Dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên quốc lộ 6 được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) phê duyệt với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Công trình khởi công tháng 8/2023, dự kiến hoàn thành quý I/2024. Đến đầu quý II/2024, tiến độ thực hiện không như kế hoạch do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại xóm Đỉnh Cun và xóm Mới, xã Thu Phong (Cao Phong) còn nhiều vướng mắc, chủ đầu tư phải xin gia hạn đến ngày 30/9/2024. Tuy nhiên, đến nay công tác GPMB chưa hoàn thành, dự án tiếp tục bị chậm tiến độ và phải lùi thời gian đến ngày 30/4/2025.
Người dân không bàn giao mặt bằng, dự án liên tục bị chậm tiến độ
Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Hà Xuân Thủy, Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Cao Phong cho biết: Thực hiện dự án, huyện Cao Phong có 144 hộ bị ảnh hưởng (gồm 136 hộ xóm Đỉnh Cun, 8 hộ thuộc xóm Mới, xã Thu Phong), trong đó, 2 hộ thuộc xóm Đỉnh Cun nằm ở địa bàn giáp ranh với phường Thái Bình (TP Hòa Bình) đã bàn giao 100% mặt bằng, còn lại 142/144 hộ nằm trong phạm vi GPMB công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 giai đoạn 2002 - 2005 và nằm trong phạm vi mốc giới hành lang giao thông đường bộ. Từ ngày 25/3 - 15/12/2024 đã vận động được 76 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng; hiện còn 58 hộ chưa đồng ý (xóm Đỉnh Cun 50 hộ, xóm Mới 8 hộ). Lý do các hộ cho rằng vẫn còn vướng mắc, yêu cầu bồi thường về đất, cây cối, hoa màu và tài sản trên đất của các hộ chưa được giải quyết thỏa đáng. Từ đó gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong đã nhiều lần tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các ngành có liên quan với các hộ dân. Ngày 29/11/2024, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh đã tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân xóm Đỉnh Cun. Tại cuộc tiếp xúc, đối thoại, đại diện các cơ quan của huyện, ngành chức năng của tỉnh đã giải thích cặn kẽ, thấu đáo quy định của pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án. Đồng thời khẳng định rõ đây là dự án không bồi thường về đất. Phần đất của các hộ đang sử dụng nằm trong phạm vi GPMB công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 giai đoạn 2002 - 2005 và nằm trong phạm vi mốc giới hành lang giao thông đường bộ. Tuy vậy, phần lớn ý kiến các hộ dân đều bày tỏ không đồng tình bàn giao mặt bằng khi chưa nhận được bồi thường thỏa đáng về đất và tài sản trên đất, do trước đó các hộ mới chỉ nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ về hoa màu. Như các hộ: Nguyễn Sỹ Cát, Trần Minh Tân, Hoàng Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Trang, Tô Văn Tác, Nguyễn Thị Biên... xóm Đỉnh Cun bày tỏ quan điểm ủng hộ việc triển khai dự án, không có ý kiến gì về hồ sơ GPMB công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 giai đoạn 2002 - 2005, nhưng khi chưa được bồi thường về đất thì chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công...
Đừng vì cái lợi nhỏ
Đồng chí Hà Xuân Thủy, Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Cao Phong cho biết: Đối với các dự án nói chung và dự án xử lý nguy cơ mất ATGT đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên quốc lộ 6, địa phương tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ GPMB và các quy định của pháp luật có liên quan. Qua quá trình xem xét hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 từ những giai đoạn trước, chúng tôi thấy các gia đình nằm trong phạm vi GPMB dự án xử lý nguy cơ mất ATGT đoạn dốc Cun (Km78+500 - Km85+100) trên quốc lộ 6 đều đã được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ từ các giai đoạn trước và nằm trong phạm vi mốc giới hành lang giao thông đường bộ. Do vậy đều không đủ điều kiện để được bồi thường về đất.
Qua tìm hiểu thực tế và tiếp cận hồ sơ, tài liệu liên quan đến vi phạm quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Chi cục Quản lý đường bộ I.1 đối với nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thu Phong, như các hộ: Tô Văn Tác, Hà Tiến Tài, Nguyễn Văn Đức (Bích)... Các hộ này đều có yêu cầu bồi thường về đất và tài sản trên đất, trong đó có cả phần diện tích đất và công trình trên đất được Chi cục Quản lý đường bộ I.1 xác định là lấn chiếm, vi phạm, yêu cầu tháo dỡ công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép từ những năm 2016, 2017.
Từ thực tế có thể thấy, trong số những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đang đưa ra những yêu cầu trái với quy định, gây khó khăn cho việc triển khai dự án. Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Bí thư Huyện ủy Cao Phong chia sẻ: Chúng tôi xác định đây là dự án rất quan trọng đối với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như giảm thiểu nguy cơ mất ATGT trên tuyến đường đèo dốc nguy hiểm. Do vậy, qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã tập trung tuyên truyền, giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu, quy định pháp luật liên quan đến việc bồi thường, GPMB đối với dự án để người dân hiểu, tuân thủ, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đến hết tháng 4/2025 hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Mong rằng người dân hiểu, chia sẻ, đồng thuận, không vì đòi hỏi cái lợi nhỏ mà đánh mất những lợi ích to lớn dự án đem lại cho địa phương và chính những người dân nằm trong phạm vi dự án. Đối với các kiến nghị hợp tình, hợp lý, hợp pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh sẽ xem xét, giải quyết thỏa đáng, xử lý nghiêm sai phạm nếu có trên cơ sở bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Mạnh Hùng