10 năm làm quản giáo trông coi các phạm nhân nữ, Thượng úy Trần Thị Ngọc Hà (cán bộ quản giáo Trại giam Hoàng Tiến) nói rằng, với những phạm nhân mà chị đã từng tiếp xúc, chị chọn cách yêu thương, chia sẻ và thông cảm với tất cả sự chân thành của mình. Đó luôn là cách giáo dục hiệu quả nhất.

 

Đi các trại giam trong cả nước, tôi phát hiện ra rằng, mỗi người quản giáo là cả một "kho" truyện dài và đầy thú vị về các phạm nhân, bởi họ chính là người tiếp xúc với những người tù nhiều nhất, hiểu rõ ngọn nguồn những bi kịch và sự bất hạnh trong cuộc đời những con người lầm lỡ ấy.

Thượng úy Trần Ngọc Hà tâm sự với tôi rằng khi mới bước chân vào Trường Cảnh sát, học chuyên ngành quản lý trại giam, những gì chị biết về công việc tương lai của mình chỉ là qua sách vở. Cách đây 10 năm, khi chị mới là cô sinh viên chân ướt chân ráo về đơn vị nhận công tác, chị đã từng mắc phải những sai lầm trong công việc vì chưa hiểu được tính chất phức tạp của công việc mình đang làm.

Chị kể: "Tôi nhớ thời gian đầu tiên khi tôi nhận nhiệm vụ của một đội quản giáo nữ, tôi còn rất non nớt. Chỉ cần phạm nhân nào đó tỏ vẻ biết điều, lại hay trò chuyện với cán bộ là tôi đã thấy tin tưởng họ, đã nghĩ ngay rằng họ là những phạm nhân chấp hành kỷ luật tốt. Nhưng sự thật thì không phải thế. Chính vì suy nghĩ đó mà tôi đã mắc phải sai lầm.

Ngày đó trong đội quản giáo của tôi có một nữ phạm nhân tên Hằng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, lại luôn tỏ ra thân thiện với những người xung quanh. Chính vì thế, khi mới nhận đội, tôi rất có cảm tình với phạm nhân này và thường tin tưởng những gì chị ta nói với tôi về tình hình của cả đội. Tôi không hề biết phạm nhân Hằng có một thói quen xấu, là thường xuyên đặt điều cho những người chị ta không ưa trong đội.

Có lần, chị ta "kể xấu" về một chị phạm nhân tên Mai. Chị ta nói với tôi rằng chị Mai thường xuyên đặt điều, đưa chuyện cho người này người kia, gây mất đoàn kết trong đội. Khi nghe chuyện, nếu đúng ra tôi sẽ phải đi kiểm tra sự đúng sai của thông tin đó. Nhưng vì chủ quan và quá tin tưởng vào phạm nhân Hằng, tôi đã chẳng suy nghĩ gì mà gọi phạm nhân Mai lên nhắc nhở, phê bình rất nghiêm khắc. Là người ít nói, trầm tính, khi bị tôi nhắc nhở, phạm nhân Mai chẳng hề phân bua, giải thích để minh oan cho mình. Chị ta chỉ đứng nghe và khóc.

Sau đấy, có một điều gì đó khiến tôi cứ cảm thấy gợn gợn trong lòng. Linh tính mách bảo tôi rằng mình đã xử lý chưa đúng trong chuyện đó. Tôi quyết định đi hỏi các phạm nhân khác trong đội về chị Mai. Nhờ đó tôi mới biết được không phải phạm nhân Mai, mà phạm nhân Hằng mới là người hay gây ra mâu thuẫn trong đội, và việc "nói xấu" chị Mai với tôi cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Các chị em trong đội phạm nhân cũng kể với tôi rằng, sau hôm bị tôi mắng, chị Mai về phòng giam và khóc rất nhiều. Điều đó khiến tôi rất ân hận. Tôi gọi chị Mai lên, nói lại chuyện hôm trước, giải thích cho chị ta vì sao tôi lại hiểu nhầm như thế và gửi lời xin lỗi. Chuyện đó tuy không để lại hậu quả gì nặng nề, nhưng đã cho tôi một bài học rất lớn về cách ứng xử với các phạm nhân.

Tôi đã rút kinh nghiệm cho mình ngay từ lúc đó. Nên sau này, với phạm nhân Hằng, tôi cũng chọn cách xử lý rất nhẹ nhàng. Tôi vẫn ân cần trò chuyện với chị ta, không phê bình trực tiếp mà chỉ nói nhẹ nhàng rằng, sống trong môi trường tập thể, toàn là những chị em có hoàn cảnh đặc biệt, xa chồng xa con, thì phải biết yêu thương, chia sẻ với nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Dù tôi không nói thẳng, nhưng chị ta hiểu rằng tôi biết mọi chuyện chị ta làm, nên từ đó với chị em trong đội, phạm nhân Hằng cũng cư xử nhũn nhặn, hòa hợp hơn".

Nghề quản giáo là một nghề mà chỉ học ở sách vở thôi chưa đủ, bởi khi thực sự dấn thân vào công việc, hòa mình vào thế giới của trại giam, của những người tù sau song sắt, Thượng úy Trần Thị Ngọc Hà mới thực sự hiểu rõ công việc và trách nhiệm của mình, mới tự rút ra được những bài học trong quá trình tiếp xúc, giáo dục, quản lý phạm nhân.

Những năm đầu mới nhận công tác, Thượng úy Hà gặp không ít khó khăn khi tiếp xúc với phạm nhân, bởi phạm nhân trong trại giam có thành phần xã hội rất phức tạp: người già, người trẻ, người có học thức, người mù chữ, người phạm tội do hoàn cảnh, người là giang hồ "thứ thiệt". Chính vì thế, để "thu phục" được cả đội phạm nhân nữ có những người đáng tuổi mẹ mình và khiến họ cảm thấy tôn trọng mình, đó là cả một sự thách thức đối với chị.

Có một số phạm nhân khi mới vào trại, do chưa được giáo dục và chưa có nhận thức đầy đủ, thường có thái độ coi thường những cán bộ quản giáo trẻ như Thượng úy Hà. Biểu hiện của những phạm nhân này là thường xuyên chống đối cán bộ, gây mất hòa khí trong đội, lười lao động và sinh hoạt không có kỉ luật. Nhưng Thượng úy Hà không lấy điều đó làm khó chịu, bởi theo quan điểm của chị, chính vì "chủ quan", không "đề phòng", "khinh địch" nên những phạm nhân đó thường nhanh chóng bộc lộ hết suy nghĩ, tính cách của họ, những nhược điểm và ưu điểm của họ. Nhờ đó mà sau một thời gian, khi nắm bắt được suy nghĩ của những phạm nhân này, Thượng úy Hà dễ dàng đưa ra một biện pháp giáo dục thích hợp với họ.

6 năm trước, Thượng úy Hà đã từng quản lý một phạm nhân phạm tội cướp tài sản tên Hoa. Hoàn cảnh của phạm nhân này rất đặc biệt, nên Thượng úy Hà nói, ngay từ đầu khi Hoa mới vào trại, chị đã có một mối quan tâm đặc biệt và chọn một cách giáo dục khéo léo đối với phạm nhân này.

Phạm nhân Hoa từ bé đã sống thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Mẹ Hoa bỏ đi khi cô mới ra đời, nên đến tận lúc lớn, Hoa chưa từng một lần được gặp mẹ, cũng không có bất cứ thông tin gì về mẹ. Hoa sống với bố, nhưng bố cô cũng là một dân anh chị giang hồ, vào tù ra tội như cơm bữa. Không được sống trong sự yêu thương, giáo dục đủ đầy, Hoa sớm trở thành một đứa con gái hư, lang thang, phiêu bạt chốn giang hồ, kiếm sống bằng nghề trộm cắp, cướp giật. Năm 2004, Hoa bị bắt và đi cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến với án tù 8 năm về tội danh cướp tài sản. Vào trong trại, Hoa cũng không được gia đình quan tâm, chăm sóc, bởi khi đó bố Hoa cũng đang ở tù.

Thượng úy Hà kể hiếm khi thấy có người lên thăm Hoa. Vốn tính bướng bỉnh, lì lợm, quen thói giang hồ, lại không được quan tâm, nên khi nhìn các phạm nhân khác được gia đình đến thăm, dù không nói ra nhưng Hoa vẫn không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Vì thế ở trong trại, Hoa thường xuyên vi phạm kỉ luật, va chạm, cãi cọ, xích mích với các phạm nhân khác và sinh hoạt trái với quy luật bình thường. Đến giờ cơm, khi các phạm nhân khác ăn cơm thì Hoa không ăn. Đến giờ lao động, các phạm nhân khác đi lao động thì Hoa vẫn ì lại, cố tình ngủ rốn thêm một chút, hoặc giả vờ ốm để trốn lao động. Trong quá trình lao động cải tạo, chị ta thường xuyên làm không đủ khoán.

Tuy Hoa là một phạm nhân rất khó "uốn nắn", nhưng Thượng úy Hà nói rằng riêng với trường hợp này chị đặc biệt thông cảm và chia sẻ, bởi ngoài tình cảm giữa một người quản giáo với một phạm nhân, chị còn dành cho Hoa tình cảm của một con người với một con người. Hoa là một cô gái có số phận rất đáng thương, chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế với nữ phạm nhân này, chị chọn cách dùng sự yêu thương, chia sẻ để giáo dục Hoa, giúp Hoa thay đổi nhận thức về cuộc sống.

Chị nói chuyện với Hoa như một người chị gái nói chuyện với cô em gái, kiên nhẫn nghe Hoa kể về hoàn cảnh gia đình và những nỗi buồn của mình. Chị không mắng mỏ khi Hoa vi phạm kỉ luật hay lười lao động, mà chọn cách nhắc nhở Hoa rất dịu dàng, thậm chí dùng những lời khen để khuyến khích động viên Hoa.

Có lần chị gọi Hoa ra một chỗ, nhìn Hoa rất thân thiện và nói rằng: "Nhìn Hoa nhanh nhẹn, khỏe mạnh, khéo léo thế này thì chắc làm gì cũng nhanh. Hoa không cần phải làm việc hơn tất cả mọi người trong đội, nhưng tôi muốn Hoa cứ làm việc như những người nhanh nhẹn bằng mình. Người nhanh nhẹn thì phải làm việc bằng một người nhanh nhẹn khác, không thể làm việc bằng một người chậm chạp và yếu hơn mình được".

Thượng úy Hà chỉ nói thế, nhưng kể từ đó, chị thấy phạm nhân Hoa đã có sự chuyển biến rất tích cực trong lao động, bởi tự trong lòng phạm nhân này đã nảy sinh sự so sánh mình với những phạm nhân khác. Làm việc tốt, lao động tốt, cải tạo tốt, đó là cách mà Hoa chọn để "chứng tỏ" mình với những phạm nhân trong đội. Kể từ đó, phạm nhân Hoa luôn luôn làm việc vượt khoán, biết nghe lời cán bộ và hầu như không vi phạm kỉ luật. Nhờ chấp hành tốt, biết phấn đấu cải tạo, nên sau này Hoa được ra tù sớm. Ngày phạm nhân Hoa ra tù, điều duy nhất mà quản giáo Trần Thị Ngọc Hà chúc cô là mong cô từ bỏ con đường sai trái để làm lại cuộc đời, tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc và bình yên.

Tin vào sự hướng thiện của những người tù, tin vào sức mạnh của sự chia sẻ, thông cảm và những ứng xử chân thành, đó là những bí quyết giúp Thượng úy Trần Thị Ngọc Hà luôn là một cán bộ quản giáo nữ được các phạm nhân nữ yêu quý, tôn trọng

                                                                              Theo Báo CAND

Các tin khác


Công an thành phố Hòa Bình bắt đối tượng trộm từng có 3 tiền án

Nhận tin báo của người dân về việc bị kẻ gian đột nhập trộm nhiều tài sản có giá trị, Công an TP Hòa Bình nhanh chóng vào cuộc xác minh, truy xét. Sau 3 giờ tích cực điều tra, đối tượng thực hiện vụ đột nhập trộm tài sản đã được làm rõ.

Bốc đầu xe mô tô để quay clip tung lên mạng, 2 nam sinh bị phạt 7 triệu đồng

Công an huyện Cao Phong cho biết vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 triệu đồng đối với 2 trường hợp gây mất an toàn giao thông và đăng, chia sẻ thông tin xấu độc trên mạng internet.

Triệt xoá điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý tại chung cư Dạ Hợp

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho biết, sau một thời gian điều tra, xác minh, trưa 23/4, đơn vị đã phối hợp Công an TP Hòa Bình triệt phá thành công tụ điểm chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tại chung cư Dạ hợp 12 tầng thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình do Bùi Tuấn Anh (SN 1987) cầm đầu.

Trao quyết định giảm án phạt tù cho 9 phạm nhân

Sáng 25/4, Trại Tạm giam Công an tỉnh Hoà Bình đã tổ chức công bố quyết định giảm án phạt tù có thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện giảm án nhân dịp 30/4/2024. Trong 9 phạm nhân được trao quyết định giảm án có 2 phạm nhân được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được tha ngày 16/4/2024; 7 phạm nhân được giảm từ 2 - 7 tháng phạt tù.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (từ 27/4 đến 1/5). Đây sẽ là thời điểm người dân có nhu cầu đi thăm thân, tham quan, du lịch tăng cao, dẫn đến lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ gia tăng đột biến. Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn trong suốt thời gian nghỉ lễ.

8 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, UBND huyện Lạc Thủy đã công nhận 8/10 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện, toàn huyện có 112 tổ hòa giải ở cơ sở và 706 hòa giải viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục