(HBĐT) - Anh Bạch Công Học, xã Tú Sơn (Kim Bôi) được cử đi học theo chính sách cử tuyển tại trường Đại học GTVT, tốt nghiệp năm 2008. Sau khi tốt nghiệp, do chưa được bố trí việc làm, anh tự tìm việc làm lao động tự do. Năm 2011, anh làm hợp đồng phụ trách giao thông - thuỷ lợi tại UBND xã Tú Sơn. Đến tháng 3/2016, anh có quyết định tuyển dụng vào chức danh công chức địa chính - xây dựng - môi trường - đô thị UBND thị trấn Bo (Kim Bôi), được phân công phụ trách địa chính - môi trường. Sau 8 năm tốt nghiệp đại học theo chế độ cử tuyển, anh Bạch Công Học mới được bố trí, sắp xếp việc làm.
Cùng ở xã Tú Sơn, anh Bùi Văn Vũ, xóm Trẹo được cử đi học theo chính sách cử tuyển tại trường Đại học Lâm nghiệp, khoa Lâm sinh niên khoá 2002-2007. Năm 2008 anh nhận bằng tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, anh ở nhà chờ bố trí, sắp xếp công việc nhưng không được. Năm 2009 anh làm hợp đồng tại Lâm trường Lạc Sơn, đến năm 2011 nghỉ ở nhà làm kinh tế gia đình. Năm 2015 anh được bà con trong xóm tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Anh Vũ chia sẻ: Đến nay đã gần 10 năm tốt nghiệp nhưng tôi vẫn chưa có việc làm. Thời gian chờ đợi khá dài, tôi chỉ tự tìm việc làm thêm và làm kinh tế gia đình, cũng không rõ lý do vì sao chưa được tuyển dụng nên mong muốn được tỉnh, huyện quan tâm bố trí, sắp xếp để tôi có việc làm ổn định.
Đồng chí Bùi Mạnh Thởm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Kim Bôi cho biết: Qua nắm thông tin, Kim Bôi là một trong những huyện có khá đông đối tượng được cử đi học theo chế độ cử tuyển. Những năm 2011, 2012, 2013, mỗi năm huyện có chừng 10 suất học cử tuyển. Về việc bố trí, sắp xếp việc làm cho những người đi học theo chế độ cử tuyển được huyện quan tâm. Trên thực tế, có những trường hợp sau khi tốt nghiệp họ tự xin đi làm việc nơi khác. Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí, sắp xếp việc làm cho những đối tượng này. Đối với huyện thực hiện bố trí, sắp xếp việc làm cho những trường hợp Sở Nội vụ có danh sách gửi về huyện để huyện bố trí, sắp xếp việc làm.
Cụ thể trong giai đoạn 2012 - 2015, huyện tiếp nhận danh sách 6 trường hợp, đến nay đều đã được tuyển dụng. Các trường hợp này tốt nghiệp từ các trường Đại học Lâm nghiệp, Bách khoa, Xây dựng, GTVT, Công nghiệp Thái Nguyên. Trong đó có 2 trường hợp biên chế công chức huyện, 1 người làm việc tại Phòng NN &PTNT, 1 người làm việc tại Phòng Kinh tế hạ tầng, còn 4 trường hợp biên chế công chức xã, thị trấn, gồm 1 kế toán UBND xã Nuông Dăm, 1 công chức địa chính - môi trường UBND thị trấn Bo, 1 công chức địa chính -xây dựng UBND xã Bắc Sơn, 1 công chức văn phòng UBND xã Đông Bắc. Theo đồng chí Bùi Mạnh Thởm, qua theo dõi, chất lượng sinh viên cử tuyển của huyện khá tốt. Nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học xếp loại khá. Về cơ bản các em được bố trí làm việc đúng với chuyên ngành đào tạo. Một số ít trường hợp không hẳn phù hợp nhưng đều tiếp cận được với công việc.
Mặc dù vậy, có thể thấy thực tế không phải các sinh viên hệ cử tuyển ngay sau khi tốt nghiệp đều được bố trí việc làm mà phải chờ đợi thời gian khá dài. Thời gian đó họ phải tự tìm việc là lao động tự do hoặc ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông nghiệp, làm kinh tế gia đình. Cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thì đối với người đi học, gia đình họ cũng phải chi phí để nuôi ăn học, sau khi tốt nghiệp không có việc làm thực sự là lãng phí cho bản thân người học theo chế độ cử tuyển và sự đầu tư của Nhà nước. Đối với huyện Kim Bôi, ngoài trường hợp Bùi Văn Vũ còn có trường hợp Bùi Thu Thảo ở xã Cuối Hạ tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng dân dụng cũng chưa được bố trí, sắp xếp việc làm.
Đồng chí Bùi Mạnh Thởm, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết thêm: Huyện đã xây dựng đề án vị trí việc làm, qua đó xác định vị trí nào thiếu huyện đăng ký cử đối tượng đi học. Đây là cơ sở để bố trí, sắp xếp việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp, khắc phục tình trạng sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường không biết bố trí, sắp xếp vào đâu do đã đủ các vị trí việc làm hoặc chuyên ngành đào tạo không đúng với vị trí cần tuyển dụng. Năm 2015, huyện đăng ký 4 chỉ tiêu cử tuyển các chuyên ngành tư pháp, kiến trúc, y và có 3 chỉ tiêu được các trường gọi sinh viên nhập học.
Hà Thu
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, học sinh không cần thi mà tích lũy điểm để xét tốt nghiệp.
Trừ vị trí giảng dạy và nghiên cứu, các cơ quan công quyền và doanh nghiệp không nên lấy tiêu chuẩn bằng cấp cao làm điều kiện bổ nhiệm, cất nhắc.
(HBĐT) - Kính gửi: Các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động, doanh nhân, các hộ gia đình trong tỉnh; các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Theo thống kê của Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đến nay, 100% UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã xây dựng, duy trì 1.011 tủ sách pháp luật. Tủ sách được đặt ở nơi dễ tiếp cận như: Văn phòng UBND xã, nhà văn hóa xã, bưu điện văn hóa xã… mỗi năm thu hút trên 5.000 lượt người đến khai thác phục vụ công tác chuyên môn và sản xuất, kinh doanh.
(HBĐT) - Để thiết thực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường, được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, Ban vận động, quyên góp ủng hộ “Quỹ Khuyến học” tỉnh xây dựng và phát động quyên góp, ủng hộ quỹ năm 2017. Phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh về vấn đề này.
(HBĐT) - Phường Hữu Nghị được lựa chọn thực hiện điểm việc xây dựng “Cộng đồng học tập cấp xã”. Đến nay, theo đánh giá của Phòng GD&ĐT và Hội Khuyến học thành phố, phường Hữu Nghị được xếp loại khá với 82/100 điểm. Kinh nghiệm triển khai thực hiện ở phường Hữu Nghị đang được thành phố Hòa Bình nhân rộng ra các địa bàn.