Thả hoa tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì Tổ quốc trên sông Thạch Hãn.

Thả hoa tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì Tổ quốc trên sông Thạch Hãn.

Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện trưng bày nhiều lá thư như thế được tìm thấy trong các cuộc quy tập hài cốt liệt sỹ. Và giữa những con chữ lặng im ấy chợt nhận ra khí phách của những người lính bất khuất, giúp thế hệ mai sau hiểu sâu sắc hơn "vì sao chúng ta chiến thắng" để biết trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, những hài cốt liệt sỹ không còn nguyên vẹn, súng đạn và bom mìn cũng đều đã hoen gỉ, chỉ có tâm tư trong những lá thư mà người lính chưa kịp gửi là còn tươi mới.

"Anh ra đi, nếu có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc…"

Vào cuối năm 2000, trong quá trình thi công nâng cấp một số hạng mục công trình tại khu di tích Thành cổ, khi xây dựng lại hệ thống cống thoát nước, công nhân phát hiện ra một hầm ngầm kiên cố, với nắp bê tông dày tới 30cm, bị sập từ lâu. Khi các tấm bê tông được khoan cắt và cẩu lên, người ta phát hiện 7 bộ hài cốt còn nguyên vẹn. Đặc biệt, bộ hài cốt nằm tựa vào thành hầm vẫn đeo một chiếc xắc cốt, trong đó chứa đựng những di vật và tài liệu quý giá: Sổ công tác, lý lịch đảng viên, bản Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một số tài liệu tuyên truyền do Cục Chính trị B5 ban hành, vài bức ảnh, hai lá thư của vợ anh ký tên là Biển Khơi và một lá thư anh viết cho vợ nhưng chưa kịp gửi. Đó là những di vật của liệt sỹ Lê Binh Chủng, Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị.

Những cựu chiến binh đã chiến đấu giữ chốt Thành cổ kể rằng, vào cuối tháng 7/1972, trong một cuộc chiến đấu khốc liệt giữa ta và địch, một quả bom dù của địch đã đánh trúng hầm chỉ huy của Tiểu đoàn 3, còn 7 chiến sỹ bị mắc kẹt trong đó. Khi hầm sập, 7 chiến sỹ vẫn liên lạc ra ngoài bằng máy vô tuyến. Tiểu đoàn 3 đã huy động lực lượng cấp cứu nhưng vì lớp bê tông bịt nắp hầm quá dày và kiên cố nên không có cách nào cứu hộ được, ứa nước mắt chấp nhận hy sinh.

Trong bức điện cuối cùng, anh Chủng và đồng đội còn thông báo: "Địch đang tiến vào trận địa… Chúng tôi nghe rất rõ bước chân của chúng… Chúng đang đi trên nóc hầm của chúng tôi… Yêu cầu các đồng chí dùng pháo bắn cấp tập và hãy bắn thẳng lên hầm của chúng tôi… Xin gửi lời chào chiến thắng và vĩnh biệt…!".

Trung úy Lê Binh Chủng sinh năm 1944 ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trên đường hành quân vào Nam, đơn vị anh dừng lại Đồng Cao, Bố Trạch, Quảng Bình. Ở đây anh gặp và yêu nữ dân quân Phạm Thị Biển Khơi. Hai bên đã báo cáo tổ chức nhưng chưa kịp làm lễ cưới thì anh Chủng nhận nhiệm vụ vào chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Một lá thư chị gửi đề ngày 20/4/1972 thông báo họ đã có con trai. Lá thư cuối cùng chị gửi cho chồng ngày 15/5/1972, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Chị viết: "Cầm bút biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ… Em bận lắm, vừa thu hoạch mùa vừa huấn luyện để sẵn sàng đối phó với địch. Cho em và con gửi lời thăm sức khỏe tới các anh trong đơn vị. Em và con gửi anh cái hôn trìu mến! Biển Khơi".

Không rõ anh Chủng nhận được lá thư này của vợ trong điều kiện nào. Có thể trên đường hành quân vào Thành cổ, cũng có thể sau một trận đánh ác liệt, hoặc trước một cuộc phản công dữ dội của quân thù… Có điều chắc chắn anh đã đọc nó không chỉ một lần, rồi nâng niu gói kỹ trong túi nilon cất vào xắc cốt, sau đó anh viết cho vợ lá thư cuối cùng, lá thư anh chưa kịp gửi đã cùng anh đi vào lòng đất: "Anh ra đi, nếu có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc, thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản… Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của người lính chiến đấu. Nếu anh có chết thì em nhớ nói cho con nghe về người cha của nó mà nó chưa bao giờ nhìn thấy. Em cố gắng giữ bức thư này cho đến ngày thống nhất nếu anh còn về với mẹ con em. Nếu không, bức thư này em sẽ giữ nó mãi mãi cho tới khi con khôn lớn, em sẽ trao lại cho con".

Lá thư viết bằng dự cảm

"Toàn thể gia đình kính thương… Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất"… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ… Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…".

Đó là những dòng đầu trích trong lá thư chưa kịp gửi của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư, khóa 13, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày ấy, anh Huỳnh là sinh viên ngành hầm cầu nên khi vào chiến trường Quảng Trị, anh được phân công chiến đấu đưa bộ đội và hàng hóa qua sông Thạch Hãn. Không biết anh Huỳnh và những sinh viên cầm súng ra trận như anh được bổ sung vào Thành cổ đợt thứ mấy, bởi trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa ấy, mỗi ngày một đại đội bơi qua sông và mỗi ngày một đại đội không bao giờ còn quay về. Anh Huỳnh đã viết bức thư cuối cùng cho gia đình, cho người vợ thân yêu vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, khi sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng. Bức thư anh viết vội và chưa kịp gửi, có lẽ quân địch lại đến giội bom và nã pháo. Thư được viết bằng những dự cảm kỳ lạ mà sau 30 năm, đọc những dòng thư ấy người ta vẫn chưa hết kinh ngạc.

Thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh.

Anh biết trước mình sẽ "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất" nhưng anh viết thư với một tâm thế bình tĩnh đến lạ lùng. Giữa những con chữ lặng im ấy, chợt nhận ra khí phách của một người lính bất khuất: "Em ạ, chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em bao nhiêu tình thương yêu trìu mến… Thật là chỉ vừa mới gặp đã mãi mãi xa nhau… Nhưng em đừng buồn, nếu có điều kiện hãy đi bước nữa, theo anh thì em nên làm như vậy vì em còn trẻ lắm. Khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh… Nếu có điều kiện hãy vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm về thôn Nham Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn…".

Ngày ấy, anh Huỳnh là sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách khoa, chị Đặng Thị Xơ là cô dân quân 22 tuổi xinh đẹp. Đầu năm 1972, nhân dịp nghỉ Tết, anh chị làm đám cưới. Cưới được 3 ngày thì anh Huỳnh lên trường học tiếp. Sang năm 1972, chiến tranh ngày càng khốc liệt, Nhà nước phát lệnh tổng động viên. Giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam thời ấy, anh Huỳnh hăng hái lên đường vào Nam. Trước ngày nhập ngũ, anh được về thăm nhà nên ở bên chị thêm ba ngày nữa.

Chị, người phụ nữ bình dị và rất đỗi phi thường, người làm vợ chưa đầy một tuần nhưng cả đời chị đã sống thủy chung, ân tình với cả người còn và người mất. Sau ngày đất nước thống nhất, chị đi nhiều lần vào Quảng Trị tìm anh nhưng không thấy. Gia đình khuyên chị không nên tìm nữa vì anh nằm đâu cũng trên quê hương Việt Nam mình nhưng chị không nản. Cuối cùng, ngày 28/10/2002, chị đã tìm được anh.

Chiến trường xưa giờ đã là bãi sắn mênh mông của người nông dân chất phác tên Hậu. Biết có người đến tìm mộ, anh Hậu mang ra hai tấm bia, trong đó có một tấm khắc tên liệt sỹ Lê Văn Huỳnh trên tấm tôn. Sau nhiều ngày đào bới, ba ngôi mộ được đưa lên, những ngôi mộ nằm giữa ba hố bom cày xới. Hơn 30 năm kiếm tìm, người vợ ấy đã lặng lẽ ôm nắm xương chồng với da diết nhớ thương.

"Vì sao các bạn chiến thắng"

Những người vợ chiến sỹ Thành cổ mà tôi đã gặp, đã ngồi bên các chị lặng yên, lắng nghe kỷ niệm của các chị dội về và càng thương, yêu, khâm phục các chị hơn khi các chị tâm sự rằng các chị còn hạnh phúc vì đã tìm được các anh, còn có biết bao người vợ, người mẹ khác đã không tìm được chồng, con mình, các anh đã "Hóa tuổi đôi mươi thành sóng nước".

Những ngày tháng Bảy, cả nước quặn lòng hướng về Quảng Trị, một mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng có kỷ lục về số nghĩa trang liệt sỹ: 72 nghĩa trang tít tắp mộ bia và nghĩa trang thứ 73 - dòng sông Thạch Hãn. Những ngày tháng Bảy cũng là thời điểm những người lính Mỹ năm xưa trở lại thăm Quảng Trị nhiều hơn. Những cựu chiến binh Mỹ khi được nghe người dân Quảng Trị kể rằng "Không có nơi đâu như mảnh đất này, người dân lúc mở móng làm nhà, mở đường, thông rãnh nước hay be bờ ruộng đều chuẩn bị thêm vài cỗ tiểu sành, nhang đèn, bởi chắc chắn khi đặt nhát cuốc vào đất hẳn thế nào cũng gặp hài cốt người lính Thành cổ". Thế nên hầu hết người Thành cổ, ngoài ban thờ ông bà tổ tiên, bên mỗi góc sân đều có thêm am thờ vọng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất đau thương này.

Khi được dịch những lá thư đang trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, những cựu chiến binh Mỹ đều bật khóc và thốt lên: "Đến bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng. Vì các bạn đã biết trước tất cả và sẵn sàng hy sinh tất cả. Những người lính Mỹ chúng tôi không làm được như các bạn". Và từ lặng im của đất đai, quá khứ vẫn kể lại những câu chuyện của hôm qua một cách bi tráng và tràn đầy yêu thương

 

                                                                         Theo CAND

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục