Theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2 sẽ tới trường học trực tiếp. Hiện công tác chuẩn bị đón học sinh đã được các trường học cơ bản hoàn tất. Nhiều phụ huynh và học sinh cũng phấn khởi, háo hức cho ngày trở lại trường.
Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN
Trường học đã sẵn sàng
Ngay sau khi có "lệnh”, các trường học đã khẩn trương triển khai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, đồng thời lên phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi học sinh học tập trực tiếp tại trường. Nhiều trường học đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường tổ chức vệ sinh, phun khử khuẩn. Các trường trung học cơ sở cũng đã sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, bảo đảm việc tổ chức dạy học song song theo hai hình thức: Dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 6 và dạy học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 7 trở lên.
Theo đánh giá mức độ dịch mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, huyện Quốc Oai có xã Đại Thành còn ở mức độ dịch cấp độ 3. Để chuẩn bị cho công tác đón học sinh đi học trở lại vào ngày 8/2, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai đã xin ý kiến Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của huyện, chỉ đạo các trường khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để vừa đón học sinh tới trường học trực tiếp, vừa triển khai dạy trực tuyến cho học sinh thuộc xã Đại Thành.
Theo ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, toàn huyện có 23 trường trung học cơ sở, 4 trường trung học phổ thông công lập, 1 trường trung học phổ thông ngoài công lập và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hiện các trường đã hoàn tất việc vệ sinh, khử khuẩn, đồng thời đã xây dựng phương án, kịch bản để ứng phó với các tình huống phát sinh của dịch COVID-19 khi học sinh tới trường học trực tiếp. Với địa bàn xã Đại Thành là "vùng cam”, Phòng đã chỉ đạo các trường linh hoạt trong công tác giảng dạy, không để việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Toàn bộ các trường đã chuẩn bị sẵn sàng từ cơ sở vật chất đến phương án cụ thể để đón học sinh, đồng thời gửi thông báo và đăng tải đầy đủ thông tin về việc học sinh chuẩn bị đến trường cũng như khi ở trường để phụ huynh nắm rõ, yên tâm cho con đi học”, ông Nguyễn Khắc Thắng cho biết thêm.
Các thông tin liên quan đến tổ chức dạy học cho học sinh các trường Trung học cơ sở cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy gửi tới các trường trên địa bàn. Trong đó, bên cạnh việc yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, các điều kiện bắt buộc đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận còn đề nghị các trường phải có hướng dẫn cho học sinh trong những ngày đầu quay trở lại trường học. Các trường cần giúp học sinh làm quen, tăng cường các hoạt động tương tác, giao lưu, tạo điều kiện để các em hứng thú khi học trực tiếp.
Các trường tranh thủ thời gian vàng học trực tiếp để tổ chức ôn tập, củng cố, đánh giá chất lượng kết quả học tập giai đoạn giảng dạy trực tuyến, đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 9, chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Bên cạnh đó, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch vừa tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời dạy học trực tuyến đối với những học sinh không thể đến trường học tập trực tiếp, không để bất cứ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Việc đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã được Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) nghiêm túc chuẩn bị. Toàn bộ công tác diễn tập các tình huống phòng, chống dịch đã được nhà trường triển khai trước Tết. Trong ngày 7/2, nhà trường sẽ tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ các lớp học và khuôn viên trong trường.
"Để việc dạy và học không bị ảnh hưởng bởi các tình huống phát sinh của dịch, nhà trường đã triển khai lắp camera và máy tính tại tất cả 59 lớp học. Các giáo viên, học sinh không thể đến trường dạy và học trực tiếp do là F0, F1… vẫn tham gia các hoạt động của lớp học bằng hình thức trực tuyến”, ông Hoàng Minh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân chia sẻ.
Phụ huynh, học sinh phấn khởi, đồng tình
Sau một thời gian dài học trực tuyến để phòng, chống dịch, thông tin UBND thành phố Hà Nội cho phép học sinh trở lại trường từ ngày 8/2 đã nhận được sự đồng tình và những ý kiến tích cực của các phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc cho học sinh tới trường trong thời điểm số ca F0 tại Hà Nội còn cao không có nghĩa là liều lĩnh, bất chấp mà đó chính là sự cần thiết để tránh cho học sinh những hệ lụy lâu dài về sức khỏe tâm sinh lý, quan trọng nhất là cả nhà trường và gia đình cùng trang bị kiến thức phòng, chống dịch cho các con.
Chị Trần Thu Giang (quận Cầu Giấy) chia sẻ, cả chị và con gái đang học lớp 9 đều mong tới ngày con được đến trường học trực tiếp. Ngay từ trước Tết, chị đã cùng con kiểm tra lại đồ dùng học tập, sách vở, mua thêm các vật dụng phòng, chống dịch COVID-19.
"Biết con chỉ học 1 buổi tại trường nên gia đình tôi đã thống nhất người đưa đón con, đảm bảo việc phòng chống dịch từ nhà đến trường và ngược lại. Tôi cũng đã chuẩn bị cho con 1 bình nước uống cá nhân, khẩu trang, nước sát khuẩn nhỏ gọn để con mang theo khi đi học”, chị Thu Giang cho biết.
Anh Bùi Văn Tiến Dũng có con học lớp 7 tại Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) cũng cho biết, anh và gia đình hoàn toàn yên tâm khi cho con đến trường.
"Giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi thông báo rằng trường đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để đón học sinh đi học, trong đó có cả những phương án xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà trường và gia đình, mọi tình huống sẽ được xử lý phù hợp và không gây xáo trộn cho học sinh”, anh Tiến Dũng chia sẻ.
Sự háo hức, mong chờ ngày đến trường cũng thể hiện rõ trên gương mặt của em Lại Khánh Vy (lớp 8A2 Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân). Em Khánh Vy chia sẻ, em và các bạn đã hình dung lại những tiết học trên lớp như trước đây và rất háo hức chờ mong.
"Việc học trực tiếp chắc chắn sẽ vất vả hơn nhưng em thấy rất cần thiết bởi học ở nhà quá lâu cũng khiến em bắt đầu thấy lỏng lẻo kiến thức, lại có tâm lý ngại tiếp xúc, giao lưu. Từ hôm mùng 5 Tết, giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin động viên khiến cả lớp háo hức hơn”, em Khánh Vy cho biết.
Để chuẩn bị cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 8/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức buổi diễn tập phương án đón học sinh tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) từ ngày 22/1. Ngay sau buổi diễn tập, Sở đã chỉ đạo toàn bộ các trường học trên địa bàn thành phố hoàn thành việc diễn tập trước Tết Nguyên đán, chú trọng khâu xử lý tình huống khi phát hiện F0 trong trường học.
Trước những băn khoăn của một số phụ huynh về việc học sinh từ 12 - 18 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 vì nhiều lý do khác nhau thì có được đến trường học trực tiếp cùng các bạn đã tiêm hay không, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, việc cho con em đi học trực tiếp là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, phụ huynh nên cho con tiêm vaccine nhưng trên cơ sở tự nguyện. Trường hợp vì lý do khách quan khác nhau mà chưa tiêm sẽ không ảnh hưởng tới việc được tới trường học trực tiếp cùng các bạn. Những học sinh không thể tới trường học trực tiếp, nhà trường vẫn linh hoạt các hình thức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Việc dạy trực tiếp tại lớp hoàn toàn có thể kết nối trực tuyến tới tận nhà học sinh, đảm bảo trẻ có quyền bình đẳng về học tập và tiếp nhận kiến thức.
Căn cứ thông báo của UBND thành phố về đánh giá cấp độ dịch COVID-19, Hà Nội còn 9 đơn vị cấp xã, phương có mức độ dịch ở cấp độ 3. Như vậy, các trường học ở địa bàn này vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến; các trường học ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2 dạy học trực tiếp đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Qua báo cáo nhanh, các nhà trường đã cơ bản hoàn thiện các điều kiện đón học sinh, bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn theo quy định; có phương án ứng phó, chuyển trạng thái dạy học khi cần thiết với tinh thần cố gắng ở mức cao nhất để việc dạy học không bị gián đoạn và bảo đảm an toàn cho học sinh. Ngày 7/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ rà soát một lần nữa công tác chuẩn bị đón học sinh của các đơn vị, trường học trước khi học sinh tới trường.
Theo TTXVN
Ngày 5/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Văn bản số 320/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 5/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký Văn bản số 320/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19
100% các cơ sở giáo dục đại học lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại học tập trực tiếp trong tháng 2; 63/63 tỉnh, thành phố lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 14/2.
Trong năm qua, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn hàng ngày, hàng giờ nỗ lực đưa tri thức đến với học sinh, bằng nhiều cách thức khác nhau để việc học không bị gián đoạn.
(HBĐT) - Tết này rất đặc biệt đối với gia đình em Lường Thị Cảnh ở xóm Lang, xã Yên Hòa (Đà Bắc). Mọi người đến chơi, ai cũng phấn khởi chúc mừng Cảnh - cô bé nhà nghèo kiên trì trong suốt 12 năm đèn sách để nuôi ước mơ trở thành sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân với tương lai tươi sáng, vượt lên trên những nhọc nhằn, lam lũ của miền quê nơi vùng cao còn nhiều khó khăn.
(HBĐT) - Lễ khai giảng năm học mới của trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hòa Bình (CĐKTCNHB) và Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Hòa Bình (CĐKTKTHB) diễn ra đặc biệt hơn so với những ngôi trường khác. Bởi dưới mái trường này, ngoài việc đào tạo nghề cho những sinh viên Việt Nam còn đào tạo nghề cho những người bạn đến từ xứ sở của đất nước Triệu Voi.