Đại diện Sở Công Thương, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đà Bắc và UBND xã Đồng Chum thăm quan mô hình chiếu sáng học đường tại trường tiểu học Đồng Chum (Đà Bắc).
Dự án mô hình chiếu sáng học đường tại trường tiểu học Đồng Chum (Đà Bắc) mới được bàn giao, đưa vào sử dụng là một trong những công trình như vậy. Thầy Nguyễn Đức Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ: "Trong những năm qua, vì nhiều điều kiện, nhà trường chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chiếu sáng đảm bảo giữ gìn đôi mắt cho học sinh. Tuy ánh sáng tại các phòng học được bố trí đầy đủ, nhưng chưa chú ý đến chất lượng ánh sáng. Sau khi mô hình chiếu sáng học đường lắp đặt tại trường, các thầy, cô nhận thấy giá trị tích cực như: Chủ trương tiết kiệm năng lượng; ý nghĩa của việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh, nhất là phòng, chống các bệnh về mắt. Ưu điểm của mô hình là ánh sáng chiếu đều đến tất cả học sinh; học sinh nhìn lên bảng không bị lóa sáng. Từ mô hình, với lượng năng lượng điện được tiết kiệm, nhà trường cũng sẽ tiết kiệm các chi phí hoạt động để lắp đặt thêm các phòng học ánh sáng chưa đảm bảo.
Chia sẻ thông tin về dự án, kế hoạch triển khai, nhân rộng mô hình cũng như các chương trình tiết kiệm năng lượng khác, đồng chí Phan Minh Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280, ngày 13/3/2019, đây là chương trình đồng bộ để thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bao gồm trong đó có các cơ chế, chính sách cũng như các cam kết, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Đối với tỉnh ta, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung vào thực hiện các giải pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng, vận động cộng đồng sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Đối với mô hình chiếu sáng học đường tại trường tiểu học Đồng Chum, căn cứ đặc điểm các phòng học, qua nghiên cứu, tính toán với sự tư vấn của đội ngũ kỹ thuật Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, mỗi phòng học lắp đặt 9 bộ đèn chiếu sáng lớp học loại CSLH/20Wx1 SS và 2 bộ đèn chiếu sáng bảng loại CSBA 1200/18W SS (6 phòng học được lắp đặt).
Đây là sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện có tính đồng bộ cao, tối ưu hóa các thông số điện, quang và tuổi thọ của đèn, dễ lắp đặt, thay thế và an toàn khi sử dụng, hạn chế các chất độc hại. Chất lượng ánh sáng đảm bảo cho môi trường học tập. Sau khi lắp đặt, qua đo các thông số cho thấy độ rọi trung bình đạt 370 lux đối với lớp học, 571 lux đối với bảng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng chiếu sáng (theo TCVN 7114-2008). Đèn bố trí thả trần triệt tiêu loáng quạt, sấp bóng.
Đồng chí Bùi Xuân Hưng, Phó phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Qua khảo sát của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp cho thấy, phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt chuẩn về chiếu sáng. Các trường hiện chủ yếu sử dụng thiết bị chiếu sáng dạng đèn huỳnh quang T10, chấn lưu sắt từ gây tiêu hao điện năng lớn, nhưng hiệu quả phát sáng không cao. Cơ bản các đèn lắp sát trần, không có chao chụp nên ánh sáng không tập trung trên bàn học sinh. Thậm chí nhiều phòng bóng huỳnh quang được lắp ngay phía trên quạt trần, gây hiện tượng loáng quạt, mắt học sinh phải điều tiết liên tục. Một số nơi, đèn huỳnh quang được lắp hai bên tường, giảm hiệu suất phát quang, hoặc được lắp ở tường cuối lớp, gây hiện tượng sấp bóng.
Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình chiếu sáng học đường tại trường tiểu học Đồng Chum sẽ là mô hình trực quan sinh động, là điểm nhấn về phòng học đạt tiêu chuẩn ánh sáng, từ đó để các trường thăm quan, học tập kinh nghiệm, là cơ sở để nhân rộng ra các cấp trường học (tiểu học, THCS, THPT, mầm non) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Hồng Duyên