(HBĐT) - "Học kỳ (HK) I năm học 2021 - 2022 là khoảng thời gian đầy áp lực đối với công tác giảng dạy của nhà trường, vì chúng tôi phải ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Mọi điều kiện đã sẵn sàng để tổ chức thi HK I thì địa bàn phát hiện các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, phải tạm hoãn việc kiểm tra trực tiếp.


Để đảm bảo tiến độ năm học, các trường chưa tổ chức thi học kỳ I chủ động dạy kiến thức học kỳ II theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Học sinh trường TH&THCS Hùng Sơn (Lương Sơn) học trực tuyến.

 Chưa kiểm tra được trực tiếp trong khi chưa đủ điều kiện để kiểm tra trực tuyến, chúng tôi đành bỏ lửng công tác đánh giá chất lượng HK I và từ ngày 27/12, triển khai dạy học kiến thức của HK II. Đây là diễn biến chưa từng có, buộc nhà trường phải chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình...” - đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Nguyệt Chi, Hiệu trưởng trường TH&THCS Nhuận Trạch (Lương Sơn) cũng là trăn trở của nhiều đơn vị, trường học phải chịu áp lực từ dịch Covid-19.

Chưa thi được học kỳ I

Trường TH&THCS Nhuận Trạch có 27 lớp, 873 học sinh. Thời gian 5 tuần trở lại đây, diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường nên nhà trường phải dừng dạy học trực tiếp, chuyển sang hình thức trực tuyến để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch (PCD) vừa triển khai được nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trường TH&THCS Nhuận Trạch, cũng như các trường học thuộc "vùng nóng” của huyện Lương Sơn phải chịu áp lực dồn lên công tác chuẩn bị kiểm tra đánh giá chất lượng HK I; chưa tổ chức kiểm tra học kỳ đồng nghĩa với việc chưa thể hoàn thành nhiệm vụ học kỳ. Nhà trường đã báo cáo Phòng GD&ĐT huyện để chờ hướng dẫn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lương Sơn có 43 trường công lập với 770 lớp học do Phòng GD&ĐT huyện quản lý. Ngoài ra, có 1 trường mầm non tư thục, 5 cơ sở mầm non tư thục. Trước áp lực rất lớn dồn lên năm học 2021 - 2022, ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện đã đôn đốc các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh. Theo đó, các trường xây dựng kế hoạch, chú trọng tính linh hoạt, sáng tạo và bám sát tình hình. Tuy nhiên, thực tế có những phát sinh, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp nên đến thời điểm này, nhiều trường chưa hoàn thành nhiệm vụ HK I vì chưa thể tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng cuối kỳ. Trong lúc chờ thời điểm có thể thi trực tiếp, các trường chủ động triển khai kế hoạch học tập của HK II theo hình thức trực tuyến.

Cần thích ứng với từng tình huống, cấp độ dịch

Trên phạm vi toàn tỉnh, với tổng số 532 đơn vị, trường học; 18.348 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 231.064 học sinh, sinh viên, sức ép đang dồn lên công tác PCD của ngành GD&ĐT. Vào thời điểm này của năm học trước, các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ HK I và bước vào HK II. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù đã chuẩn bị các phương án vừa học vừa ứng phó với PCD ngay từ đầu năm học, nhưng đến thời điểm sắp thi HK I tình hình dịch bệnh phức tạp, nên nhiều trường chưa tổ chức trực tiếp được, trong khi phương án kiểm tra trực tuyến chưa thể triển khai. 

Đối với các nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ HK I. Để có thể tổ chức thi cuối kỳ một cách an toàn, hiệu quả, các trường đều nỗ lực vượt khó, tranh thủ "thời gian vàng” để tổ chức thi trực tiếp. Điển hình như trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Hòa Bình). Theo cô Hà Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao, ngay sau khi học sinh quay trở lại trường học ngày 15/12, trường đã tổ chức thi HK I trong 2 ngày 16 - 17/12. Trước đó, trong thời gian 21 ngày tổ chức học trực tuyến, trường đã hướng dẫn ôn tập đầy đủ, có kế hoạch kiểm tra gửi tới phụ huynh học sinh. Nhờ sự kết nối thường xuyên, linh hoạt, hiệu quả giữa nhà trường với phụ huynh, trường đã chủ động triển khai được các nhiệm vụ trong HK I, việc tổ chức thi cuối kỳ cũng được triển khai đảm bảo kế hoạch với tinh thần chủ động, sẵn sàng thích ứng.

"Chủ động, thích ứng” cũng chính là tinh thần cốt lõi để các đơn vị, trường học phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Theo định hướng của Sở GD&ĐT, trong thời gian tới, các đơn vị, trường học cần tiếp tục phát huy tinh thần "chủ động, thích ứng” để vừa đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác PCD, vừa triển khai được các nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.


Thu Trang

Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục