Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang xác định một số người có chức vụ quyền hạn tại Sở GD-ĐT và Công an tỉnh đã tiếp tay cho hành vi gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để trục lợi.
Mở rộng điều tra vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, hôm qua (8.4), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã quyết định khởi tố 3 bị can. Trong số này, bà Triệu Thị Chính (51 tuổi), Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điều 358 bộ luật Hình sự 2015. Bà Chính là Phó chủ tịch hội đồng, Trưởng ban Chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, người trực tiếp điều hành tổ xử lý bài thi trắc nghiệm là nơi được xác định phát sinh các hành vi gian lận điểm thi.
Cơ quan An ninh điều tra công bố quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Văn Khuông; Bị can Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính (ảnh nhỏ)
Một phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang khác là ông Phạm Văn Khuông(60 tuổi) cũng bị khởi tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi được quy định tại điều 366 bộ luật Hình sự 2015. Cùng bị khởi tố về tội danh này còn có bà Lê Thị Dung (50 tuổi), cựu Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang). Trước khi bị khởi tố, bà Dung đã bị tước quân tịch.
Cả 3 bị can nêu trên đều được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Liên quan vụ án này, hồi tháng 7.2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đồng thời, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, là Trưởng và Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Như Thanh Niên phản ánh, sau khi điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang được công bố, dư luận đặt ra hàng loạt nghi vấn gian lận điểm thi khi ở khối thi A1, Hà Giang có 36 bài thi đạt trên 27 điểm, trong khi cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Như vậy, Hà Giang (với 5.000 thí sinh) chiếm tới gần một nửa số bài thi đạt trên 27 điểm của cả nước.
Kết quả chấm thẩm định lại các bài thi do đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành ngay sau đó cho thấy, 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định. Kết quả này cũng cho thấy có những thí sinh tại Hà Giang có thể trở thành thủ khoa ở các trường đại học thực chất chỉ được 1, 2 điểm, thậm chí 0,75 điểm. Với việc công nhận kết quả chấm thẩm định thay thế cho kết quả công bố trước đó, có ít nhất hơn 100 thí sinh không chỉ trượt đại học mà còn trượt cả kỳ thi THPT vì bị điểm liệt, bởi có 102 bài thi môn toán còn 1 điểm, 56 bài thi môn hóa chỉ được 0,75 điểm.
Quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan An ninh điều tra xác định Vũ Trọng Lương đã có hành vi tự ý mở khóa niêm phong để lấy các bài thi trắc nghiệm rồi sửa chữa đáp án. Điều tra ban đầu cũng cho biết đã có nhiều tin nhắn gửi số báo danh thí sinh và mức điểm đến số điện thoại cá nhân của ông Lương. Trong khi đó, bị can Nguyễn Thanh Hoài được xác định đã đưa chìa khóa phòng chứa các bài thi để ông Lương "đột nhập” và tiến hành việc gian lận điểm thi.
Theo phản ánh của không ít phụ huynh Hà Giang cũng như thu thập thông tin của Thanh Niên cho thấy trong số những thí sinh được nâng điểm đã có trường hợp người nhà của lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Trong đó có con của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Khuông vừa bị khởi tố.
Sau khi vào trường tiểu học đánh hai học sinh, ông Nguyễn Phi Việt, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, Gia Lai đã xin thôi giữ các chức vụ trong Đảng.