Cán bộ Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học huyện Cao Phong trao đổi nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập.
Thắp sáng tinh thần hiếu học trong mỗi gia đình
Trong ngôi nhà bình dị của ông Nguyễn Xuân Hiền, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), không gian trân quý nhất là góc làm việc có trưng bày bộ sưu tập trên 700 chiếc ảnh Bác Hồ, được ông cẩn thận sắp xếp vào những cuốn sổ lưu niệm. Ở góc làm việc này, ông thường đọc sách, kể chuyện cho các cháu nghe. Kể nhiều nhất, đọc nhiều nhất là những câu chuyện về Bác Hồ, được minh họa chân thật bằng những tấm ảnh ông dày công tìm tòi, lưu giữ từ tháng 6/2002 đến nay. Những buổi quây quần như thế càng làm khăng khít hơn tình ông cháu, hơn nữa, còn thắp sáng tinh thần hiếu học trong gia đình - tinh thần đã được nối truyền từ thế hệ ông bà, bố mẹ và đến thế hệ các con, cháu.
Ông Nguyễn Xuân Hiền thuộc lớp thanh niên đầu tiên về Hòa Bình tham gia xây dựng công trình thủy điện thế kỷ. Khắc sâu lời dạy của Bác về tinh thần hiếu học, thanh niên Nguyễn Xuân Hiền đã không ngừng học tập, rèn luyện và có những năm tháng cống hiến đầy nhiệt huyết cho quá trình xây dựng thủy điện Hòa Bình. Đến khi về hưu, năm 1999, ông lại là hạt nhân nòng cốt tham gia thành lập Hội hưu trí Tổng Công ty Sông Đà tại Hoà Bình, làm Trưởng Ban liên lạc của Hội từ đó đến nay. Cùng với công tác hưu trí, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng, đóng góp tích cực vào phong trào khuyến học (KH) của khu dân cư.
Bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) TP Hòa Bình cũng đang dày công vun đắp tinh thần hiếu học trong các gia đình thuộc địa bàn thành phố. Bằng cách tham gia công tác khuyến học (KH), 5 năm qua, bà đã nhiệt tình đóng góp công sức, trí tuệ cho hoạt động KH của địa phương. Bà cho biết: Đến nay, tổ chức KH đã lan tỏa đến hầu khắp các khu dân cư, dòng họ, nhà trường, đơn vị vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp thuộc địa bàn thành phố. 100% xóm, tổ dân phố có chi HKH. Toàn thành phố có 19 HKH xã, phường với 214 chi HKH xóm, tổ dân phố và 9 ban KH trực thuộc, tổng số hội viên 33.304 người. Với mạng lưới tổ chức phát triển rộng khắp, công tác KH được tăng cường, nhiều phong trào được đẩy mạnh góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học, tạo nền tảng vững chắc để thành phố chung tay xây dựng XHHT.
Phát huy vai trò của những hạt nhân tiêu biểu
Trên phạm vi toàn tỉnh, tinh thần hiếu học đang được thắp sáng trong các gia đình và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự vào cuộc của toàn xã hội. Nhìn lại gần 25 năm hình thành và phát triển HKH tỉnh có thể thấy, với mạng lưới rộng khắp, đội ngũ cán bộ bản lĩnh, giàu nhiệt huyết của công tác KH đã đóng vai trò là những hạt nhân tiêu biểu cùng thắp sáng tinh thần hiếu học trong cộng đồng, tạo ra sức mạnh nội sinh để toàn tỉnh xây dựng XHHT.
Ông Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch HKH Việt Nam, Chủ tịch HKH tỉnh đã gắn bó với công tác KH gần 25 năm. Trong vai trò là Chủ tịch HKH tỉnh từ khi thành lập đến nay, hơn ai hết, ông hiểu rõ tầm quan trọng của công tác KH cũng như vai trò hạt nhân kiến tạo của tổ chức HKH các cấp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.330 tổ chức HKH ở tất cả các cấp. Trong đó, 10 HKH cấp huyện (đạt 100%); 151 HKH xã, phường, thị trấn (đạt 100%); 1.482 chi hội thôn, xóm, bản, tổ dân phố (đạt 100%); tổng số ban KHcủa các đơn vị, trường học, doanh nghiệp là 2.687 ban. Số lượng hội viên HKH đã lên đến 219.225 người, chiếm khoảng 25,5% dân số. Toàn tỉnh có 76.948 "Gia đình học tập”, 969 "Dòng họ học tập”, 931 xóm, bản được công nhận "Cộng đồng học tập” cấp thôn; 397 đơn vị ở cơ sở do xã quản lý được công nhận "Đơn vị học tập”, "Cộng đồng học tập”; cấp xã có 101 xã, phường, thị trấn xếp loại tốt...
"Đó là những hạt nhân tiêu biểu đang cùng nhau thắp sáng tinh thần hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ; đồng thời, tạo thành mạng lưới KH rộng khắp để xây dựng tỉnh trở thành một XHHT. Nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ai cũng được học tập suốt đời” - ông Quách Thế Tản nhấn mạnh.
Cả xã hội chung tay hành động
Thông qua các phong trào KH, mạng lưới KH toàn tỉnh đã vận động được hàng nghìn gia đình, hàng vạn cán bộ, Nhân dân không ngừng học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu quốc gia về xây dựng XHHT. Trong 5 năm gần đây, nhờ số học bổng và phần thưởng các cấp HKH trao tặng, đã có hàng chục nghìn học sinh nghèo được tạo điều kiện tiếp tục đến trường. Từ Quỹ KH, các cấp HKH đã trao tặng 38.580 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó với số tiền 17,9 tỷ đồng; trao 294.779 suất quà cho học sinh giỏi với số tiền 57,4 tỷ đồng; khen thưởng, hỗ trợ giáo viên 14.356 suất với số tiền 2 tỷ đồng. HKH tỉnh đã trao 193 phần thưởng cho công chức, viên chức, người lao động sáng tạo với số tiền 195,5 triệu đồng...
Đặc biệt, nhìn lại 8 năm thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 có thể thấy, thành quả tốt đẹp toàn tỉnh đạt được chính là sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, hiệu quả của hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng hướng tới mục tiêu chung. Các địa phương đã thi đua thực hiện phong trào KH, khuyến tài, trọng tâm là xây dựng "Gia đình học tập”, "Dòng họ hiếu học”, "Đơn vị học tập”, "Cộng đồng khuyến học”… Đây là các mô hình đã được phát động ngay từ những năm đầu thành lập HKH tỉnh, vài năm nay tiếp tục được phát triển mạnh mẽ và đi vào thực chất bởi được lồng ghép hiệu quả với các nguồn lực phát triển KT-XH.
Theo UBND tỉnh, 8 năm qua, kinh phí xây dựng XHHT không chỉ bó hẹp trong ngân sách Nhà nước để thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020, mà còn được huy động hiệu quả từ nguồn xã hội hóa giáo dục, lồng ghép qua kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí thực hiện nhiều chương trình, dự án liên quan. Hàng năm, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh đều ban hành kế hoạch xây dựng XHHT; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT, các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng XHHT, chú trọng phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục, thiết chế giáo dục đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân. Chính sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho hàng trăm nghìn lượt người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cấp, mọi trình độ…
"Ai cũng được học hành” - ham muốn tột bậc của Bác Hồ khi xưa đang dần trở thành hiện thực, khi toàn tỉnh chung tay hành động để kiến tạo nên một "ngôi trường chung”, một ngôi trường xã hội rộng lớn mà trong đó, mỗi "công dân học tập” là một học sinh, mỗi "cộng đồng học tập” là một lớp học, và cơ hội học tập suốt đời được trao cho tất cả mọi người.
Thu Trang