Tàu cá QNg – 90847TS bị cướp đã về tại cảng Sa Kỳ

Tàu cá QNg – 90847TS bị cướp đã về tại cảng Sa Kỳ

CATP) Cuối cùng, tàu của anh Nguyễn Tấn Luận (39 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 13 ngư dân đã về tới cảng Sa Kỳ. Nỗi kinh hoàng vẫn còn in rõ trên mỗi ngư dân khi bị cướp biển tấn công, bắn trọng thương tại vùng biển giữa Malaysia và Philippines.

 

DƯỚI HỌNG SÚNG CƯỚP BIỂN
Rã rời sau những ngày khổ ải bị bắn, cướp, rồi điều trị vết thương, anh Luận kể lại, ngày 8-4-2011 tàu cá QNg-90847TS, công suất 380 CV, có 14 ngư dân rời cảng cá Sa Kỳ, huyện Bình Sơn tiến thẳng qua vùng biển Malaysia (đã được nước sở tại cấp phép) hành nghề lặn. Trong chuyến ra khơi lần này, tàu của anh đánh bắt gần đầy khoang cá. Trưa 15-5, đang khai thác cá thì bất ngờ một chiếc tàu gỗ khác xuất hiện. Theo thói quen, anh giơ ngón tay trỏ lên chào (cũng là ký hiệu của các ngư dân cho biết đó là tàu và ngư dân Việt Nam). Ban đầu các ngư dân tưởng là tàu cá của người dân địa phương, thế nhưng khi tàu này đến gần, họ thấy một người đàn ông tay cầm chiếc can nhựa đưa lên ra hiệu cho xin dầu. Các thuyền viên trên tàu nghĩ tàu lạ bị hết dầu nên xin. “Các tàu trên biển cả, rủi hết dầu thì tàu khác sẵn sàng hỗ trợ vài can để giúp họ, dù là tàu nước nào. Vì thế tụi tui lấy can dầu ra mũi tàu để đưa cho họ” - anh Luận kể lại.

Tuy nhiên khi thấy một số người trên tàu có trang phục khả nghi, không giống ngư dân, trên khoang lại không có bất kỳ ngư, dụng cụ đánh cá nào, thuyền trưởng Luận linh cảm chuyện chẳng lành, vì vậy anh đưa tay ra hiệu cho tàu lạ không được đến gần, rồi tăng tốc và quay mũi tàu bỏ chạy. Thấy vậy, tàu lạ rồ ga tăng tốc đuổi theo. Một số người trên tàu lạ cầm súng ra ngoài cabin bắn xối xả về phía tàu anh Luận. Các thuyền viên trên tàu kinh hãi, cố nấp vào cabin đồng thời tăng hết ga chạy thoát. Trong khi đó, tàu lạ càng ngày càng áp sát và bắn rát. Các tấm ván gỗ cabin tàu bị đạn xé toạc, một số người trên tàu bị thương. Ngư dân Lê Quang Tư bị dính đạn, máu chảy khắp người. Lo sợ cho ngư dân tiếp tục bị trúng đạn, lại biết không thể chạy thoát, anh Luận đành giảm ga, tắt máy, bước ra ngoài và giơ tay đầu hàng sau gần 30 phút chạy trốn.

Phía tàu lạ có nhiều người lăm lăm vũ khí trong tay nhảy qua tàu bắt toàn bộ ngư dân úp mặt xuống sàn. Bọn chúng lấy tất cả tài sản có giá trị chuyển sang tàu của chúng. Khi bọn cướp bỏ đi, các ngư dân trên tàu bàng hoàng và tìm cách lo cho các thuyền viên bị thương. Một lúc sau, được một tàu cá của Malaysia đi qua dẫn đường, thuyền trưởng Luận điều khiển tàu vào bờ. Sau khi được chở vào bệnh viện băng bó cho ngư dân bị thương, anh Luận đã mượn một ít dầu cùng định vị của một tàu ở cùng quê rồi cho tàu chạy về Quảng Ngãi.

Theo anh Luận, tàu của anh bị cướp 12 điện thoại di động, 3 máy định vị, 1 bộ đàm, 1 máy Icom, 1 máy dò, 20 triệu đồng, 1.000 USD, 1.000 ringgit (tiền Malaysia), 1.200 lít dầu cùng nhiều hải sản khác với tổng trị giá gần 700 triệu đồng.

BỊ CƯỚP SẠCH GIỮA BIỂN KHƠI
Một tàu cá khác cũng bị cướp đã khánh kiệt, tơi tả về đến Quảng Ngãi vào ngày 23-5. Đó là tàu số hiệu QNg-5129TS của anh Trần Văn Dũng ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Anh Dũng kể, tàu xuất bến ngày 15-4, có 14 thuyền viên. Sau khi đánh bắt gần đầy khoang cá, bất ngờ một chiếc tàu gỗ xuất hiện không treo cờ nước nào, nhìn như thuyền đánh bắt của ngư dân, đến sát tàu của anh. Phía tàu lạ ném dây thừng qua, anh Dũng bắt dây và cột vào tàu của mình, bởi nghĩ họ cần hỗ trợ thực phẩm hay dầu. Nhưng khi hai tàu đã cập vào nhau, phía tàu lạ có năm người lăm lăm vũ khí trong tay nhảy qua tàu và dồn các ngư dân vào góc mũi tàu. Sau đó chúng cướp sạch hải sâm, trên 1.000 lít dầu. Các ngư dân trên tàu anh Dũng đành bất lực để họ cướp, bởi những họng súng sẵn sàng nhả đạn. Sau khi bị cướp, anh Dũng phải vay tạm tàu của ông Nguyễn Hoa, đang hành nghề tại khu vực đó, để có nhiên liệu chạy về đất liền.

Anh Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên tàu anh bị cướp tại vùng biển trên, ước tổng thiệt hại trên 400 triệu đồng.

Anh Dũng và anh Luận đều cho biết tàu của hai anh cũng như nhiều tàu khác ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã có hợp đồng ký kết giữa một công ty có trụ sở tại TPHCM và đối tác Malaysia từ năm 2008 về việc “xuất ngoại” đánh bắt hải sản. Chi phí ban đầu để được đi là 18.000USD, sau đó phải nộp thuế cho phía Malaysia 35 triệu đồng/tháng. Hơn ba năm qua, tất cả thủ tục pháp lý đều phù hợp, ngư dân được cấp thẻ thuyền viên, hộ chiếu... để hành nghề hợp pháp. Tàu sau khi sang vùng biển Malaysia được kẻ màu sơn, cấp số hiệu theo quy định của nước bạn.

Những ngư dân bị nạn cho biết, bọn cướp hoạt động vào ban ngày và chỉ tấn công những tàu đi riêng lẻ. Vì thế hơn bao giờ hết, các tàu cá Việt Nam khi đánh bắt hải sản ở những ngư trường trên cần có sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền và sự liên kết lẫn nhau, cùng tránh bị bọn cướp tấn công.

                                                Theo CA TPHCM

Các tin khác


Doanh nghiệp tự ý sử dụng thông tin cá nhân để khai khống thu nhập là hành vi vi phạm pháp luật

Vừa qua, một số Cục Thuế địa phương phát hiện hành vi liên doanh nghiệp (DN) sử dụng thông tin của cá nhân (tên, mã số thuế, số căn cước công dân) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không phát sinh chi trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó.

Tháng 4/2024, xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người

Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, tháng 4/2024 (số liệu báo cáo tính từ ngày 15/3 đến ngày 14/4), toàn quốc xảy ra 1.995 vụ tai nạn giao thông, làm chết 845 người và làm bị thương 1.537 người. So với tháng cùng kỳ năm 2023 tăng 334 vụ (20,11%), giảm 62 người chết (6,84%), tăng 431 người bị thương (38,97%).

Danh sách 20 website giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngân hàng

Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giảm cả ba tiêu chí

Tình hình trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo tốt, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024.

Chung tay giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ người CHXAPT tái phạm tội, vi phạm pháp luật thấp. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Dịp nghỉ lễ, tỉnh Hòa Bình xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5/2024), tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh được bảo đảm an toàn, thông suốt. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, đảm bảo TTATGT. Nhờ vậy không để xảy ra các sự việc đột xuất, bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình TTATGT trên tuyến quản lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục