(HBĐT) - Tết này rất đặc biệt đối với gia đình em Lường Thị Cảnh ở xóm Lang, xã Yên Hòa (Đà Bắc). Mọi người đến chơi, ai cũng phấn khởi chúc mừng Cảnh - cô bé nhà nghèo kiên trì trong suốt 12 năm đèn sách để nuôi ước mơ trở thành sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân với tương lai tươi sáng, vượt lên trên những nhọc nhằn, lam lũ của miền quê nơi vùng cao còn nhiều khó khăn.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) được hỗ trợ máy tính để tiếp tục học tập tốt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhà Cảnh thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện Đà Bắc 70 km. Nhà nghèo, bố mẹ đều làm nông nghiệp với nguồn thu bấp bênh nên điều may mắn nhất đối với em là được theo học trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS&THPT huyện Đà Bắc từ năm lớp 6. Suốt 7 năm gắn bó với mái trường, những học sinh như Cảnh luôn nhận được sự chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo. Đặc biệt trong năm học 2020 - 2021, Lường Thị Cảnh và các bạn khối 12 là lứa học sinh đầu tiên của trường tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các em nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo. Về phía nhà trường, xác định đây là "bước ngoặt cuộc đời" đối với lứa học sinh thân yêu nên nhà trường đã dồn nhiều tâm huyết hỗ trợ các sĩ tử. Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Điều quan trọng là duy trì tốt nề nếp nội trú - yếu tố then chốt giúp các em khối 12 có ý thức học tập và rèn luyện, quyết tâm chinh phục Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Được thầy, cô truyền động lực, bản thân Lường Thị Cảnh và các bạn hạ quyết tâm học tập thật tốt trong năm cuối cùng khối THPT, đặc biệt dồn lực trong 3 tháng cuối ôn thi tốt nghiệp. Kết quả là lớp 12 khóa 2019 - 2021 đã tạo dấu ấn đặc biệt cho trường PTDTNT THCS&THPT huyện Đà Bắc khi có nhiều thí sinh đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cá nhân Cảnh vinh dự nằm trong top đầu toàn quốc các thí sinh đạt điểm cao nhất tại tổ hợp C00 với tổng điểm 3 môn là 27 điểm. Trong đó, môn văn đạt 9,25 điểm, môn địa lý 9 điểm, môn lịch sử 8,75 điểm. Ngoài ra, điểm trung bình 3 môn toán, tiếng Anh, giáo dục công dân của Cảnh là 7,85. Đây là kết quả thi phản ánh đúng thực lực cũng như sự cố gắng của cô nữ sinh nghèo, khép lại một chặng đường 12 năm đèn sách, mở ra cánh cửa Học viện Cảnh sát Nhân dân cùng tương lai ngời sáng đang chào đón cô học trò giàu nghị lực.
"Ước mơ của cháu là trở thành nữ cảnh sát chính trực và bản lĩnh” - Lường Thị Cảnh tâm sự. Hai chữ "ước mơ” của cô học trò nghèo khiến tôi phấn chấn lạ thường! Thiết nghĩ, người lớn thường phải dốc tâm sức vào công việc để kiếm tiền đầu tư cho con cái ăn học. "Nghèo đến mấy cũng phải cho con đi học” - Từng đồng đóng học phí cho con đến trường chất chứa bao nhiêu mồ hôi, công sức của cha mẹ. Vì thế, "học phí” vun đắp nên những ước mơ của con không phải là những đồng tiền vô nghĩa, mà là tình yêu thương, là niềm tin tưởng, là sự kỳ vọng của cha mẹ đặt trọn vẹn vào con cái. Những ước mơ căng tràn sức sống của thời đại, tự do như gió, bát ngát như trời xanh, vươn tới những tương lai rạng rỡ…
Đồng chí Quản Văn Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc đã có gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Đà Bắc nên hiểu rất rõ từng khó khăn, thách thức chi phối chất lượng giáo dục của vùng đất này cũng như quyết tâm, ý chí của thầy và trò khi cùng nhau vượt khó chinh phục hành trình gieo con chữ - gặt ước mơ. "Trên hành trình đó, sự thành công của học trò chính là những bông hoa đẹp nhất tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chúng tôi, đồng thời, cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình gieo con chữ trên những vùng đất còn nhiều gian khó” - đồng chí Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc chia sẻ.
Năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học tiếp tục hành trình "gieo con chữ - gặt ước mơ".
Trên phạm vi toàn tỉnh, bức tranh giáo dục vùng khó đang ngày càng khởi sắc nhờ tinh thần hiếu học được thắp sáng qua bao thế hệ và sự chung tay vun đắp của cả cộng đồng. Quan tâm đặc biệt đến những mầm non tương lai của tỉnh nhà, công tác khuyến học, khuyến tài đã tiếp thêm sức mạnh để hàng chục nghìn học sinh nghèo vượt khó tiếp bước trên con đường học tập và chinh phục những ước mơ. Cả hệ thống chính trị, cùng đông đảo tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã chung tay hỗ trợ các em. Theo đó, nhiều phong trào ý nghĩa như "Ba đỡ đầu”, "Tiếng trống khuyến học”… đã được triển khai rộng khắp toàn tỉnh. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong nhà trường, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Thống kê 5 năm gần đây, riêng hệ thống Hội Khuyến học các cấp đã huy động được trên 123 tỷ đồng và trao tặng 46.197 suất học bổng, 342.376 suất phần thưởng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và rèn luyện. Chỉ tính riêng nguồn Quỹ Khuyến học, các cấp Hội đã trao tặng 38.580 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trị giá 17,9 tỷ đồng; trao 294.779 suất quà cho học sinh giỏi trị giá 57,4 tỷ đồng…
Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi: Chất lượng giáo dục vùng khó mặc dù chưa theo kịp vùng thuận lợi nhưng ngành GD&ĐT đã xây dựng lộ trình phấn đấu, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó theo từng năm, từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2030, toàn ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số (DTTS); Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 21/5/2021 của BTV Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDTNT, PTDTBT. Trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, toàn ngành chú trọng triển khai các giải pháp đầu tư cho giáo dục vùng khó, từng bước giảm sự chênh lệch giữa giáo dục vùng khó và vùng thuận lợi, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 63% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia trở lên. Trong đó, trường mầm non đạt 70% trở lên, trường tiểu học đạt 85% trở lên, trường THCS, TH&THCS đạt 65% trở lên, trường THPT, THCS&THPT đạt 35% trở lên; riêng các trường PTDTNT đạt khoảng 90%. Đó sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển đáng ghi nhận của giáo dục Hòa Bình.
Thu Trang
(HBĐT) - Sáng 21/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 959). Đồng chí Đặng Kim Sơn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở GD&ĐT tổ chức 2 đoàn công tác thăm, tặng quà chính quyền, người dân, học sinh 2 xã Giáp Đắt và Mường Chiềng (Đà Bắc). Đây là 2 xã đặc biệt khó khăn, được UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT giúp đỡ. Tham gia đoàn có đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; đại diện các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở; lãnh đạo một số đơn vị, trường học; đại diện trường THPT Việt Đức, TP Hà Nội.
(HBĐT) - Ngày 20/1, Sở GD&ĐT tổ chức tổng kết hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giao lưu giáo viên dạy giỏi tiết đọc thư viện cấp tiểu học (TH), năm học 2021 - 2022.
(HBĐT) - Những ngày đầu năm 2022, Hội Khuyến học (HKH) huyện Cao Phong vinh dự được đón bằng khen của T.Ư HKH Việt Nam và được ghi nhận là đơn vị xuất sắc trong thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2021, hội viên, tập thể trực thuộc Hội được nhận 5 bằng khen của T.Ư Hội, 154 giấy khen của tỉnh Hội và UBND các cấp. Tại hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2021, HKH huyện đã khen thưởng 498 đối tượng là gia đình/cộng đồng/dòng họ học tập tiêu biểu, cán bộ, công nhân, viên chức đỗ bằng thạc sĩ, sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp huyện, giáo viên, học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh thi đỗ vào các trường đại học…
Giáo dục và Đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Việc kéo dài học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, phát triển thể chất của học sinh.
(HBĐT) - Ngày 19/1, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch (PCD) trong các cơ sở giáo dục. Chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. Tại điểm cầu Sở GD&ĐT tỉnh, tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở TT&TT.