Trong những ngày tác nghiệp tại vùng “rốn lũ” tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, phóng viên Báo CAND đã ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về người dân, các em học sinh, sinh viên… tại các “rốn lũ” cùng với lực lượng Công an, Quân đội, lực lượng cứu hộ nỗ lực gia cố đê bao, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân trong mùa lũ. Trong đó, nhiều người dân đã không tiếc công sức, tài sản của mình, chung sức cùng với chính quyền địa phương tập trung hộ đê, cứu lúa.

Công an tỉnh Đồng Tháp và người dân nỗ lực hộ đê, cứu lúa.

Chuyện gia đình nông dân hy sinh sà lan cứu lúa

Nước lũ lên cao, sức công phá hết sức dữ dội muốn bẻ gãy bờ đê, nhấn chìm cả hàng trăm héc ta lúa ở cánh đồng Thi Sơn (xã Tân Thành A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, một gia đình nông dân đã không ngần ngại bỏ cả chiếc sà lan trị giá hàng trăm triệu đồng để chắn đoạn đê đang bị sức công phá dữ dội của nước lũ trên bờ kênh Bắc Viện, giảm áp lực nước lũ đang ào ạt tuôn vào đồng, giúp lực lượng cứu hộ đắp thêm bao cát, gia cố đê bao để cứu lúa.

Đó là gia đình ông Hồ Văn Đực (68 tuổi, thường gọi là ông Bảy Đực, ấp Thi Sơn). Giữa trưa nắng gắt, hai vợ chồng ông bà Bảy đang tất bật hướng dẫn mọi người bơi cát vào sân, để tiếp tục gia cố thêm các đoạn đê bao xung yếu trên bờ kênh Bắc Viện. Cát được hút từ dưới mương Chín Kheo, bơm thẳng vào khoảng sân trống trước nhà đã được đắp bạt, quanh tròn mở một lối thoát ra phía sau hầm cá cho nước chảy vào. Theo đó, nước được xả thẳng ra phía sau và cát được đọng lại từng lớp trên sân để các CBCS Công an tỉnh Đồng Tháp xúc vào bao, chuyển đến điểm tập kết để gia cố đê bao.

Bà Nguyễn Thị Hơn (60 tuổi, vợ ông Bảy Đực) bộc bạch: “Phải bỏ ao cá thôi. Nước cát vô sẽ làm cạn ao, cá chết. Nhưng điều cần thiết nhất bây giờ là phải tập trung cứu lúa với người dân. Mất cái gì tui cũng chịu, miễn cứu được đê là tốt rồi”. Góp thêm vào lời vợ, ông Bảy Đực nói một cách khảng khái: “Mình xuất thân là nông dân nên việc gì có ích cho người làm nông là tôi làm”.

Phóng viên Báo CAND trao đổi với bà Hơn (vợ ông Bảy Đực), gia đình đã không tiếc tiền bạc cùng chính quyền và bà con ấp Thi Sơn cứu lúa.

Anh Hồ Văn Côn (con trai ông Bảy Đực), người trực tiếp lái chiếc sà lan của gia đình lao vào bít đoạn đê vỡ nhớ lại: “Khi phát hiện, chỗ đê bị vỡ lúc đầu chỉ bể một lỗ mọi, nhưng do lực nước quá mạnh nên chỗ bị bể cứ lớn dần hơn 3m. Theo đó, nước trên kênh tràn nhanh vào ruộng. Lúc đó, tôi chỉ biết nếu không có vật gì chắn ngang qua đoạn đê bị vỡ thì chẳng mấy chốc, cả cánh đồng trước mặt sẽ là mênh mông nước. Bao nhiêu công sức, tiền bạc của bà con cũng sẽ trôi theo con nước dữ”.

Theo nhiều người dân địa phương, năm nào cũng vậy, hễ đến mùa nước lũ, gia đình ông Bảy Đực ai ấy cũng rất nhiệt tình trong việc chung sức với người dân bảo vệ đê bao, không tiếc tài sản của gia đình để phục vụ cứu đê mà không cần sự yêu cầu của bất cứ ai.

Ông Trần Quốc Hội - Chủ tịch xã Tân Thạnh A chia sẻ: “Từ nhiều ngày nay, gia đình bà Bảy cũng đã dốc toàn lực, tài sản, phương tiện của gia đình, xe máy cày, ao cá, sà lan… để hỗ trợ cùng với lực lượng cứu hộ tham gia bảo vệ lúa của người dân. Giúp lực lượng cứu hộ rất nhiều trong việc gia cố đê bao để bảo vệ lúa”.

Và thầy trò chung sức chống lũ

Trưa 1/10, trên quốc lộ 30, hàng trăm giáo viên và học sinh lớp 12 huyện Hồng Ngự đang rất khẩn trương cùng với lực lượng cứu hộ nỗ lực gia cố đê bao, bảo vệ hơn 2.600 héc ta lúa vụ 3 của người dân ở 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Người cầm bao, người xúc cát đổ vào. Cột miệng bao, từng tốp giáo viên, học sinh nhanh chóng đỡ lên vai, chuyển đến nơi tập kết để hộ đê.

Xen lẫn trong không khí đang rất khẩn trương, là những tiếng cười rộn rã của các em học sinh chốc chốc lại vang lên xua tan đi những mệt nhọc, căng thẳng. Dù vất vả, cực nhọc nhưng các em vẫn nhiệt tình, hồ hởi tham gia. Bài học “giúp dân”, có lẽ với các em học sinh và giáo viên trong những ngày cùng nhân dân chống lũ, cứu lúa là bài học thiết thực và sinh động nhất trong hoàn cảnh này.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Thanh Danh - Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: “Từ ngày 29/9, gần 700 cán bộ giáo viên, học sinh lớp 12 của huyện sau khi có thông báo nghỉ học, đã tập trung xuống giúp người dân hộ đê, cứu lúa. Các thầy cô và giáo viên chia ca, thay phiên nhau làm việc cùng với các lực lượng cứu hộ và người dân. Ai nấy đều làm việc trong tinh thần nhiệt huyết, dốc sức gia cố đê bao, cứu lúa cùng với người dân”.

Cũng trong đợt lũ này, hơn 200 sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng được tăng cường xuống các “rốn lũ” tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp để cùng với người dân nỗ lực gia cố đê bao, bảo vệ tài sản cho người dân vùng lũ.

 

                                                                  The Báo CAND

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục