Hoạt động khoa học, công nghệ trong giáo dục và đào tạo không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo những tri thức mới, sản phẩm mới phục vụ sự phát triển đất nước. Vì vậy, những năm qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ngành giáo dục chú trọng đẩy mạnh trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực hoạt động.


Sinh viên Trường đại học Phenikaa thực hành nghiên cứu thí nghiệm. (Ảnh: THƠM VŨ)

Tăng nhanh số lượng công trình, đề tài

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, tiềm lực khoa học, công nghệ trong giáo dục được nâng cao; trong đó, nhân lực khoa học, công nghệ của các đơn vị trực thuộc Bộ đạt được những bước phát triển rõ rệt về tỷ lệ tiến sĩ/tổng số giảng viên; số công bố khoa học quốc tế, trong nước, cũng như sáng chế và tài sản trí tuệ tăng dần qua các năm. Một số đề tài, nhiệm vụ khoa học đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các địa phương.

Tiến sĩ Vũ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín trong hệ thống Web of Science/Scopus, tăng cường sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Các trường ngày càng chủ động trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Kết quả, số lượng công bố khoa học quốc tế Q1, Q2 trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science (WoS) năm 2024 là 2.258 bài; trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Scopus là 3.202 bài; trên tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu ACI là 730 bài; công bố quốc tế khác là 1.450 bài.

Cùng với các công bố quốc tế, cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo đã công bố được 9.249 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước; số sách chuyên khảo được xuất bản là 351 cuốn; sách tham khảo là 892 cuốn.

Cả nước có hai tạp chí khoa học của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus; 15 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Trung tâm Trích dẫn Đông Nam Á-ACI; tám tạp chí đã hoàn thành các tiêu chí của ACI;10 tạp chí khoa học đáp ứng các quy định yêu cầu về chất lượng, công tác quản lý và các tiêu chí khoa học... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phê duyệt 290 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ thực hiện từ năm 2025.

Trong hoạt động khoa học và công nghệ, sự tham gia của sinh viên và giảng viên trẻ được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học và phát hiện, bồi dưỡng nhân tài.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chiếm 30%-35% trong tổng số sinh viên ở các trường đại học, tập trung chủ yếu là sinh viên năm thứ ba trở đi. Riêng năm 2024, kết quả tổ chức giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hút 536 đề tài thuộc sáu lĩnh vực của 95 cơ sở giáo dục đại học đăng ký tham gia.

Kết quả tổ chức giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học của ngành giáo dục có 47 công trình thuộc sáu lĩnh vực của 29 cơ sở giáo dục đại học đăng ký tham gia.

Một số đơn vị có số lượng công bố quốc tế và các chỉ số trích dẫn tăng liên tục như Đại học Quốc gia Hà Nội, số bài báo khoa học được công bố trên hệ thống ISI/Scopus năm 2024 là 1.992 bài, tăng 281 bài so với năm 2023, trong đó có 1.217 bài báo thuộc nhóm Q1, Q2. Tỷ lệ công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố quốc tế đạt 64,3%.

Điển hình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh, Trường đại học Khoa học tự nhiên là đồng tác giả của ba bài báo trên tạp chí Nature; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà và nhóm các nhà khoa học Trường đại học Công nghệ được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế cho Hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng chuyển động mắt (Blife)...

Lấy kết quả đầu ra làm thước đo

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động khoa học và công nghệ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, nhất là đối với các cơ sở giáo dục đại học lớn. Nghiên cứu của các đơn vị hầu hết vẫn nhỏ, lẻ, chưa có nhiều đóng góp nổi bật, tạo bước chuyển biến thật sự đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Giải pháp, biện pháp huy động nguồn lực tài chính từ ngoài ngân sách Nhà nước, đặc biệt là từ doanh nghiệp chưa đủ mạnh…

Số lượng công bố quốc tế tăng nhanh, nhưng nghiên cứu mang tính ứng dụng cao chưa nhiều; trong khi việc kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, dẫn đến hạn chế trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Cùng với đó, ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu còn hạn chế, trong khi cơ chế huy động nguồn lực xã hội chưa thật sự hiệu quả, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong giáo dục, thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần đào tạo ra những thủ lĩnh khoa học, bao gồm các tiến sĩ hàng đầu, sớm ra sản phẩm để giải quyết những vấn đề lớn. Cùng với đó, hệ sinh thái viện-trườngdoanh nghiệp là rất quan trọng, cần có sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp hoặc có cơ chế hợp lý để thúc đẩy start-up.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Thị Thoa (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, cần tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên và sinh viên phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần có chiến lược đầu tư dài hạn và có sự đồng hành của doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, để đưa ra các yêu cầu sát sườn, từ đó các nhà khoa học hoàn thiện sản phẩm, gắn kết nghiên cứu với ứng dụng.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, công nghệ, toàn ngành giáo dục sẽ thực hiện đổi mới phương thức xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ theo hướng lấy kết quả đầu ra làm thước đo kết quả nghiên cứu và làm căn cứ xét đầu vào; tăng cường phân cấp và nâng cao trách nhiệm giải trình đi đôi với tự chủ đại học; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để từng bước tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện khung pháp lý theo tư duy mới, nghiên cứu khoa học sẽ được đặt ngang hàng với đào tạo, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặc biệt chú trọng đến vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ chế đánh giá, xếp hạng để tạo động lực cho các trường thật sự coi nghiên cứu khoa học là một ưu tiên chiến lược


Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí năm 2025

Theo đề án tuyển sinh 2025 của nhiều trường đại học mới công bố, mức học phí được công khai và dự kiến tăng so với năm ngoái.

Hôm nay (21/4), thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025

Bắt đầu từ 21/4, thí sinh có thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025, và kết thúc vào lúc 17h ngày 28/4.

Trường THPT Tân Lạc quan tâm giáo dục lý tưởng, kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Hoạt động trải nghiệm đời sống quân ngũ của học sinh Trường THPT Tân Lạc cuối tháng 3 vừa qua là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động thể hiện rõ vai trò của tổ chức đoàn trong việc giáo dục lý tưởng sống, kỹ năng thực tiễn và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong giai đoạn hội nhập.

Hà Nội công bố chỉ tiêu lớp 10 của các trường tư thục, trường trung cấp

Ngày 16/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 của các trường trung học phổ thông tư thục, các trường trung cấp ở thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách và phát triển văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, năm 2025.

Chủ động chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 đang đến gần, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ động tham mưu, cùng các cơ quan chức năng tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục