Trước tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, Chính phủ đã vào cuộc, yêu cầu các bộ, ngành liên quan ngồi lại để có các giải pháp mới thiết thực, cụ thể, để giải quyết từ gốc rễ vấn đề.
Vấn đề không của riêng Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, bạo lực học đường là vấn đề không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới.
Trên thực tế, đây là vấn đề mà rất nhiều quốc gia phải đối mặt, ngay cả ở những nước phát triển như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…
Tại Nhật Bản, trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng, thậm chí khiến học sinh phải tự tử, năm 2013, nước này ra Luật Phòng chống tình trạng bắt nạt. Theo đó, mỗi trường học phải thành lập một chính sách, tổ chức ngăn ngừa bắt nạt và phải báo cáo về các vụ bắt nạt học đường.
Tại Australia, ngày thứ Sáu thứ ba của tháng Ba hàng năm được quy định là "Ngày hành động quốc gia phòng chống bắt nạt và bạo lực học đường.” Đây là dịp để các trường phổ thông của Úc gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề phòng chống bạo lực học đường.
Tại Phần Lan, nơi được đánh giá là có nền giáo dục tốt nhất thế giới, cũng diễn ra tình trạng bắt nạt tại trường học. Các nhà giáo dục Phần Lan đã đưa ra chương trìnhKiva để phòng chống việcbắt nạtvà được áp dụng hiệu quả tại hơn 90% số trường phổ thông của nước này. Điểm mấu chốt của phương pháp này là giúp học sinh nhận thức được sự nguy hiểm của việc bắt nạt, từ đó trở thành người bảo vệ nạn nhân và nói không với bắt nạt học đường. Được triển khai từ năm 2007, phương pháp này đã giảm tới 40% số vụ bắt nạt học đường tại Phần Lan ngay trong năm đầu tiên và sau đó được triển khai ở nhiều quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về tình trạng bạo lực học đường.
Hàn Quốc có các chương trình tư vấn cho các nạn nhân bạo lực học đường, huấn luyện cho giáo viên, phụ huynh để họ có thể xử lý các vụ bắt nạt. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền, tư vấn, đưa ra các giải pháp về vấn đề bạo lực học đường. Đài truyền hình EBS của nước này phát động chiến dịch mang tên "Hope in class”, kêu gọi học sinh, sinh viên tham gia một bài hát, điệu nhảy về phòng chống bạo lực học đường và chia sẻ video khi hoàn thành. Chiến dịch đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn trường học với hơn 5 triệu học sinh, sinh viên.
Tại New Zealand cũng xảy ra tình trạng bạo lực học đường. "Tuy nhiên, bạo lực chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh, việc giáo viên đánh học sinh gần như không xảy ra," ông Chris Henderson, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nghề nghiệp, Đại học Waikato, New Zealand, chia sẻ.
Đây cũng là điểm khác của vấn đề bạo lực học đường ở Việt Nam so với thế giới, khi các nước đa số chỉ phải tập trung vào tình trạng bắt nạt giữa các học sinh ở trường học.
Những giải pháp mới
Tại Việt Nam, trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng và trầm trọng hơn, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải cùng vào cuộc giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhiều giải pháp nhằm hạn chế bạo lực học đường đã được ngành giáo dục triển khai tích cực thời gian qua, tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn các giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một loạt các động thái để tìm giải pháp mới như phối hợp với các bộ ngành liên quan, ký kết hợp tác với đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm…
Ngày 4/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc họp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm đề xuất một số giải pháp trong phòng chống bao lực học đường.
Tại cuộc họp, năm nhóm giải pháp chung về các thể chế, chính sách thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã được hai bộ này đưa ra. Thứ nhất là cần bổ sung và đưa ra các giải pháp chung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thứ hai là tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương. Thứ ba là trách nhiệm của người lớn ở mô hình nhà trường-gia đình-xã hội trong bảo vệ trẻ em. Thứ tư là giải pháp chung đối với việc tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật. Thứ năm là giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục cho các em.
Bên cạnh đó, có giải pháp riêng đối với từng cấp học. Bậc giáo dục mầm non cần tăng cường đạo đức nhà giáo, kinh nghiệm xử lý tình huống và các biện pháp tâm lý. Đối với trung học cơ sở và trung học phổ thông cần có tư vấn tâm lý học đường, nghiên cứu để triển khai hiệu quả các chỉ thị, văn bản… tới từng cơ sở giáo dục.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì thực hiện chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó trọng tâm là phòng, chống bạo lực trẻ em trong trường học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh giáo dục pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em, giáo dục đạo đức; trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh thông qua tổ tư vấn tâm lý, các diễn đàn, tọa đàm; quảng bá về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong trường học.
Hai bộ sẽ phối hợp tập huấn năng cao năng lực cho cán bộ quản lý các sở giáo dục và đào tạo, sở lao động, thương binh và xã hội các tỉnh thành phố trong triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Các bộ này cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an thống nhất quy trình phối hợp trong việc phát hiện, xác minh, hỗ trợ và xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em trong trường học…
Ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục.
Theo đó, hai bộ sẽ cùng phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp trong ngành giáo dục, đặc biệt không để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự trường học, an toàn của cán bộ, nhà giáo và người học.
Hợp tác quốc tế để chống bạo lực học đường
Cuối tháng Ba vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình EBS Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ phối hợp truyền thông phòng chống bạo lực học đường, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh sinh viên Việt Nam.
Theo đó, Đài Truyền hình giáo dục EBS sẽ cung cấp các chuyên gia, kịch bản và các ấn phẩm truyền thông liên quan cho Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục, Kênh VTV7, của Đài truyền hình Việt Nam. Kênh VTV7 tổ chức sản xuất, Việt hóa và hoàn thiện các sản phẩm đủ điều kiện để phát sóng.
Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Đài Truyền hình giáo dục EBS tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để giới thiệu các mô hình, phương pháp phòng chống bạo lực học đường, giáo dục đạo đức, lối sống hiệu quả của Hàn Quốc cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, phụ trách công tác học sinh sinh viên trong các cơ quan quản lý giáo dục, trường học của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng sau khi các nội dung này được triển khai sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Những kinh nghiệm hay, những chương trình truyền thông tốt sẽ được phía Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam, được truyền thông rộng rãi, góp phần tạo chuyển biến trong công tác phòng chống bạo lực học đường, giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục.
Trước đó, vào tháng Một, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, nhằm giảm áp lực cho giáo viên.
Sau khi vào trường tiểu học đánh hai học sinh, ông Nguyễn Phi Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, Gia Lai đã xin thôi giữ các chức vụ trong Đảng.