Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, các tiết học giáo dục địa phương, các tiết học trải nghiệm được các trường phổ thông trên địa bàn Nghệ An xem như một môn học chính khóa và kỳ vọng sẽ tạo được sự hứng thú cho học trò bởi sự mới mẻ, gần gũi và thiết thực. Quá trình thực hiện, vượt lên những khó khăn, nhiều nhà trường cũng đã linh hoạt trong quá trình tổ chức.

Chú thích ảnh

Giờ học của học sinh trường THPT Hà Huy Tập, thành phố Vinh. Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN
Tiết học trải nghiệm, hướng nghiệp

Tại Trường Trung học Phổ thông Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, sau gần 3 tháng đưa môn trải nghiệm hướng nghiệp vào dạy học, giáo viên, học sinh đã bắt đầu làm quen và hào hứng với một môn học mới và cách học mới.

Với chủ đề đầu tiên của môn học là "Xây dựng nhà trường", thay vì chỉ học lý thuyết, từng lớp học sẽ xây dựng một clip riêng giới thiệu về trường của mình. Các clip được chia sẻ trên các fanpage và giáo viên sẽ đánh giá kết quả từ những lượt xem, chia sẻ. Hay với chủ đề "Trách nhiệm với gia đình", học sinh được nghe các bài hát về gia đình, được cô giáo bàn luận về vấn đề đạo làm con và một phần của tiết học học sinh được tranh luận, phản biện về vấn đề trách nhiệm của con cái với ông bà, bố mẹ. Thay vì né tránh, các em đã dám nói lên suy nghĩ của mình. Đây cũng là lúc các em được nói thật, được chia sẻ - những điều mà dường như chưa có ở các tiết học thông thường.

Cô giáo Lưu Thị Thanh Trà, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Mỗi tiết học thực sự là một trải nghiệm khác nhau và đem đến nhiều cảm xúc khác biệt. Vì vậy, để có một tiết học thành công, giáo viên cần có sự chuẩn bị kĩ trước khi tổ chức hoạt động, luôn linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức và phải lấy học sinh làm trung tâm. Các chủ đề mà chương trình đưa ra cũng rất thiết thực, gần gũi với tuổi học trò. Điều chúng tôi băn khoăn là nếu triển khai hiệu quả và lâu dài cần phải có kinh phí để tổ chức các hoạt động sân khấu hóa, có cơ sở vật chất đảm bảo để hỗ trợ quá trình dạy học (như tivi, mạng internet) và quan trọng hơn là giáo viên được đào tạo chính quy như các bộ môn khác. Trường đang khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, tự xây dựng kế hoạch dạy học theo mô đun của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành."

Năm học này là năm đầu tiên hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp theo chương trình GDPT mới 2018 được triển khai cho học sinh lớp 10. Khác với chương trình cũ, hoạt động trải nghiệm là hoạt động ngoài giờ lên lớp thì nay trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện với thời lượng 105 tiết/năm (3 tiết/tuần). Mặc dù là năm đầu tiên triển khai, bước đầu có những bỡ ngỡ nhưng đến thời điểm này việc tổ chức dạy học ở các nhà trường đã cơ bản đi vào ổn định và tạo được sự hứng thú với học trò.

Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh, cho biết: "Theo thời khóa biểu hiện nay, một tuần học sinh lớp 10 có 3 tiết trải nghiệm hướng nghiệp. Trong đó có 1 tiết tổ chức lồng ghép vào tiết sinh hoạt cuối tuần, một tiết tổ chức vào các buổi chào cờ và các tiết còn lại giáo viên sẽ dạy theo chủ đề ở sách giáo khoa. Trong quá trình dạy, giáo viên có thể sáng tạo điều chỉnh nội dung, hình thức các hoạt động để phù hợp với từng chủ đề, đối tượng học sinh và điều kiện, năng lực, sở trường của từng giáo viên."

Để các hoạt động trải nghiệm thú vị, nhiều trường cũng đã xây dựng kế hoạch cho những chuyến học tập thực tế, những chuyến trải nghiệm ngoài nhà trường. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, không phải trường nào cũng thực hiện được, đặc biệt là những trường học ở vùng sâu, vùng xa nếu không có sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh và nguồn lực về kinh tế.

Gặp "khó" vì phải dạy chay, học chay

Cùng với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chương trình giáo dục địa phương cũng là một môn học mới của Chương trình GDPT mới. Giáo dục địa phương cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông là môn học bình đẳng như các môn học khác với thời lượng 35 tiết/khối lớp, từ lớp 6 đến lớp 12. Trong khi đó, nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học được lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm với số tiết theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đó, để chuẩn bị cho Chương trình thay sách giáo khoa mới, Nghệ An đã thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định để chuẩn bị cho sách giáo khoa địa phương. Trong hai năm đầu tiên, Nghệ An đã xuất bản các cuốn sách giáo khoa địa phương cho các lớp 1,2,6. Tuy nhiên, đến năm học này, dù đã gần hết học kỳ 1, nhưng sách giáo khoa địa phương cho học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 vẫn chưa thẩm định xong, khiến việc tổ chức dạy học của nhiều trường gặp khó khăn.

Theo cô giáo Đoàn Thị Hiền, Trường Tiểu học Nam Thanh, huyện Nam Đàn: Nếu chưa có sách giáo khoa sẽ rất khó khăn cho giáo viên trong việc thiết kế bài dạy, trong truyền dạy cho học sinh. Thời gian qua, nhà trường phải tự tìm kiếm trên mạng và phải tự tìm tòi, sáng tạo để đưa vào bài học cho phù hợp, thậm chí phải đi hỏi các giáo viên khác. Quả thực, một môn học mới mà đang phải mày mò thì rất vất vả, khó khăn cho giáo viên và thiệt thòi cho học trò.

Dù là trường trọng điểm nhưng việc tổ chức dạy học môn giáo dục địa phương ở Trường Trung học Cơ sở Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương cũng khá vất vả. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Môn giáo dục địa phương được lồng ghép vào các môn như Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc, Lịch sử... Hiện nay, khi chưa có sách giáo khoa, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ động tìm hiểu nguồn tư liệu từ chính địa phương của mình. Ví dụ, môn Lịch sử có thể gắn với chiến thắng Truông Bồn, âm nhạc có thể gắn với dân ca ví giặm xứ Nghệ. Tuy nhiên, nếu có sách thì việc dạy học hiệu quả hơn.

Ở bậc Trung học Phổ thông, trong năm đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới dành cho học sinh lớp 10, các trường cũng đã bố trí chương trình địa phương theo đúng số tiết quy định. Nhưng hiện tại, vì chưa có sách giáo khoa, nên các trường chỉ dạy được gần 2 tháng đã phải tạm dừng để chờ sách giáo khoa chính thức.

Đầu tháng 11, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các trường sẽ dạy nội dung giáo dục địa phương từ học kỳ 2 bởi cần phải chờ rà soát lại tài liệu giáo dục địa phương sau khi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Điều này ít nhiều cũng khiến nhiều nhà trường lúng túng trong phân công giáo viên, triển khai kế hoạch dạy học, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu Chương trình GDPT mới đã đề ra.

Theo báo Tin tức

Các tin khác


Công đoàn ngành Giáo dục: Nhiều hoạt động hướng về công đoàn viên

(HBĐT) - Thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực hướng về công đoàn viên toàn ngành. Với chủ đề năm học 2022 - 2023 "Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, Công đoàn ngành chú trọng tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ)…

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 19/11, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Trường THCS Lê Quý Đôn kỷ niệm 50 năm thành lập và đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 giai đoạn 2021 - 2026

(HBĐT) - Ngày 19/11, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 - 2022), 50 năm thành lập trường (1972 - 2022), đón Bằng công nhận trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 giai đoạn 2021 - 2026 và bằng khen của Bộ GD&ĐT.

“Tôn sư trọng đạo”

(HBĐT) - Dân tộc Việt Nam có truyền thống "Tôn sư trọng đạo”. Truyền thống tốt đẹp đó trở thành đạo lý cao cả, thiêng liêng và bất biến dù ở trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày thể hiện đạo lý ngàn năm ấy.

13 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”

(HBĐT) - Tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La, Tỉnh Đoàn các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái phối hợp với Báo Tuổi trẻ vừa tổ chức Lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường năm 2022” cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục