Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi bảo đảm nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Giờ học của học sinh Trường dân tộc nội trú huyện Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Duy Linh)
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục dân tộc. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú bảo đảm phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Việc sắp xếp phải bảo đảm nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với công tác tuyển sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú, bảo đảm tuyển chọn những học sinh ưu tú của các dân tộc thiểu số; Tổ chức xét duyệt học sinh bán trú trong các trường phổ thông dân tộc bán trú theo quy định, khách quan, công bằng, kịp thời.
Đối với việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số, các địa phương rà soát đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, phối hợp các trường đại học có phương án thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Các địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí mua sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số… Mặt khác, chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ (người dân tộc thiểu số) về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đúng, đủ kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện nghiêm túc chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, bảo đảm cử tuyển đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, khách quan, công khai, minh bạch. Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch cử tuyển của địa phương gắn với quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương, của vùng để bảo đảm người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.