Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT về Quy chế thi học sinh giỏi quốc gia, thay thế Thông tư 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011.
Theo Quy chế mới, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hai kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học Phổ thông và kỳ thi chọn học sinh Trung học Phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic).
Về số lượng thí sinh dự thi, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa là 10 thí sinh; riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội được đăng ký tối đa 20 thí sinh cho mỗi đội tuyển. Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, số lượng thí sinh dự thi mỗi môn hằng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập. Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi trong một năm học.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hai buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ; có một buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; thời gian làm bài thi là 180 phút. Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính; các môn khác thi theo hình thức viết trên giấy; các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói, thí sinh có 5 phút chuẩn bị và 5 phút để ghi âm.
Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có hai buổi thi đối với mỗi môn thi; riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm một buổi thi thực hành. Thời gian làm bài thi với môn Tin học là 300 phút/bài thi, môn Toán là 270 phút/bài thi, các môn còn lại là 240 phút/bài thi. Thời gian thi thực hành là 180 phút.
Như vậy, theo quy chế mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thay việc tổ chức buổi thi thực hành bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các kỳ Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Các thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia Trung học Phổ thông nhưng không đoạt giải sẽ được cấp Giấy chứng nhận tham gia kỳ thi. Điều này giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về việc đã tham gia kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đồng thời, nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học và giáo viên trường Trung học Phổ thông tham gia tổ chức thi.
Quy chế mới cũng bổ sung các quy định liên quan đến vận chuyển đề thi để khi cần thiết triển khai vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ và hình thức thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ đối với môn Tin học; cần linh hoạt trong quy định địa điểm tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.
Theo TTXVN
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở xin ý kiến góp ý rộng rãi.
Vừa qua, liên tiếp xảy ra các sự việc giáo viên có hành vi lệch chuẩn đối với học sinh, khiến dư luận bất bình và thêm một lần đặt ra vấn đề đạo đức nhà giáo. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, xung quanh vấn đề này.
Bên cạnh các đề án đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước, hiện nay, thông qua quan hệ đối tác của nhà trường, cán bộ giảng viên nhiều trường ĐH thường xin được học bổng học tập tại các trường nước ngoài.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Sĩ quan Công binh vừa thông báo điểm chuẩn xét tuyển bổ sung năm 2023.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo về việc tổ chức thẩm định đợt 2 sách giáo khoa môn Ngoại ngữ 2 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.