Sở GD&ĐT Hà Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai sắp xếp ca học giãn cách; bố trí ăn trưa, sinh hoạt tập thể đảm bảo không tập trung nơi đông người; kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp; tiến hành khử khuẩn vào 2 ngày cuối tuần đảm bảo môi trường cho học sinh trở lại.
Hà Nội cũng là một trong những nơi có quyết định muộn nhất về thời điểm học sinh trở lại trường. Học sinh cấp THCS đến đại học trở lại trường từ ngày 4/5, học sinh các cấp còn lại đến trường từ ngày 11/5.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trước khi cho học sinh đi học trở lại, nhà trường phối hợp tổ chức vệ sinh khử khuẩn trường, lớp học. Có phương án giãn cách và bảo đảm sức khỏe cho học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên theo hướng dẫn của ngành y tế.
Sở GD&ĐT cũng đưa ra hàng loạt các quy định chi tiết để đảm bảo an toàn trường học.
Cụ thể, các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như: Kiểm tra hệ thống cấp nước, thau rửa bể chứa nước, đủ nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt... Phục vụ học sinh và cán bộ giáo viên khi trở lại trường học. Tập huấn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh và xử lý tình huống để thực hiện và hướng dẫn cho học sinh khi các em trở lại trường học. Bố trí giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người, chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế.
Nhà trường phải theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường đảm bảo giãn cách theo quy định.
Trường đảm bảo tiêu chí của Bộ mới được hoạt động trở lại
Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Với 15 tiêu chí áp dụng cho trước - trong và sau khi học sinh học tập ở trường.
Trong bộ tiêu chí này, có 7 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường. Đó là việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học, chú ý đến các yếu tố liên quan đến người khuyết tật. Ví dụ, việc đảm bảo về thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch cho học sinh, cán bộ, giáo viên và người lao động trong nhà trường.
Nếu cơ sở giáo dục nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là "thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: 100% học sinh, cán bộ, giáo viên phải thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường. Thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường. Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.
Việc đảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà; 100% học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ, là hai tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch.
Mỗi tiêu chí có 2 mức độ đánh giá là "Đạt” và "Không đạt". Trường học được đánh giá "Đạt” từ 11 tiêu chí trở lên, trong đó phải có các tiêu chí về việc 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường, trong quá trình học tập tại trường.
Trường học được đánh giá "Đạt” từ 8 đến 10 tiêu chí, trong đó phải có các tiêu chí được xếp loại "thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại”.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục này cần kiểm tra định kỳ để khắc phục những hạn chế ở các tiêu chí không đạt. Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ "thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Theo Baotintuc.vn