Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng cho các loại hình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) gồm: Đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, đào tạo cho người đã có bằng ĐH, tuyển sinh đào tạo đặt hàng, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non.
Điểm đặc biệt trong quy chế này chính là Bộ GD&ĐT đã bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực...).
Theo đó, quy chế quy định cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện sau: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.
Đặc biệt yêu cầu các trường tổ chức thi riêng phải có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi.
Bộ cũng yêu cầu các trường phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan; có đề án tổ chức thi tuyển sinh; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.
Với những điều kiện trên, những cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, thi văn hóa, năng khiếu… để tuyển sinh hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng năm nay hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Bộ sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng diểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Trường hợp thí sinh đăng ký sử dụng kết quả học tập để xét tuyển vào các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược thì điểm học bạ trung bình tối thiểu là 8,0 trở lên.
Đối với các ngành: Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.
Ngoài 2 ngành Y khoa và Sư phạm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo khác sẽ do các trường tự quy định trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh của mình. Các trường ĐH có trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của mình với cơ quan quản lý và xã hội, với người học.
Quy chế cũng quy định thẩm quyền của Bộ GD&ĐT không áp dụng Quy chế này trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, địch họa... và các trường hợp bất khả kháng khác và không được trái quy định của pháp luật.
Các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi, môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).
Quy chế cũng quy định trong trường hợp số thí sinh trúng tuyển (với 2 ngành Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng) không đủ điều kiện để tổ chức lớp học thì nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết (không trái quy định của pháp luật) hoặc báo cáo Bộ GD&ĐT để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Theo Baotintuc.vn