Ngày 1/12, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma tuý, Bộ Công an phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình tổ chức vòng loại cuộc thi "Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) cho học sinh khu vực Tây Bắc năm 2024". Cuộc thi có 5 trường tham gia, gồm: THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, THPT Ngô Quyền, THPT Lạc Long Quân, THPT Công Nghiệp và Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh. Các đội đã thể hiện phần thi sáng tạo, ấn tượng, truyền tải thông điệp bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy.
Với sự thể hiện xuất sắc, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh đã trở thành đội đại diện cho tỉnh Hòa Bình tham gia vòng chung kết cuộc thi diễn ra ngày 8/12 tại thành phố Lào Cai (Lào Cai) và giành giải nhì. Theo đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, việc tổ chức cuộc thi không chỉ tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn học sinh, mà từ cuộc thi đã truyền thông điệp mạnh mẽ bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy; tuyên truyền, cung cấp kiến thức pháp luật về PCMT tới học sinh. Từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, hiểu biết của học sinh về hiểm họa của ma túy đối với đời sống xã hội, giúp nhận diện các loại ma túy, tránh xa tệ nạn ma túy; góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không có học sinh vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý. Đặc biệt hơn, từ việc nâng cao kiến thức, nhận thức, hiểu biết về hiểm họa ma túy, mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên trong công tác PCMT ngay tại cộng đồng, xã hội và trong chính môi trường học đường.
Theo đánh giá của Thượng tá Võ Quang Hòa, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, học sinh ở lứa tuổi hiếu động, dễ bị kích động, lôi kéo đã và đang trở thành mục tiêu tội phạm ma túy hướng tới. Theo ghi nhận, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu từ 15 - 25 tuổi, trong đó nhiều em từ 13 - 15 tuổi.
Xuất phát từ thực trạng đó, thời gian qua, công tác PCMT ở tất cả các cấp học được ngành GD&ĐT coi trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa ma túy xâm nhập học đường, ngành GD&ĐT đã phối hợp các ngành có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành PCMT trong học đường. Chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCMT. Ngay khi bước vào năm học mới, tổ chức ký cam kết giữa nhà trường và học sinh không liên quan đến ma túy. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục PCMT trong nhà trường. Từ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, trách nhiệm của các đơn vị, trường học, cán bộ, giáo viên, học sinh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy. Các trường học lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục PCMT trong chương trình và hoạt động giáo dục chính khóa; đánh giá, rà soát thực trạng tình hình học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên liên quan đến ma túy; thường xuyên kiểm tra trường hợp giáo viên, học sinh, sinh viên có biểu hiện nghi liên quan đến ma túy, nghiện ma túy để kịp thời ngăn chặn, giáo dục, quản lý. Đặc biệt quan tâm xây dựng trường học đảm bảo an toàn, thân thiện, không có ma túy...
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 90% (45/50) đơn vị, trường học thuộc Sở GD&ĐT quản lý xây dựng được mô hình "Nhà trường an toàn không có ma túy”. Các đơn vị còn lại đã xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng mô hình trong năm học 2024 - 2025. Cùng với đó, 100% học sinh trong các cơ sở giáo dục từ bậc THCS trở lên thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện ma túy, nhất là đối với một số loại ma túy mới "núp bóng” dưới dạng các loại đồ ăn độc hại... "Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng, là "lá chắn” để ngăn chặn không cho tệ nạn ma túy xâm nhập học đường", đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Mạnh Hùng