(HBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, diện mạo trường học thay đổi rõ rệt. Khuôn viên nhà trường được cải tạo với bồn hoa, cây cảnh, vườn rau, vườn quả xanh tốt. Khu thư viện ngoài trời được thiết kế đẹp mắt, các khu rèn luyện thể chất với nhiều thiết bị vận động trò chơi... lôi cuốn học sinh tham gia đọc sách, luyện tập thể thao, chăm sóc cây, hoa. Tất cả đã tạo nên một môi trường học tập sinh động, đổi mới, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.


Mô hình "Thư viện thân thiện" của trường TH&THCS Kim Tiến, xã Kim Tiến (Kim Bôi) giúp học sinh đam mê đọc sách, thích thú đến trường. 

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” đã được tập huấn, triển khai và áp dụng đối với 100% trường học trên địa bàn tỉnh. Đã có 9/11 huyện đăng ký mô hình đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, 31/230 đơn vị đăng ký mô hình đổi mới sáng tạo cấp huyện, 230/230 đơn vị đăng ký triển khai mô hình đổi mới sáng tạo cấp trường, cụm trường. Mỗi đơn vị triển khai 1 đến 2 nội dung thực sự phù hợp với địa phương và nhà trường, đăng ký với Sở GD&ĐT, đáng lưu ý là có nhiều đơn vị đăng ký 3, 4 mô hình. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) cốt cán trong toàn tỉnh; tổ chức trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng về việc xây dựng thư viện trường học thân thiện; tập huấn cách thức tổ chức hoạt động câu lạc bộ, đổi mới tiết sinh hoạt cuối tuần, dạy học tích hợp, dạy học phát triển năng lực, dạy đọc hiểu… Đồng thời, tổ chức giới thiệu, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu như: đổi mới tiết sinh hoạt cuối tuần (trường Tiểu học Mường Chiềng, Đà Bắc), tổ chuyên môn tự chủ, sáng tạo (trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Hòa Bình), xây dựng không gian ngoài lớp học (trường Tiểu học A Ngọc Lương, huyện Yên Thủy), thư viện xanh thân thiện (trường Tiểu học & THCS Kim Tiến, huyện Kim Bôi), hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc (trường TH & THCS B Hang Kia, huyện Mai Châu)…

 Ngoài việc nhân rộng các mô hình, 100% huyện, thành phố tổ chức tốt Ngày hội cho học sinh tiểu học. Các hoạt động đều chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm gắn với thực tiễn, duy trì bản sắc văn hóa địa phương. Các trường làm tốt công tác giáo dục học sinh, đưa các nội dung giáo dục vào từng tiết học, từng hoạt động ngoài giờ lên lớp và các giờ học trải nghiệm để các em hiểu rõ hơn cuộc sống xung quanh, nâng cao hiểu biết về cuộc sống, có kỹ năng sống tốt hơn. Nhờ vậy mà học sinh thêm yêu trường lớp, có ý thức học tập, rèn luyện và cùng gia đình ứng dụng những điều học được vào cuộc sống. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục năng khiếu, kỹ năng sống của học sinh được củng cố, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và nhân dân trên địa bàn.

Đánh giá về hiệu quả phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học” tại bậc học tiểu học trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết thêm: Các Phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, định hướng chỉ đạo lựa chọn các mô hình đổi mới, sáng tạo sát thực tế, quan tâm đến chất lượng, tập trung vào người học. Đội ngũ CBQL nhiều đơn vị rất sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các mô hình và các hoạt động. Năng lực của CBQL, GV được nâng lên và linh hoạt trong công tác quản lý chỉ đạo và tổ chức các hoạt động (đặc biệt đội ngũ Hiệu trưởng các trường liên cấp). Học sinh hào hứng khi được tham gia các hoạt động đổi mới gắn với trải nghiệm thực tế, chia sẻ với các bạn, thầy cô; được tiếp cận nhiều cơ hội rèn các kỹ năng cơ bản, nền tảng, được trải nghiệm để áp dụng trong thực tế hàng ngày. Địa phương, phụ huynh đã ủng hộ một cách tự nguyện, nhiệt tình từ vật chất tới tinh thần… 

Các nhà trường đã thực hiện hiệu quả phương châm "Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, các nội dung đổi mới gắn với định hướng đổi mới giáo dục, bám sát chủ đề năm học "An toàn – sáng tạo – hiệu quả”, hạn chế tính hình thức. Các trường tiếp tục điều chỉnh xây dựng và hoàn thiện dần mô hình phù hợp gắn với hoạt động giáo dục thực tiễn cuộc sống như: Trường học vườn rau, trường học thư viện, trường học ẩm thực, trường học sinh thái, trường học gắn với việc bảo tồn các di tích lịch sử, trường học nông trại, trường học gắn với phát triển du lịch... giúp học sinh có gắn kết, thực hành, trải nghiệm, định hướng trong học tập và cuộc sống.

Trong thời gian tới, phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học” sẽ tiếp tục được Sở GD&ĐT triển khai tập trung vào các nội dung như: Xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đổi mới dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế. Đồng thời ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, học tập  suốt đời.

 Dương Liễu

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục