Trước ngày khai giảng năm học mới 2022 - 2023, tình trạng thiếu sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã diễn ra.


Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TTXVN

Khó mua sách theo Chương trình mới

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 học theo sách giáo khoa của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.  

Tại nhà sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trên phố Lý Thường Kiệt, chị N.T.N (Phố Trương Định, Hà Nội) đang đi tìm sách bài tập Giáo dục công dân. Chị T.N cho biết: "Đến đây tìm sách Giáo dục công dân và sách Sinh học lớp 10 cho con nhưng tôi vừa được nhân viên báo là hết sách”.  

Tại một số cửa hàng sách giáo khoa ở quận Thanh Xuân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), sách thiếu chủ yếu là: Sách Mỹ thuật lớp 3 của bộ sách Cánh diều; Sách Âm nhạc lớp 3 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Sách Công nghệ, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm lớp 7 của bộ sách Cánh diều. 

Nhiều phụ huynh chia sẻ phải đi 3, 4 nhà sách nhưng vẫn không gom đủ sách giáo khoa cho con. Tình trạng này còn diễn ra ở những vùng khác. 

Chị Minh Thuý (Nho Quan, Ninh Bình) cho biết: "Tôi chủ quan không đăng ký mua tại trường, nên giờ tôi đi đến 3, 4 nhà sách trong huyện vẫn chưa mua đủ cho con. Tôi nhờ người quen mua ở Hà Nội nhưng vẫn chưa có đủ sách".  

Tình trạng khan hiếm sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không phải lần đầu được nhắc đến. Trong khoảng hai tuần đầu tháng 8/2022, vấn đề này đã được dự báo ở các địa phương khi việc chọn tổ hợp môn lớp 10 diễn ra khá muộn và sẽ ảnh hưởng đến việc mua sách giáo khoa của học sinh. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này một lần nữa là "hiện thực" khi năm học mới cận kề. 

Vẫn duy trì đường dây nóng hỗ trợ phụ huynh  

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó đặc biệt lưu ý về sách giáo khoa cho học sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp trường, lớp học; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.

Trên thực tế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn duy trì đường dây nóng để hỗ trợ việc mua sách giáo khoa theo số điện thoại 0344181018 từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày, trong khoảng thời gian từ ngày 15/6 đến ngày 15/9/2022, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Trước đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đối với sách giáo khoa lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 theo chương trình hiện hành, đơn vị này đã hoàn thành in, nhập kho 55 triệu bản. Đối với sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 của chương trình giáo dục phổ thông mới, đến nay đã in, nhập kho được 46,8 triệu bản. Đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đã cung ứng tới các địa phương hơn 40 triệu bản sách.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bán sách giáo khoa các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 theo Chương trình phổ thông năm 2000 vẫn giữ như những năm học trước. Bảng giá sách giáo khoa các lớp được niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học cả nước và trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại địa chỉ www.nxbgd.vn.

Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.  

Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.

Trước thực tế này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bám sát các địa phương, nhà trường để nắm bắt cụ thể số lượng từng tên sách và số lượng cần cung ứng, đồng thời đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.

Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục