Nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp tỉnh từng bước triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.


Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đà Bắc phối hợp Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự rút kinh nghiệm kết hợp trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh.

Số hoá hồ sơ - nâng cao năng lực tranh tụng tại phiên tòa

Trung tuần tháng 9/2024, VKSND huyện Đà Bắc phối hợp Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự rút kinh nghiệm và thực hiện việc trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa đối với bị cáo Đinh Công Binh, sinh năm 1960, trú tại xóm Đoàn Kết, xã Tiền Phong về hành vi cố ý gây thương tích đối với bà Đinh Thị Hoan (vợ bị cáo), với tỷ lệ tổn thương cơ thể 28% quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Tại phiên tòa, kiểm sát viên (KSV) được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử thực hiện việc trình chiếu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được số hóa một cách công khai, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Qua đó làm cơ sở chứng minh, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo, khẳng định quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và có sức thuyết phục cao. Trước những tài liệu, chứng cứ khách quan được trình chiếu công khai tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố, tỏ thái độ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Trong phần luận tội, KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã phân tích tính chất nguy hiểm về hành vi phạm tội của bị cáo, phân tích rõ nguyên nhân, mục đích, động cơ phạm tội, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và đề nghị mức hình phạt có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Sau khi kết thúc phiên tòa, lãnh đạo Viện kiểm sát đã tổ chức họp đơn vị đánh giá về những ưu điểm, rút kinh nghiệm chung cho KSV trong quá trình xét xử. 

Đồng chí Đào Thị Hồng Điệp, Viện trưởng VKSND huyện Đà Bắc cho biết: Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm và trình chiếu chứng cứ là hình thức tự đào tạo hiệu quả, giúp KSV tích cực, chủ động hơn trong quá trình tranh tụng, tự nâng cao trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng như ứng dụng CNTT trong giải quyết vụ án. Trong thời gian tới, VKSND huyện Đà Bắc tiếp tục lựa chọn những vụ án phù hợp để thực hiện việc trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thời gian qua, VKSND tỉnh luôn chú trọng và tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết vụ án hình sự, xác định chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ tại phiên toà, báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 và những năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Thực tiễn cho thấy, việc trình chiếu tài liệu đã được số hóa tại phiên toà là cách thức công bố và xem xét chứng cứ sinh động, thuyết phục hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói, qua đó, bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng.
Trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng các phần mềm, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác kiểm sát, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Một trong những giải pháp là triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Việc này không chỉ có ý nghĩa chứng minh sự thật vụ án, chứng minh tội phạm, đảm bảo tính thuyết phục trong quá trình tranh luận, đối đáp, bảo vệ thành công quan điểm, cáo trạng đã truy tố, mà còn có tác dụng đối với những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa, khi bày tỏ sự đồng tình cao với những quan điểm của Viện kiểm sát.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai nghiên cứu, xây dựng các phần mềm, giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác kiểm sát, VKSND tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai, quán triệt tới các đơn vị vận dụng trong thực tiễn. Điển hình như đã xét xử vụ án Hoàng Công Lương xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hay nhiều vụ án về tham nhũng, chức vụ, vụ án được dư luận xã hội và quần chúng nhân dân quan tâm...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số đơn vị còn chưa đồng bộ, chất lượng chưa được nâng lên, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tổ chức phiên tòa có số hóa hồ sơ và trình chiếu công bố tài liệu, chứng cứ chưa được chặt chẽ, còn nhiều bất cập...

Theo thống kê, từ ngày 1/12/2023 - 30/9/2024, VKSND 2 cấp tỉnh đã thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đối với 96 vụ án đưa ra xét xử, số hóa hồ sơ đối với 70 vụ và trình chiếu chứng cứ tại 11 phiên toà hình sự, tổ chức 2 cuộc thi báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. Việc số hóa hồ sơ, trình chiếu chứng cứ tại phiên toà, báo cáo án bằng sơ đồ, trình chiếu sơ đồ hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chứng cứ, kỹ năng tranh tụng của KSV và tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. 

Tuy vậy, số lượng các vụ án hình sự có công bố chứng cứ bằng dữ liệu điện tử còn tương đối ít, chủ yếu là các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong các phiên tòa thông thường, việc sử dụng trình chiếu tài liệu, chứng cứ còn hạn chế. Do đó, VKSND đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về chứng cứ điện tử, cách thức thu giữ chứng cứ điện tử, giúp KSV hiểu rõ và kết hợp có hiệu quả giữa chứng cứ điện tử với các chứng cứ vật chất khác trong việc xây dựng báo cáo, đánh giá đúng tính chất vụ việc, vụ án để đưa ra những quyết định chính xác, đảm bảo quy định pháp luật. Đối với các vụ án thông thường, ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội thành khẩn khai báo… khuyến khích KSV áp dụng số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa để thử nghiệm, rút kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng CNTT vào giải quyết hồ sơ vụ án hình sự, qua đó trau dồi kỹ năng nghiệp vụ áp dụng vào các vụ án phức tạp khác.

Đồng chí Vũ Đức Hoà, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Để việc số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa tại các phiên tòa hình sự hiện nay, đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, quan tâm đầu tư hơn nữa, từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy trình chiếu chuyên dụng đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT của KSV nhằm thực hiện lưu trữ, khai thác, sử dụng và bảo mật dữ liệu số hóa theo đúng quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Trong thời gian tới, VKSND tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện có hiệu quả số hóa hồ sơ vụ án hình sự, không chỉ trong một giai đoạn tố tụng nhất định, mà thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình từ khi bắt đầu thụ lý, giải quyết vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, cũng như tăng tính hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. 


Đinh Thắng




Góp phần đảm bảo khách quan, chính xác, thuyết phục cao 

Bùi Đức Hạnh
Phó phòng 7, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh 

Qua thực tế triển khai cho thấy, việc số hóa hồ sơ các vụ án hình sự đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể là hạn chế in ấn giảm chi phí; dễ dàng lưu trữ truy xuất dữ liệu, nhất là tìm kiếm tài liệu đối với những vụ án phức tạp với nhiều tài liệu, bút lục; thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Quan trọng hơn là trong quá trình xét xử, các tài liệu được trình chiếu đảm bảo tính công khai; giúp kiểm sát viên chủ động trong quá trình tranh tụng, đưa ra quan điểm chính xác, có tính thuyết phục cao. Điều này cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho kiểm sát viên. 

Việc số hóa hồ sơ vụ án nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án theo yêu cầu cải cách tư pháp. Đây được xem là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án, phục vụ cho hoạt động tranh tụng, xét xử tại phiên tòa đảm bảo khách quan, chính xác và thuyết phục cao. 


Tăng cường công tác phối hợp liên ngành tố tụng

Nguyễn Tuấn Dũng
Phó Trưởng phòng PC 02, Công an tỉnh

Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành theo quy định của pháp luật để thống nhất đường lối giải quyết, hạn chế các trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt của Viện kiểm sát... Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị luôn theo dõi chặt chẽ các vụ án và có hướng chỉ đạo kịp thời; nhất là đối với các vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau, chủ động họp liên ngành để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo vụ án được khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm hay oan, sai.

Đối với các vụ án kiểm sát viên muốn công bố tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa thì ngay từ giai đoạn điều tra, kiểm sát viên phải phối hợp chặt chẽ, song hành với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, làm rõ tội phạm và người phạm tội một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật. Đảm bảo hoạt động thu thập chứng cứ, tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ đã thu thập và số hóa tài liệu, chứng cứ thành dữ liệu điện tử.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với thẩm phán được phân công thường xuyên trao đổi nghiệp vụ nhằm tháo gỡ, khắc phục những thiếu sót có thể xảy ra, cũng như tạo điều kiện cho việc trình chiếu công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ về trang thiết bị tại hội trường xét xử, đáp ứng việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa.


Tiếp tục phối hợp nâng cao chất lượng xét xử

Vũ Văn Túc
Phó chánh Toà Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh

Việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh áp dụng trong một số vụ án, đa số là vụ án có tính chất phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều người dân tham dự phiên tòa. Do đó, việc công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa bằng hình thức trình chiếu giúp cho những người tham dự phiên tòa nắm được nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội cho bị can, bị cáo; góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình xét xử; hạn chế việc các thế lực xấu dùng ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước. 

Để hoạt động phối hợp trong quá trình số hóa và trình chiếu chứng cứ đạt hiệu quả cao, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm án hình sự có áp dụng số hóa hồ sơ để kiểm sát viên, công chức trong đơn vị học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Đặc biệt, phối hợp tốt với Tòa án từ khâu chuẩn bị trang thiết bị, hội trường xét xử; lên kế hoạch tổ chức các phiên tòa có công bố tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử. Xây dựng, thống nhất tài liệu, chứng cứ và trình tự công bố để thực hiện các nội dung công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa được thống nhất, tránh chồng chéo và thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Các tin khác


Công an huyện Mai Châu tạm giữ phương tiện nhóm thanh, thiếu niên vi phạm giao thông

Ngày 20/11, Công an huyện Mai Châu đã tạm giữ 20 phương tiện, xử lý 40 trường hợp thanh, thiếu niên từ 14 đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông nhưng không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.

Cụm thi đua số 5 đẩy mạnh phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc

Cụm thi đua số 5 Công an tỉnh gồm Công an các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và Công an TP Hòa Bình. Thời gian qua, các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc; tập trung thực hiện những nội dung đã ký giao ước thi đua, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong tham mưu và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Hiệu quả công tác phối hợp liên ngành

Sau 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 2611, ngày 17/12/2021 giữa Công an tỉnh với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã đạt những kết quả tích cực. Công an tỉnh và Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành 20 quyết định, kế hoạch, quy chế liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, chương trình bảo vệ trẻ em; tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT); kế hoạch điều trị cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về…

Bắt giữ 2 đối tượng cướp giật tài sản sau 12 giờ gây án

Công an huyện Lương Sơn vừa điều tra làm rõ, bắt giữ Nguyễn Văn Mong, sinh năm 1996, trú tại xóm Ngành, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn và Đỗ Văn Thảo, sinh năm 1994, trú tại Sa Thôn, phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đây là 2 đối tượng cướp giật tài sản

Cẩn trọng trong giao dịch ngân hàng trực tuyến

Mới đây, chị Bùi Thị H ở TP Hòa Bình nhận được tin nhắn messenger của người em nhờ vay tiền. Vì là số tiền lớn nên chị H cẩn thận gọi video call để kiểm tra lại. Đầu dây bên kia bắt máy có hiện hình ảnh em chị nhưng chỉ 3 - 4 giây sau cuộc điện thoại bị tắt với lý do mạng kém. Nghĩ rằng mình đã gọi cho chính chủ nên chị H không ngần ngại chuyển khoản luôn theo thông tin người gửi. Sau khi chuyển tiền chị gọi lại cho người em mới biết mình bị lừa.

Đoàn Luật sư tỉnh: Đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân

Thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL), từ ngày 21 - 23/10/ 2024, Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức đợt tuyên truyền, tư vấn, giải đáp pháp luật cho hàng trăm lượt người dân ở xã An Bình (Lạc Thủy). Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần giải đáp nhiều vấn đề, khúc mắc liên quan đến chính sách, pháp luật trong nhân dân. Theo Luật sư Vũ Duy Tôn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, đợt tuyên truyền thực hiện theo các chuyên đề: Những điểm mới trong Luật Đất đai; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và về dân chủ ở cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục