Lo lắng, ông đã vay tiền mang đến Phòng giao dịch Bưu điện huyện. Rất may, trong quá trình giao dịch đã được nhân viên phát hiện và vận động đến Công an trình báo.
Thực hiện nguyên tắc "nhiều không” để tránh sập bẫy
Thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Thực tế thời gian qua, tội phạm đã nhiều lần sử dụng phương thức, thủ đoạn gọi điện giả danh cán bộ các cơ quan như công an, tòa án, viện kiểm sát... để đe dọa, LĐCĐTS. Với thủ đoạn này, chúng đã thực hiện nhiều vụ LĐCĐTS của người dân trên địa bàn tỉnh. Đáng nói, trong đó có trường hợp bị lừa hàng trăm triệu đồng. Đơn cử trường hợp ở phường Thái Bình bị lừa 500 triệu đồng, mới đây nhất là trường hợp người dân ở phường Thịnh Lang bị lừa 340 triệu đồng.
Theo dự báo, hoạt động LĐCĐTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp với chiều hướng tăng cả số vụ, tính chất, mức độ và hậu quả, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hành vi LĐCĐTS xuất hiện dưới nhiều hình thức, trong đó nổi lên hình thức lừa đảo trên không gian mạng (KGM), nhất là sử dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội (MXH). Cụ thể như: giả danh nhân viên các công ty, tạo các website giả và sử dụng MXH nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người dân phải nộp tiền đóng phí nhận quà; giả danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra. Thông qua các ứng dụng (APP) trên MXH cho vay lãi suất cao với ưu điểm thủ tục nhanh gọn, đơn giản, đánh vào tâm lý người cần tiền gấp; bán hàng lừa đảo... Tính từ năm 2020 đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 118 vụ LĐCĐTS trên KGM. Trong đó, 22 vụ giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát.
Đề tránh "sập bẫy” loại tội phạm này, theo Thượng tá Nguyễn Văn Vận, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân, cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuân thủ, thực hiện tốt nguyên tắc "nhiều không”. Luôn nhớ không có cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án nào gọi điện trực tiếp cho người dân để làm việc. Mỗi người dân phải luôn cảnh giác với những cuộc điện thoại từ số lạ, không rõ ràng, tuyệt đối không tin vào những lời đe dọa của các đối tượng. Cách phòng, tránh hiệu quả nhất là mỗi người hãy nêu cao cảnh giác, đừng tự biến mình thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.
(HBĐT) - Xã Phú Cường (Tân Lạc) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với huyện Mai Châu và 5 xã của huyện. Toàn xã có 1.635 hộ, 7.568 nhân khẩu sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, góp phần ổn định chính trị và tạo tiền đề vững chắc để phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc, từ năm 2010 đến nay, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã tuyên truyền, vận động được 16 đối tượng là người dân tộc Mông bị truy nã đặc biệt về tội mua bán ma túy trái phép ra đầu thú.
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuyên truyền về thủ đoạn, hoạt động của tội phạm, từ đầu năm đến nay, các đơn vị Công an tỉnh và công an các địa phương trong toàn tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 1.205 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền phòng chống tội phạm cho 192.000 lượt người.
(HBĐT) - Ngày 12/8, Công an TP Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, thi hành Lệnh bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc 3 bị can để tạm giam điều tra làm rõ về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 11/8, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc trao đổi, hướng dẫn thực hiện các mô hình Đề án 06/CP. Dự hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình có các đồng chí thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh.
(HBĐT) - Thông qua phối hợp kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện 1 vụ vận chuyển đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em... tại huyện Lạc Thủy không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có tổng trị giá khoảng 110 triệu đồng. Mới đây, ngày 7/6, Công an TP Hòa Bình phát hiện và tịch thu 827 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm của một cơ sở kinh doanh online. Toàn bộ hàng hoá do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.