Chỉ còn gần một tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra với hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Vì vậy, ngành giáo dục và các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Đắk Lắk) tham gia thi thử tốt nghiệp.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Đắk Lắk) tham gia thi thử tốt nghiệp.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đều tập trung tổ chức ôn tập, củng cố, trang bị kiến thức cho học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt kết quả cao nhất.

Ôn tập "nước rút”

Những ngày cuối năm học 2022-2023, thầy trò Trường THPT Giồng Giềng (tỉnh Kiên Giang) tập trung ôn tập "nước rút” chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Em Tô Hoài Nam, lớp 12A5, Trường THPT Giồng Giềng cho biết, chuẩn bị tham dự kỳ thi nên em cũng có một chút lo lắng, áp lực.

Tuy nhiên, để có điểm số cao nhất, em đã cố gắng vượt qua những lo lắng, áp lực, tập trung ôn tập các bài học. Ngoài đăng ký các môn thi xét tốt nghiệp THPT, em đăng ký thêm ba môn lấy điểm xét tuyển vào đại học. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp học bài, thời gian còn lại, em tập trung tự ôn tập tại nhà.

Theo thầy giáo Đàm Thanh Lạc, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Giềng, trường đã tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 từ tháng 4. Sau thời gian ôn tập các em trải qua kỳ thi thử do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tổ chức. Trên cơ sở kết quả thi thử, nhà trường khảo sát học lực của các em để bố trí lớp ôn tập, bảo đảm phù hợp năng lực và phù hợp tổ hợp đăng ký xét tuyển vào đại học của các em.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Huỳnh Văn Hóa cho biết, giữa tháng 5 vừa qua, địa phương đã tổ chức thi thử kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sau khi có kết quả thi thử, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phân tích, đánh giá, lên phổ điểm từng trường, từng môn học, từ đó mở hội nghị và có chỉ đạo ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh. Ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang cũng tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả quản lý, giáo viên; đa dạng hóa loại hình học tập để phù hợp tình hình học tập của học sinh.

Tại tỉnh Đắk Lắk, thầy giáo Phạm Văn Nhường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết, năm 2023, toàn trường có 245 học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh về công tác ôn tập, củng cố kiến thức cho các em theo hướng: Học kỳ 1 tập trung vào ôn tập củng cố chung, học kỳ 2 dần phân chia theo tổ hợp môn thi, theo năng lực của mỗi học sinh.

Ngoài ra, trường cũng tổ chức thi thử để các em củng cố kiến thức, làm quen định dạng đề và giúp nhà trường phân loại được năng lực học sinh, từ đó chia lớp ôn tập phù hợp.

Em Trần Thanh Tâm, lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ chia sẻ: Quá trình học tập, chúng em được các thầy, cô tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức thường xuyên cả trong và ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, các thầy, cô cũng giao các bài tập về nhà để học sinh chuẩn bị, tạo sự chủ động trong học tập; quá trình ôn tập gắn với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh làm quen với định dạng đề thi.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa, ngay từ đầu năm, ngành giáo dục đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tổ chức dạy học bảo đảm đúng quy định chuyển môn; rà soát các đối tượng học sinh, nhất là những em có năng lực tiếp thu kiến thức còn hạn chế hoặc có khó khăn để nhà trường có các biện pháp phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức ôn tập.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập cho các em bằng cả hai hình thức: trực tiếp và kết hợp trực tiếp với trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho các em vùng sâu, xa, không có điều kiện đến trường học trực tiếp.

"Chúng tôi đã phối hợp với một số nhà cung cấp phần mềm tổ chức thi trực tuyến miễn phí để các nhà trường hỗ trợ các em rèn luyện kiến thức, kỹ năng bước vào kỳ thi chính thức tự tin, đạt kết quả cao nhất”- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Đăng Khoa chia sẻ.

Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thi

Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi cũng được các địa phương, ngành giáo dục quan tâm. Thầy giáo Đàm Thanh Lạc cho biết, nhiều năm liền, Trường THPT Giồng Giềng là điểm thi của tỉnh cho nên, đến cuối tháng 5, nhà trường đã cơ bản hoàn thành rà soát cơ sở vật chất phòng học, nhà vệ sinh, hệ thống điện ánh sáng để bảo đảm tốt nhất cho kỳ thi.

Ngoài ra, nhà trường chuẩn bị phòng bảo quản đề thi, bài thi, có lắp đặt camera theo các quy định của quy chế thi. Trường THPT Giồng Giềng lồng ghép hoạt động dạy học và trao đổi với các em học sinh lớp 12 về quy chế thi; nhất là lưu ý các em thời gian thi và điện thoại di động là hai vấn đề thí sinh dễ bị vi phạm quy chế.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Huỳnh Văn Hóa, đến nay Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị và phê duyệt kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Toàn tỉnh dự kiến bố trí 26 điểm thi với khoảng 14 nghìn học sinh đăng ký dự thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho tất cả thành viên tham gia kỳ thi; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất để phục vụ các điểm thi. Điểm đáng chú ý là kỳ thi diễn ra vào thời điểm dễ có mưa, bão trong khi tỉnh Kiên Giang có hai địa phương vùng biển đảo là thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải.

Vì vậy, ban chỉ đạo thi của tỉnh đã tính toán nhiều phương án dự phòng tình huống bất thường. Trong đó, đối với điểm thi Phú Quốc, việc vận chuyển đề thi ra đảo có thể bằng tàu cao tốc trên biển hoặc bằng máy bay từ sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) hoặc từ thành phố Cần Thơ đưa đề thi ra Phú Quốc.

Đối với học sinh huyện đảo Kiên Hải sẽ được bố trí vào thi tại đất liền. Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp lãnh đạo địa phương, hội phụ huynh, các nhà trường và những điểm thi hỗ trợ đưa đón, chỗ ăn nghỉ, động viên thí sinh dự thi.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phạm Đăng Khoa, năm 2023 có hơn 20 nghìn thí sinh dự thi. Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã bố trí 32 điểm thi với xấp xỉ 900 phòng thi; hơn 2 nghìn cán bộ coi thi và phục vụ kỳ thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các địa phương trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi. Đối với công tác chuyên môn, ngay sau khi quy chế thi được ban hành và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, Sở đã tổ chức phổ biến, quán triệt kỹ đến từng trường, giáo viên và học sinh. Trong đó những điểm mới của quy chế được đặc biệt lưu ý nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Phạm Ngọc Thưởng, để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt, công tác tập huấn cần được triển khai kỹ lưỡng, cụ thể và cá thể hóa đến từng người.

Quá trình tổ chức tập huấn, các đơn vị cần tổng hợp những nội dung, vấn đề hay mắc phải, những trường hợp cá biệt đã xảy ra để đưa vào tập huấn. Các hội đồng thi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực cho kỳ thi.

Cần chú ý khâu lựa chọn người tham gia công tác tổ chức thi là khâu quan trọng nhất vì quy chế có chặt chẽ đến đâu, camera theo dõi thế nào, phần mềm tốt ra sao... thì con người, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật vẫn là yếu tố quyết định.

Một sai sót nhỏ của cá nhân có thể ảnh hưởng tới cả kỳ thi. Đối với vấn đề phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị trong tổ chức kỳ thi, các sở giáo dục và đào tạo cần chủ động đề xuất phối hợp và đôn đốc kế hoạch của từng ban, ngành, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; công tác dự báo và nhận diện các khâu để tránh rủi ro; có phương án kịp thời xử lý các tình huống bất thường để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra từ ngày 27 đến 30/6.

Trong đó, ngày 27/6, buổi sáng họp cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi; buổi chiều thí sinh làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.

Ngày 28/6, buổi sáng thi môn Ngữ văn (thời gian 120 phút); buổi chiều thi môn Toán (thời gian 90 phút).

Ngày 29/6 buổi sáng thi bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội (mỗi môn thi thành phần thời gian 50 phút); buổi chiều thi môn Ngoại ngữ (thời gian 60 phút). Ngày 30/6 dự phòng.

Cả nước có 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi (đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%, đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%).

Trong số thí sinh đăng ký dự thi: Thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 73.232 (chiếm 7,14%); thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh là 34.203 (chiếm 3,34%); thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển tuyển sinh là 917.731 (chiếm 89,52%).

Chậm nhất ngày 11/6, các hội đồng thi tổ chức đánh số báo danh, xếp phòng thi theo từng bài thi/môn thi tại các điểm thi.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Tuyên dương, trao học bổng “Học không bao giờ cùng” 

(HBĐT) - Ngày 31/5, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh tổ chức Lễ tuyên dương, trao học bổng "Học không bao giờ cùng” năm 2023. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HKH Việt Nam; Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng xã hội học tập (XHHT) và phổ cập giáo dục tỉnh...

Cơ hội để sinh viên tiếp cận sớm với công nghệ vi mạch

Với mong muốn giới thiệu thêm các xu hướng khoa học tiên tiến trên thế giới cho sinh viên, tọa đàm "Công nghệ vi mạch và tương lai phát triển ở Việt Nam” do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức đã diễn ra ngày 30/5 tại Hà Nội.

Đại hội đại biểu Công đoàn Giáo dục Hòa Bình lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028

(HBĐT) - Ngày 30/5, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Hòa Bình tổ chức Đại hội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. 

Phối hợp tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2023

Ngày 29/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Bộ Y tế lên tiếng về việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đầu vào ngành y khoa

Trước thông tin một số trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển vào ngành y khoa, ngày 28/5, trao đổi thông tin với báo chí, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác.

8 học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương

Thông tin Ban Tổ chức Olympic Vật lý châu Á-Thái Bình Dương (APhO) năm 2023 cả 8 học sinh của Đội tuyển Việt Nam tham dự đều đoạt giải, gồm 4 huy chương đồng và 4 bằng khen.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục